Về Thông tư 28 của Bộ Công an: Đừng chậm trễ ghi âm, ghi hình!

Cần có những quy định cụ thể, khả thi, để không cho phép tái diễn những vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Ảnh: Minh Tú
Cần có những quy định cụ thể, khả thi, để không cho phép tái diễn những vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Ảnh: Minh Tú
TP - Thông tư 28/2014/TT-BCA của Bộ Công an (Thông tư 28 - được ban hành để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự) mặc dù sẽ có hiệu lực từ 25/8/2014, song hiện vẫn có nhiều ý kiến không đồng tình với một vài nội dung của thông tư.

Làm sao phát hiện bức cung, nhục hình?

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách tư pháp và đã ban hành Hiến pháp mới, dễ nhận thấy Thông tư 28 có nhiều quy định theo hướng chú ý hơn quyền con người, quyền công dân, và phòng ngừa, ngăn chặn điều kiện phát sinh tiêu cực trong hoạt động điều tra hình sự.

Ngoài quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan điều tra (CQĐT) và một số cơ quan có thẩm quyền điều tra ban đầu trong lực lượng Công an nhân dân, Thông tư 28 có những quy định nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực của điều tra viên, tập trung ở Điều 31 “Những việc điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm”.

Theo đó, điều tra viên không được tự bảo quản tài sản hoặc vật chứng vụ án; không được tiếp thân nhân của người bị tạm giữ, bị can ở bất cứ đâu; không được ăn uống, nhận quà, nhờ vả hoặc sách nhiễu thân nhân, bạn bè của người bị tạm giữ, bị can; không được cho người bị tạm giữ, bị can sử dụng điện thoại liên lạc với người khác…

“Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” . 

Điều 3 Luật Luật sư

Thông tư 28 cũng có một số quy định nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi, bị can, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.

Theo đó, điều tra viên không được “mời” đương sự đến làm việc bằng hình thức gọi điện thoại, mà phải có giấy triệu tập; không được làm việc với đương sự ở nơi khác ngoài trụ sở cơ quan công an, trụ sở chính quyền địa phương nơi đương sự cư trú, hoặc trụ sở nơi làm việc của đương sự.

Thông tư 28 quy định “Nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào”; tuy nhiên, văn bản này không đưa ra quy định cụ thể và khả thi nào nhằm giám sát hoạt động điều tra giúp ngăn chặn, phát hiện hành vi bức cung, nhục hình.

Về quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, Thông tư 28 quy định “Điều tra viên chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cán bộ Trại tạm giam hoặc Nhà tạm giữ để bảo đảm cho các hoạt động của người bào chữa hoặc của người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật khi họ được gặp người bị tạm giữ hoặc bị can đang bị tạm giam”. Tuy nhiên, Thông tư này cũng không đưa ra quy định cụ thể và khả thi nào nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi cản trở người bào chữa thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ghi âm, ghi hình là quá cần thiết! 

Quy định “nhạy cảm” nhất của Thông tư 28 dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của giới luật sư, nằm ở Điều 38: “Khi phát hiện người bào chữa (…) có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như: cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ”.

Nhiều luật sư phản đối việc cho phép điều tra viên ghi âm, ghi hình hoạt động bào chữa của họ, bởi họ cho rằng việc trao đổi giữa họ và thân chủ có tính riêng tư và họ có nghĩa vụ bảo vệ bí mật thông tin của thân chủ. Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, việc lắp đặt máy ghi âm, ghi hình tại tất cả các phòng hỏi cung là hết sức cần thiết (vấn đề này từng được ông Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận khi trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội). Ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung không chỉ nhằm phát hiện sai phạm của người bào chữa, mà trước hết, đó là biện pháp hữu hiệu để chống mớm cung, bức cung, nhục hình, không chỉ của điều tra viên, mà còn của kiểm sát viên, cán bộ quản giáo.

Về việc “cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật”, đây chính là những hành vi cấu thành tội phạm, đã được quy định tại Điều 309 Bộ luật Hình sự. Thẩm quyền điều tra tội phạm này thuộc CQĐT của Viện KSND tối cao, không thuộc CQĐT của Bộ Công an. Thông tư 28 quy định “Tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, điều tra viên báo cáo Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng CQĐT ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận người bào chữa” là chưa đúng quy định về xử lý tội phạm của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về quy định điều tra viên có quyền lập biên bản về hành vi “khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ” để từ đó thu hồi giấy phép của người bào chữa, nhiều luật sư cho rằng điều này là trái Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Luật sư. Bản chất hoạt động bào chữa là phản biện.

Trong giai đoạn điều tra, người bào chữa phản biện thông qua việc kiến nghị, khiếu nại, nhằm ngăn chặn những vi phạm tố tụng, vi phạm quyền con người; đối tượng vi phạm chính là điều tra viên. Nếu cho phép điều tra viên có quyền kết luận khiếu nại, kiến nghị của luật sư là “không có căn cứ”, liệu ai dám nói sẽ không tái diễn những “vụ án Nguyễn Thanh Chấn” trong thời gian tới?

MỚI - NÓNG