Chuyện về trùm tội phạm xuyên quốc gia Phương 'Linh Hột' - Bài cuối:

Vẫn còn mầm họa

Vẫn còn mầm họa
TP - Không chỉ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm tội phạm Phương Linh Hột, nhiều bạn đọc quan tâm đến vụ án mong muốn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ điều kiện phát sinh tội phạm ở mảnh đất địa đầu Móng Cái, để xử lý triệt để loại hình tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm này.

>> Bài 4: Những 'cuộc đấu' của ông trùm

Vẫn còn mầm họa ảnh 1
 Một góc Móng Cái hôm nay. Ảnh: PV

Tội phạm khoác áo doanh nhân

Qua các số báo trước, Tiền Phong nêu ba vụ án liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Phương Linh Hột: các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra năm 1997 và năm 2005; vụ án giết người, xảy ra năm 2009.

Tuy đã tạm khép lại hoặc đang được điều tra, qua các vụ án này, có thể thấy: Để ngăn chặn, xử lý các đối tượng tội phạm xuyên quốc gia khoác áo doanh nhân nguy hiểm như băng nhóm Phương Linh Hột, rất nhiều vấn đề phải được mổ xẻ thấu đáo, trong đó có việc cần bổ sung những tội danh mới vào Bộ luật Hình sự.

Ở vụ án xảy ra năm 2005, số báo trước Tiền Phong đã nêu: Phạm Duy Hùng tức Hùng Trọc chặn xe chở lốp do anh Trần Xuân Nhân lái. Anh Nhân giải thích: Lốp trên xe của anh Dũng, anh Nhân chỉ chở thuê, song Hùng vẫn bắt anh Nhân phải chở đến bán cho Phương Linh Hột. Khi anh Nhân không thực hiện, Hùng liền đánh anh Nhân. Hành vi của Hùng vi phạm điều nào trong Bộ luật Hình sự?

Năm 2006, khi viết bài về vụ án này, các PV Tiền Phong đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia pháp luật. Có người cho rằng, hành vi của Hùng cấu thành tội cướp, do Hùng sử dụng vũ lực để chiếm đoạt số tiền lãi lẽ ra anh Dũng được hưởng.

Ý kiến khác cho rằng, hành vi đó không phải cướp, bởi Phương Linh Hột có ý định mua chứ không định chiếm đoạt số lốp trên xe (vì vậy, chỉ có thể xử lý Hùng về hành vi gây rối trật tự công cộng, và hành vi cướp giật chiếc điện thoại của anh Nhân).

Những việc Phương Linh Hột và đồng bọn thường làm, dân gian gọi là mua tranh, bán cướp. Nếu Bộ luật Hình sự của ta có tội danh cạnh tranh không lành mạnh, sẽ có điều kiện ngăn chặn, xử lý những hành vi kiểu này.

(Vụ án liên quan đến một số quan chức Cty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương PCI và đối tượng Huỳnh Ngọc Sỹ, các bị cáo người Nhật đã bị phía Nhật Bản xử lý theo tội danh cạnh tranh không lành mạnh có trong Bộ luật Hình sự nước này).

Thiết nghĩ, đã đến lúc bên cạnh những điều luật nhằm giám sát thu nhập, chống rửa tiền, các nhà làm luật của ta cần đưa thêm tội danh cạnh tranh không lành mạnh vào Bộ luật Hình sự, với chế tài đủ mạnh. Khi ấy mới có thể giám sát được những hoạt động phức tạp, tinh vi của những doanh nhân như Phương Linh Hột.

Vẫn còn mầm họa ảnh 2
Toà nhà của Phương Linh Hột, nơi ông trùm đặt trụ sở Cty. Ảnh: PV

Cần vận động quần chúng tố giác

Theo thông tin các PV có được,  trong việc điều tra vụ án “giết người” xảy ra hôm 30-5-2009, hiện cơ quan điều tra vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân Nguyễn Văn Sỹ. Ngoài năm đối tượng đã bị bắt, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh truy nã bốn đối tượng khác, hiện vẫn chưa bắt hết được những đối tượng này.

Nhiều người dân Móng Cái khẳng định, nạn nhân của băng nhóm Phương Linh Hột vẫn còn nhiều, song vì nhiều lý do, họ không dám đứng ra tố cáo.

Khi thực hiện bài điều tra này, một trong những khó khăn các PV Tiền Phong gặp phải là sự bất hợp tác của một số người từng là nạn nhân của Phương Linh Hột. Người ta sợ ong ve của ông trùm vẫn còn nhiều, sợ lời đồn “ông trùm sắp được về”, sợ cả việc các PV biết đâu là người của phía ông trùm! Qua những người trung gian, họ đồng ý gặp các PV, rồi đến phút cuối, họ lại né tránh...

Chuyện kiểu này các PV từng gặp phải, khi viết bài điều tra liên quan các băng nhóm tội phạm có thế lực.

Thiết nghĩ, Công an thành phố Móng Cái và Công an tỉnh Quảng Ninh cần phát động quần chúng đứng ra tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm Phương Linh Hột. Việc này không chỉ giúp cho công tác điều tra phá án đạt hiệu quả tốt, mà còn giúp củng cố niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tiền Phong cũng đề nghị bạn đọc cung cấp thông tin tố giác tội phạm liên quan băng nhóm Phương Linh Hột, với nhiều hình thức như gọi điện, gửi đơn thư, trực tiếp đến toà soạn... Các PV đảm bảo giữ bí mật nguồn tin, chuyển đơn thư đến những địa chỉ tin cậy và phù hợp quy định pháp luật.

Sao ông trùm không gác kiếm?

“Ông ta giàu sụ như vậy rồi, có công ty làm ăn đàng hoàng rồi, sao không rửa tay gác kiếm, từ giã giang hồ, lại làm những việc vi phạm pháp luật, để rồi thân già phải vào tù, tiền ai tiêu hộ cho?”.

Câu hỏi trên, các PV Tiền Phong nghe được từ nhiều người, khi điều tra về Phương Linh Hột. Các PV cũng nghe được nhiều câu trả lời. Có người cho rằng, bản chất của dân anh chị trong giới giang hồ thường không thay đổi. Có người nhận xét, lòng tham của con người không có giới hạn, giàu rồi vẫn còn muốn thêm nữa.

Những nhận định trên có lẽ đều đúng. Nhưng vẫn còn một điều nữa, các PV Tiền Phong cảm nhận rất rõ, khi ngồi giữa lòng thành phố Móng Cái.

Ai từng ra vùng đất biên ải này ngày đầu mở cửa, rồi bây giờ trở lại, sẽ dễ dàng nhận thấy những điều kiện để Phương Linh Hột và đám đàn em giàu có như ngày hôm nay, những điều kiện mà Phương Linh Hột dựa vào đó để coi thường pháp luật, coi thường quyền được tự do được bình đẳng trong kinh doanh, thậm chí mạng sống của người khác, dường như vẫn còn nguyên đó.

Khi môi trường làm ăn chưa thay đổi, hà cớ gì Nguyễn Tiến Phương phải thay tâm đổi tính, từ giã những gì đã làm nên một Phương Linh Hột ngày hôm nay?

Chuyện nghe được ở chợ  trung tâm

Bữa các PV Tiền Phong ngồi uống nước bên hông chợ trung tâm Móng Cái, một chị ngồi bên hỏi “Các em như không phải người đây?”. Chuyện qua chuyện lại, chị cho biết, quê chị ở Hà Cối, ra làm ăn ở Móng Cái từ năm 1996. Hỏi chị hiện làm nghề gì, đáp rất tự nhiên “bao biên”.

Thấy các PV không hiểu, chị giải thích: “Mình nhận hàng của chủ Trung Quốc, thuê cửu vạn vận chuyển. Phải đi hàng có giờ, làm luật mình lo. Chỗ này hết từng này, chỗ kia hết từng kia... đều có giá chợ. Chẳng may bị bắt mất hàng, mình phải đền cho chủ Trung Quốc, làm cái nghề này, phải có uy tín”.

Bà chị làm nghề bao biên này nói oang oang, ngay giữa hàng nước. Nhưng xung quanh không ai buồn để ý. Những chuyện kiểu này, dường như ở Móng Cái, người ta coi là chuyện thường ngày, chuyện đương nhiên.

Ở nơi những hoạt động phạm pháp đang diễn ra bán công khai, cư dân bên này bên kia biên giới cùng rầm rộ đi buôn lậu, rầm rộ đưa và nhận hối lộ, coi đó là một nghề để sống, nơi ấy dĩ nhiên vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia sinh sôi nảy nở... 

MỚI - NÓNG