Tùy tiện cưỡng chế

Tùy tiện cưỡng chế
TP - Một con đường đi liên quan đến tài sản của dân, UBND phường 10 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) tùy tiện cưỡng chế sai luật.
Tùy tiện cưỡng chế ảnh 1
Bà Điền Thị Tệng bên đám đất đã được cấp sổ đỏ. Ảnh: T.A


Con đường đi qua đám đất của bà Điền Thị Tệng (SN 1960), ngụ tại số 1144, khóm 2, phường 10. Đám đất này, bà được ông ngoại cho từ năm 1977 và năm 1993 đã được cấp sổ đỏ, rộng 1.000m2.

Thế rồi, một số hộ dân vẫn đi nhờ đất của bà, cho rằng, bà “cản trở đường đi công cộng”, làm đơn gửi UBND phường 10. UBND phường 10 tổ chức hòa giải nhưng không thành bởi bà Tệng có sổ đỏ chứng minh con đường là đất của gia đình bà, không có bằng chứng nào gọi đó là đường công cộng.

Ngày 8 - 6 - 2009, Chủ tịch UBND phường 10 Nguyễn Văn Hòa ký quyết định buộc bà Tệng phải “tháo dỡ, di dời các vật kiến trúc để UBND phường làm lối đi công cộng”.

Bà Tệng khiếu nại, không được giải quyết. Sau đó, UBND phường 10 ra quyết định xử phạt hành chính và tổ chức cưỡng chế, chặt phá cây cối, hoa màu của bà Tệng để lấy phần đất rộng 3,5m, dài 80m làm đường đi.

Chủ tịch UBND phường 10 Nguyễn Văn Hòa giải thích với Tiền Phong: “Trên bản đồ có vẽ con đường đó”. Nhưng con đường nằm trong sổ đỏ của bà Tệng, nếu lấy con đường thì đất bà Tệng không còn đủ 1.000m2? Ông Hòa cho rằng: “Do cán bộ địa chính huyện làm sai, chứ đất của bà Tệng không thể có 1.000m2 như sổ đỏ” (?).

Bà Tệng nói: “Cán bộ chính quyền nói phải có căn cứ, chứ suy luận là tôi không phục”. Bà Tệng cho biết: Từ lâu bà vẫn chừa đường đi cho mấy hộ phía sau khoảng một mét, muốn rộng hơn phải thương thảo có tình có lý, không thể dùng quyền để lấy bề ngang 3,5 mét đất như thế.

Chủ tịch Nguyễn Văn Hòa cho rằng, UBND phường đã làm đúng luật. Nhưng luật sư Trần Vĩnh Khang đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng khẳng định: UBND phường 10 tổ chức cưỡng chế vụ này không đúng luật.

Vị luật sư phân tích, trình tự pháp luật quy định, phải có biên bản vi phạm hành chính về việc bà Tệng lấn chiếm đất công thì mới được ra quyết định xử phạt hành chính. Và 30 ngày sau khi ra quyết định xử phạt hành chính, mới có thể cưỡng chế. Ở đây, không có biên bản vi phạm hành chính, sau đó ra quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế luôn là sai.

Nhưng sai lớn hơn, theo luật sư Khang, đây là tranh chấp dân sự giữa người dân, UBND phường là cấp hòa giải, nếu không thành phải chuyển về UBND cấp trên giải quyết. UBND phường 10 tự cho phép mình ra loạt quyết định và cưỡng chế là tùy tiện, vượt thẩm quyền.

MỚI - NÓNG