Vấn nạn “hoãn tòa”

Vấn nạn “hoãn tòa”
TP - Ở các vụ án dân sự, bên nguyên, bên bị, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, rồi luật sư của bên nguyên, luật sư của bên bị... theo luật định đều có quyền được đề nghị hoãn phiên tòa một lần.

Luật cũng quy định HĐXX sẽ phải chấp nhận việc hoãn toà, với điều kiện các đương sự xin hoãn lần đầu và đưa ra lý do chính đáng.

Từ quy định này mà gần đây, rất nhiều vụ án dân sự mở tòa lần đầu đã bị hoãn.

Sáng 14/3/2007, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mở tòa để xử hai vụ án (cùng một HĐXX, cùng một hội trường).

Vụ thứ nhất là án ly hôn. Phía bị đơn thuê ba luật sư, chỉ một có mặt tại tòa; hai luật sư khác bận... ngồi một vụ án khác, nên không đến và có đơn xin hoãn. Sau khi hội ý, HĐXX chấp nhận hoãn tòa, mặc dù với vụ án này, đây đã là lần hoãn thứ ba.

Vụ thứ hai là án tranh chấp vốn góp trong Cty cổ phần. Đây là vụ án đã qua nhiều cấp xét xử, bản án đã tuyên từng bị huỷ để xử lại, nên có nhiều phóng viên của nhiều tờ báo có mặt để theo dõi phiên tòa.

Trong giấy báo ghi 8h00’, nhưng 9h30’ phiên tòa mới bắt đầu, bởi phía bị đơn gọi điện xin đến muộn với lý do... tắc đường.

Và rồi phiên tòa vừa khai mạc lại phải... hoãn, bởi người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan trong vụ kiện không đến. Theo tìm hiểu của phóng viên thì đây cũng là lần hoãn thứ ba của phiên tòa này!

Để xin hoãn tòa, người ta thường đưa ra các lý do: ốm, bận việc khác, không nhận được giấy báo của tòa. Có những trường hợp bên nguyên hoặc bên bị không đến, không có lý do, nhưng tòa vẫn hoãn.

Đã đôi lần sau khi tòa hoãn, phóng viên được đương sự “rỉ tai” rằng có việc xin hoãn là do đương sự chưa “chung kết” được với ông A, ông B...

Mỗi lần hoãn tòa là một lần thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký, rồi các đương sự, luật sư v.v. mất thời gian và phí tổn đi lại.

Hoãn tòa nhiều lần khiến phiên tòa thiếu đi không khí trang nghiêm, việc giải quyết vụ án bị kéo dài, nhiều trường hợp làm thiệt thòi thêm quyền lợi hợp pháp đang bị xâm hại của đương sự.

Người viết bài đã trao đổi với một thẩm phán của TAND TP Hà Nội, vị này cho biết để hạn chế hoãn tòa, các thẩm phán thường nhắc thư ký chuyển tận tay đương sự giấy báo dự tòa, và phải có biên nhận về việc này; vấn đề là ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng tòa án của các công dân tham gia phiên tòa phải được nâng cao hơn nữa.

Một luật sư của Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, ông cũng từng nhiều lần mất thời gian, mệt mỏi với những phiên tòa phải hoãn đi hoãn lại; theo quan điểm của luật sư thì những quy định pháp luật về việc hoãn tòa đang quá rộng rãi nên người ta dễ “vận dụng”.

Trước vấn nạn hoãn tòa đang là “chuyện thường ngày ở tòa”, thiết nghĩ đã đến lúc ngành Tòa án và các ngành liên quan cần xem xét, kiến nghị chỉnh sửa các quy định, đưa ra thêm các chế tài trong tố tụng dân sự  theo hướng ngăn chặn tối đa việc phải hoãn tòa nhiều lần.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".