Việc công an xã lấy lời khai "không có giá trị tố tụng"

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Bộ Công an vừa cho phép lực lượng công an xã được vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu, tạm giữ và bảo quản vật chứng trong công tác điều tra hình sự. Thừa nhận đó chỉ là hoạt động hỗ trợ, không có giá trị tố tụng, song Bộ Tư pháp khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi để xem xét tính hợp pháp.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục Kiểm tra), Bộ Tư pháp vừa có ý kiến xung quanh một số nội dung “nhạy cảm” của Thông tư 28, ngày 7/7/2014 của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân.

Trước đó, Cục Kiểm tra đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến Điều 28 của Thông tư nói trên, quy định về trách nhiệm của công an cấp xã, đồn, trạm.

Theo văn bản này, công an xã được thực hiện "vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan" trong giải quyết một số trường hợp cụ thể. Một  số ý kiến cho rằng, những quy định này chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Pháp lệnh Điều tra hình sự 2004 (các văn bản này không quy định cho Công an xã là cơ quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự).

Sau khi nghiên cứu, để có thêm cơ sở, Cục Kiểm tra đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ Công an (Cục Pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp), Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) để trao đổi, thảo luận về tính hợp pháp của nêu trên.

Tại buổi làm việc, đại diện phía Bộ Công an cho rằng, những nội dung ở Điều 28 nói trên chỉ là hoạt động mang tính nghiệp vụ, hỗ trợ của cơ quan công an tại địa bàn, nơi có vụ việc xảy ra cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động điều tra. Và “ đây không phải hoạt động tố tụng, chỉ có giá trị hỗ trợ, không có giá trị tố tụng, giá trị chứng cứ” – Bộ Công an khẳng định. Với phân tích này, phía cơ quan công an bảo vệ quan điểm Thông tư 28 không trái với Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 và Pháp lệnh Điều tra hành sự 2004.

Để làm rõ hơn nội dung cho phép công an xã "vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường", "tiến hành truy xét khi người phạm tội bỏ trốn", Bộ Công an lập luận,  khi vụ việc xảy ra, công an cấp xã là đơn vị có thể ngay lập tức xuất hiện tại hiện trường. Trong trường hợp ngăn chặn ngay việc người phạm tội  bỏ trốn, hiện trường có nguy cơ bị xóa, bị mất do điều kiện khác quan (mưa) hoặc có nguy cơ bị tiêu hủy, xóa dấu vết không thể bảo vệ, việc công an xã "vẽ sơ đồ""tiến hành truy xét khi người phạm tội bỏ trốn" là hết sức cần thiết.

Quan điểm của Cục Kiểm tra, các hoạt động này chỉ có giá trị hỗ trợ, không có giá trị tố tụng, vì vậy, chưa có cơ sở để kết luận quy định này là trái với Pháp lệnh Điều tra hành sự và Bộ Luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đối chiếu với Pháp lệnh Công an xã, việc Thông tư số 28 quy định Công an cấp xã vẽ sơ đồ, tiến hành truy xét khi người phạm tội bỏ trốn là nằm ngoài phạm vi nhiệm vụ được giao tại Khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã.

Với những phân tích trên, Cục Kiểm tra thấy rằng, nội dung quy định tại Điều 28 Thông tư số 28 là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tại thời điểm hiện tại, chưa đủ căn cứ để kết luận về tính hợp pháp. Những nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.