Vì sao loạt quan chức TPHCM 'ngã ngựa'?

Theo các cơ quan thanh tra, các sai phạm tại SAGRI xảy ra từ năm 2004, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến gần 20 lãnh đạo chủ chốt của SAGRI trong Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên…
Theo các cơ quan thanh tra, các sai phạm tại SAGRI xảy ra từ năm 2004, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến gần 20 lãnh đạo chủ chốt của SAGRI trong Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên…
TP - Sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã khiến hàng loạt quan chức TPHCM dính vòng lao lý.

Cơ quan CSĐT - Bộ Công an vừa khởi tố các ông gồm: Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Trọng Tuấn -  Phó Chánh văn phòng Thành ủy, nguyên Bí thư quận ủy quận 3, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng;  Phan Trường Sơn - PGĐ Sở Quy hoạch và Kiến Trúc; Trần Quốc Đạt - Phó trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng; Lê Tấn Hòa - Chuyên viên Sở Xây dựng để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Các bị can nói trên đều liên quan sai phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

“Ngã ngựa” vì dự án Khu nhà ở Phước Long B

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, TPHCM từng chấp thuận cho SAGRI chuyển mục đích sử dụng 3,75ha đất trại chăn nuôi heo tại phường Phước Long B ở quận 9 để xây dựng chung cư. Đến tháng 6/2016, Hội đồng thành viên SAGRI ban hành nghị quyết về phê duyệt dự án đầu tư khu nhà ở tại đây, nhưng sau đó hợp tác với Tổng công ty Phong Phú khai thác dự án với giá trị vốn góp có tỉ lệ là 28%, Tổng công ty Phong Phú chiếm tỉ lệ 72%.

Cuối tháng 12/2017, Hội đồng thành viên SAGRI thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng Công ty Phong Phú. với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2. Nghịch lý là mức giá SAGRI chuyển nhượng thấp hơn giá Tổng công ty Phong Phú đã huy động vốn từ khách hàng tại thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bằng 1/3 so với giá chuyển nhượng của các dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2). Theo Thanh tra TPHCM, SAGRI chuyển nhượng vốn góp bằng quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng Công ty Phong Phú. nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là chưa đúng quy định.

Tiếp đó, tháng 11/2017,  ông Trần Trọng Tuấn thời điểm đó là Giám đốc Sở Xây dựng, khi nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của SAGRI đã ký tờ trình gửi UBND TP khẳng định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án. Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú.

Đến tháng 7/2019, UBND TPHCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TPHCM.

Theo đó, SAGRI và Tổng công ty Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau. Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng này đã được Bộ Công an vào cuộc điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại SAGRI.

Liên quan đến vụ án này tại SAGRI, trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt bị tạm giam ông Lê Tấn Hùng (SN 1963, nguyên Tổng giám đốc SAGRI) và Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư ), ông Vân Trọng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI (từ tháng 8/2015 đến 7/2019), bà Nguyễn Thị Thanh An, kiểm soát viên chuyên trách của SAGRI (tháng 6/2016 đến 7/2019) cùng về tội danh trên.

Vì sao loạt quan chức TPHCM 'ngã ngựa'? ảnh 1 Dự án Khu nhà ở Phước Long B, Quận 9, TPHCM khiến quan chức TPHCM vướng vào vòng lao lý
Nhiều “phi vụ” làm ăn bị phanh phui

Tháng 7/2016, SAGRI ký hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TPHCM với diện tích 470 ha trên khu đất thuộc quyền quản lý của Công ty Bò Sữa. SAGRI đã bàn giao 470 ha đất và một số tài sản trên đất cho pháp nhân mới, trong đó 452 ha bàn giao trước khi pháp nhân mới được thành lập.

Đầu tháng 8/2016, SAGRI và Tập đoàn Trung T. ký hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung T. SAGRI thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 670 ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi trên khu đất Công ty Bò Sữa quản lý. SAGRI  lại  bàn giao hơn 140 ha đất cho pháp nhân mới này  để thực hiện dự án. Biên bản bàn giao cũng được lập trước khi pháp nhân mới ra đời.

Như vậy, SAGRI đã giao đất và tài sản trên đất cho các pháp nhân mới khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TPHCM và chưa có quyết định thu hồi, giao đất của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm quy định “không được cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào” trong Quyết định công nhận quyền sử dụng đất năm 2013 của UBND TPHCM và trái với Quyết định số 09/2007 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, từ năm 2015 đến 2017, SAGRI còn ký 7 hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới với công ty bên ngoài để kinh doanh trên các khu đất có diện tích 794 ha. Trong số đó, 6 hợp đồng là hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư trên 16 khu đất của SAGRI với tổng diện tích 26,4 ha, bất chấp theo quy định, bất động  sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn, không được phép đầu tư. 

MỚI - NÓNG