Vào công sở gặp cửa quyền

Vào công sở gặp cửa quyền
TP - “Vào công sở gặp cửa quyền” là câu nói quen thuộc ở một số địa phương tại Hà Tĩnh. Quá trình các cấp chính quyền xử lý vụ khiếu nại của một cựu cán bộ huyện ủy 80 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng như khẳng định điều đó.

>> Chém xe Chủ tịch UBND tỉnh vì mâu thuẫn kiện tụng

Vào công sở gặp cửa quyền ảnh 1
Bà Hà Thị Mỹ Dung (phải) bị tố cáo là có thái độ cửa quyền trong buổi tiếp dân

Đấy là chuyện diễn ra sáng 16/11, sau 21 ngày, khi Đặng Tiến Bính đã bị bắt giam. Nhưng một trong 12 nội dung tố cáo của ông vẫn được UBND tỉnh chỉ đạo xem xét:

Đó là vụ UBND thị trấn Cày đề xuất để UBND huyện Thạch Hà lấy đất của bà Phạm Thị Tuyết và ông Lưu Đình Trúc để cấp cho hai quan chức của Viện KSND huyện. 

Mua đất năm 1963 bị “kết tội” vi phạm Luật Đất đai năm 1988

Cách đây 44 năm, ngày 20/3/1963, ông Lưu Đình Trúc - Huyện đội trưởng và bà Phạm Thị Tuyết, cán bộ Văn phòng Huyện ủy Thạch Hà mua một sào đất của ông Nguyễn Hữu Quý thuộc xã Thạch Thượng, có 4 bề tứ cận (phía Nam giáp Viện KSND huyện Thạch Hà).

Giá mua là 210kg thóc, quy tiền là 48 đồng 3 hào, giấy tờ có xác nhận HTX nông nghiệp Nhật Tân, con dấu của Ủy ban hành chính xã Thạch Thượng do ông Hoàng Văn Mại ký.

Gia đình ông Trúc đã làm nhà sinh sống gần 3 năm thì chiến tranh phá hoại miền Bắc bùng nổ, vùng đất ấy bị đánh phá tàn khốc, ông Trúc vào chiến trường Nam Lào, bà Tuyết dẫn 3 người con theo Huyện ủy sơ tán lên xã Thạch Thanh.

Năm 1971, bà Tuyết nghỉ hưu. Chồng đang ở chiến trường, mẹ con bà đưa nhau về quê nội ở Đức Thọ. Năm 1974, ông Trúc rời quân ngũ gia đình về bên ngoại ở xã Thạch Bằng.

Mảnh đất vẫn còn nằm cạnh trụ sở Viện KSND huyện nhưng gia đình chưa có điều kiện chuyển nhà lên. Năm 1994, UBND thị trấn Cày cấp mảnh đất đó cho 2 vị quan chức thuộc Viện KSND huyện. Gia đình bà Tuyết khởi kiện từ đó.

Ngày 5/6/1994, Văn bản số 25 của UBND thị trấn Cày do Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Nhì ký, phán xét: “Việc bà mua đất những năm 1963..., sau khi hòa bình lập lại Nhà nước có chủ trương quy hoạch tất cả các vườn tược đất đai cha ông tổ nghiệp để lại nên việc bà mua bán đất là hoàn toàn vi phạm Luật Đất đai được công bố ngày 8/1/1988 của Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Mua đất từ năm 1963 mà vi phạm luật năm 1988? - Đọc lại những dòng này thật là chuyện “cười ra huyết lệ”. Đáng buồn hơn, 13 năm sau vào ngày 16/11/2007, ông Nguyễn Quốc Nhì nay là Chủ tịch UBND thị trấn Cày người ra kết luận ngây thơ thời ấy như đã nói trên lại được cử vào một trong hai vai chủ trì cùng với bà Hà Thị Mỹ Dung sinh năm 1983, cán bộ thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh được phân công chủ trì tiếp tục giải quyết đơn kiện của bà Phạm Thị Tuyết. Cách làm việc như vậy chẳng khác gì chuyện con kiến mà leo cành đa...

Bức xúc tích tụ?

Vào công sở gặp cửa quyền ảnh 2
Mảnh đất của bà Tuyết được chính quyền cấp cho ông Trần Quốc Thành, Viện trưởng (phía bên phải) và bà Lê Thị Vân, Viện phó Viện VKSND huyện Thạch Hà

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Phạm Thị Tuyết để tìm hiểu về vụ kiện, được biết sáng 16/11 tổ công tác của Sở TN&MT Hà Tĩnh do bà Hà Thị Mỹ Dung thanh tra viên, dẫn đầu sẽ tiến hành làm việc với gia đình bà Tuyết về chuyện khiếu nại đòi đất. Chúng tôi đã bám theo.

Bà Phạm Thị Tuyết gần 80 tuổi bị bệnh cao huyết áp và ngãng tai không nghe rõ những gì trong biên bản do bà Dung đọc. Con trai của bà tên là Lưu Đình An thay mẹ tham gia ý kiến bị bà Dung mời ra khỏi hội trường.

Tổ công tác đã ép bà Tuyết ký vào văn bản mà chẳng giao cho bà một tờ  nào để đem về. Con trai bà Tuyết đã có đơn tố cáo bà Dung cán bộ Sở TN&MT có thái độ cửa quyền mất dân chủ.

Trước đó, do đã tuổi cao sức yếu, lại ngãng tai nên bà Tuyết làm giấy ủy quyền cho con trai Lưu Đình An và ông Đặng Tiến Bính (bạn thân của An) đi khiếu nại đòi đất, tuy nhiên chính quyền địa phương nơi bà cư trú lại từ chối chứng thực ủy quyền.

Bà Phạm Thị Tuyết sinh năm 1933, tham gia cách mạng từ năm 1947, năm 1949 mới 16 tuổi đã kết nạp Đảng, liên tục hoạt động hơn 30 năm. Chồng bà là ông Lưu Đình Trúc sinh 1924, nhập ngũ tháng 8/1945 đã từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Năm 1963 gia đình mua đất của ông Nguyễn Hữu Quý để làm nhà tại xã Thạch Thượng có đầy đủ giấy tờ và người làm chứng nhưng nay bị chính quyền đưa ra những điều vô lý bác bỏ.

Việc bà Tuyết có đơn khiếu nại là đương nhiên, đáng ra các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh cần xem xét một cách hợp tình hợp lý để có thể cấp bổ sung hoặc bán với giá ưu tiên mảnh đất nào đó cho một gia đình đã có công với cách mạng khỏi bị thiệt thòi quyền lợi. Đã thế nhiều người còn nghĩ xấu cho ông Đặng Tiến Bính là do nợ nần nên đi đòi thuê đất để hưởng lợi... là thiếu thiện chí.

Từ thực tế diễn ra ngày 16/11 vừa rồi, chúng tôi liên tưởng lại việc ngày 25/4/2006 ông Bính đã cam kết “sẽ không còn khiếu kiện nữa” nhưng sau đó lại tiếp tục và có hành động manh động với Chủ tịch tỉnh.

Phải chăng sự đời “Cây đã lặng mà gió chẳng dừng”, do cán bộ xã tiếp tục gây sức ép khiến ông Bính lại viết đơn vào ngày 23/8/2006 (sau ngày thỏa thuận đã 4 tháng) gửi lên cấp trên, bày tỏ sự bức xúc: “Tất cả những gia đình cùng tôi  ký vào đơn trước đó phải chịu thiệt thòi quyền lợi... lại bị gọi lên UBND xã để dụ dỗ và dọa nạt.

Mỗi khi có việc đến UBND xã thì bị kích bác gây khó khăn... tôi biết tất cả những lời nói thật vô cùng cần thiết song cũng vô cùng tai hại... Sự tai hại đó không chỉ cho riêng tôi mà cho rất nhiều người...”.

Hành động đầy tính côn đồ của ông Bính phải được xử lý nghiêm theo pháp luật để răn đe. Còn những cán bộ Nhà nước có việc làm sai trái, có thái độ cửa quyền với dân đó cũng là nguyên nhân gây nên nỗi bức xúc, khiến người dân có hành vi tiêu cực thì sao?   

MỚI - NÓNG