Vì sao hiệu trưởng trường Lệ Xá bị khởi tố, bắt tạm giam?

Vì sao hiệu trưởng trường Lệ Xá bị khởi tố, bắt tạm giam?
TP - Từng bị thanh tra, chỉ ra sai phạm tại nhiều khoản thu đối với học sinh suốt 4 năm (2012-2016), tuy nhiên bà Nguyễn Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lệ Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên) vẫn tái phạm, dẫn đến việc bị khởi tố.
Vì sao hiệu trưởng trường Lệ Xá bị khởi tố, bắt tạm giam? ảnh 1

Trường tiểu học Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nhiều khoản thu trái quy định

Công an tỉnh Hưng Yên vừa khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lệ Xá, thuộc huyện Tiên Lữ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và mua, bán trái phép hóa đơn.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2012 đến 2017, với cương vị là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lệ Xá, bà Quyên đã xây dựng kế hoạch thu tiền của học sinh, nộp về thủ quỹ trường quản lý với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, trong đó thu trái quy định hơn 3,2 tỷ đồng. Để hợp thức hóa số tiền thu trái quy định, bà Quyên đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn lập chứng từ chuyển vào quỹ công đoàn nhà trường và chuyển vào quỹ hội phụ huynh học sinh nhưng trên thực tế thủ quỹ nhà trường vẫn quản lý.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 17/10, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên – ông Đoàn Vân Phong cho biết, trước đó, Sở nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh về việc Trường tiểu học Lệ Xá thu nhiều khoản trái quy định trong thời gian dài (2012-2016), Sở đã có công văn yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Tiên Lữ báo cáo về vụ việc đồng thời đề nghị thanh tra vào cuộc.

Sau kiểm tra, phát hiện một số sai phạm, trong đó có việc thu tiền học thêm (học buổi 2) trái quy định, Sở đã đề nghị UBND huyện Tiên Lữ yêu cầu Trường tiểu học Lệ Xá dừng việc thu, trả lại tiền cho phụ huynh các khoản đã thu trái quy định. Đồng thời, bà Quyên bị kỷ luật hình thức giáng chức hiệu trưởng xuống làm hiệu phó. Tuy nhiên, phụ huynh học sinh tiếp tục phản ứng và gửi đơn tới cơ quan điều tra.

Theo quy định của Sở GD&ĐT, tiền học thêm các cấp, trường chuyên khu vực nông thôn và thành phố dao động từ 2.500-4.500 đồng/tiết. Dịch vụ không kinh doanh như: Trông xe đạp, xe đạp điện từ 6.000-15.000 đồng/tháng; Tiền điện thắp sáng và chạy quạt từ 7.000-8.000 đồng/tháng; Tiền nước uống từ 6.000-7.000 đồng/tháng; tiền thuê dọn vệ sinh 5.000 đồng/tháng; tiền nội trú ký túc xá 80.000 đồng/tháng.

Các khoản tiền đồng phục học sinh, quỹ hội cha mẹ học sinh, tiền tổ chức ăn bán trú, tiền bảo hiểm y tế, quỹ đoàn, quỹ đội, chữ thập đỏ theo quy định. Ngoài các khoản thu trên, Sở có văn bản hướng dẫn cụ thể, nghiêm cấm các đơn vị nhà trường thu thêm bất cứ khoản thu bắt buộc nào khác dưới mọi hình thức thu hộ - chi hộ hoặc tạm thu một lần.

Cố tình hiểu sai, làm trái?

Về các khoản thu ngoài quy định xảy ra tại Trường tiểu học Lệ Xá, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, tiền học thêm (buổi hai kỳ 1: 880.000đồng) thu sai quy định theo hướng dẫn của Sở. Cơ sở vật chất, nâng cấp dòng điện 3 pha do UBND xã Lệ Xá chịu trách nhiệm nhưng nhà trường vẫn thu 220.000đồng/học sinh. Ngoài ra, nhiều khoản thu chưa đúng quy định khác như: hỗ trợ bảo vệ (15.000đồng); Vở luyện Tiếng Việt (40.000đồng); Vở luyện Toán, viết (55.000đồng); Kỹ năng sống (20.000đồng)... Riêng vở thực hành mĩ thuật, (50.000đồng), Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo thu hồi và trả lại tiền cho học sinh.

“Bà Quyên chưa hiểu đúng từ xã hội hóa hoặc cố tình hiểu sai về hướng dẫn của Sở. Trước đó, Sở từng tổ chức 2 hội nghị với các huyện, đại diện phụ huynh của các trường trên địa bàn để thông báo và hướng dẫn những vấn đề về giáo dục trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo đó, hoạt động xã hội hóa là các khoản viện trợ, hỗ trợ, quà tặng, quà biếu do tổ chức, cá nhân phụ huynh hoặc cá nhân tự nguyện hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục học sinh.

Đối với việc vận động, đóng góp xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh phải được sự ủng hộ, nhất trí của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện. Bất kỳ hình thức ép buộc, bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh là vi phạm pháp luật”, ông Phong nói.

Lãnh đạo UBND huyện Tiên Lữ cho biết thêm, thanh tra chỉ ra sai phạm nhiều khoản thu chưa đúng quy định giai đoạn 2012-2016, tuy nhiên vừa qua Trường tiểu học Lệ Xá tiếp tục bị phụ huynh phản ứng. Hàng chục phụ huynh đã giữ bà Quyên tại phòng hội đồng vì cho rằng đã thu nhiều khoản tiền sai quy định. Trong tuần, học sinh chỉ học 5 buổi nhưng nhà trường cho học cả các buổi chiều để thu tiền. “UBND huyện yêu cầu nhà trường dạy đúng số buổi, hoàn lại toàn bộ số gần 1 tỷ đồng thu sai quy định cho phụ huynh. Đồng thời quyết định cách chức bà Nguyễn Thị Quyên từ hiệu trưởng xuống hiệu phó”, một lãnh đạo UBND huyện Tiên Lữ thông tin.

“Đối với việc vận động, đóng góp xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh phải được sự ủng hộ, nhất trí của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện. Bất kỳ hình thức ép buộc, bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh là vi phạm pháp luật”.

Ông Đoàn Vân Phong - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên

MỚI - NÓNG