Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, Nghệ An:

Vàng tặc hoành hành

Vàng tặc hoành hành
TP- Tại bãi vàng Huôi Khố (còn gọi là khe Khô) ở huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) thuộc sự quản lý của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, tái diễn công khai nạn khai thác vàng, làm mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm.

Mất gần nửa ngày trời vượt đèo, chúng tôi đến trung tâm xã Quang Phong. Điểm khai thác vàng đầu tiên mà chúng tôi đến là Huôi Khố. Đêm nghỉ lại đây thỉnh thoảng lại nghe vọng tiếng cuốc va vào đá khô khốc của phu vàng. Ông Lang Văn Huấn- người sống dưới chân núi này mấy chục năm nay cho biết, sau khi có sự truy quét của cơ quan chức năng huyện Quế Phong, vẫn có rất nhiều đối tượng từ các địa phương khác lén lút dựng lán trại để khai thác.

Chúng tôi xuất hiện tại bãi vàng Huôi Khố, nhiều người đang khai thác bỏ chạy vào rừng. Khi biết chúng tôi không phải là người của chính quyền địa phương, họ hú gọi nhau trở lại đại công trường. Nghe nói chúng tôi đi mua vàng, một người đàn ông to cao lực lưỡng tên Chung xuất hiện để tiếp thượng đế. Tổ khai thác vàng này gồm 18 người, chủ yếu là dân bản địa được thuê theo ngày 30.000 – 60.000 đồng.

Một người đào vàng tên Lom cho biết: “Mấy lần trước, cán bộ vào tịch thu máy móc rồi đốt lán trại, trục xuất người. Đuổi hôm trước, hôm sau dân đào vàng lại tiếp tục dựng lán”. Tại đây có rất nhiều loại máy móc chuyên dụng để khai thác vàng như máy xay đá, máy thổi, máy tời và một số thiết bị dùng để đựng vàng thành phẩm cất giấu khắp nơi. Để khai thác được vàng, người ta phải đào giếng độ sâu 5 – 10m, sau đó tùy theo trữ lượng vàng nhiều hay ít mà đào sâu tiếp hoặc đào hầm ngang.

Tại xã Quang Phong, có các điểm khai thác vàng lớn là Huồi Bón, Huồi Khố và Ná Tân... Thời gian gần đây hai khu vực nằm trong vùng lõm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống là Huồi Cắm và Huồi Ứ thuộc địa phận xã Cắm Muộn cũng bị khai thác vàng tràn lan.

Để có bãi khai thác, nhiều nậu mua đứt nương rẫy của bà con. Ông Vi Văn Hiếu, ở bản Cắm, có nương rẫy trồng lúa đang trong thời kỳ phát triển tốt được nậu đến mua với giá ba triệu đồng/hố để khai thác. Ông Hiếu bán được gần 20 hố. Tương tự, rẫy nhà ông Lang Văn Tung, bà Lô Thị Pắn... cũng được bán cho các nậu.

Chính quyền bất lực

Ông Vi Văn Dẳm – Bí thư Chi bộ Bản Cắm, xã Cắm Muộn bức xúc: “Tình trạng khai thác vàng bừa bãi này chỉ lắng xuống được một thời gian ngắn sau đợt truy quét hồi tháng 8/2008, sau đó đâu lại vào đấy. Nạn khai thác vàng kéo theo mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và nhiều tệ nạn khác như ma túy, mại dâm...”.

Ông Vi Thái Điệp, Chủ tịch UBND Xã Cắm Muộn, cho biết thêm, khu vực khai thác vàng thuộc vùng heo hút, giao thông khó khăn nên công tác đẩy đuổi dân đào vàng không dễ. Những phu đào vàng chủ yếu là người từ các địa phương khác đến. Lợi dụng điều kiện kinh tế của bà con địa phương khó khăn, các nậu lôi kéo họ vào bãi làm phu đào vàng.

Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, nay mai núi rừng nơi đây không những sẽ bị tan hoang mà môi trường sống của bà con vùng núi còn bị ô nhiễm.

MỚI - NÓNG