Vợ chồng con trai “thần đèn” kêu oan

Theo kết luận điều tra lần một, Nguyễn Xuân Ngọc (SN 1983, ngụ xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 3,815 tỷ đồng; chồng Ngọc là Nguyễn Trung Hòa (SN 1980, con trai “thần đèn” Cẩm Lũy) không liên quan.

Tuy nhiên, đến kết luận điều tra “bổ sung” thì số tiền Ngọc chiếm đoạt chỉ còn 1,971 tỷ đồng và Hòa lại liên đới, nên bị tạm giam. Sau đó Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Tháp trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát (VKS) điều tra bổ sung…

Vợ vay tiền, chồng bị khởi tố

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp, Ngọc và Hòa kết hôn năm 2007 nhưng anh Hòa đi làm công trình ở TPHCM cùng với cha ruột, khoảng 2 tuần về một lần; còn Ngọc ở nhà phụ cha mình kinh doanh nhà hàng Hương Quê tại Hồng Ngự. Năm 2009, vợ chồng Ngọc mua một nền nhà 900 triệu đồng ở TPHCM. Do thiếu tiền, Ngọc đi vay bên ngoài, sau đó bán lại bị lỗ.

Năm 2010, do cha ruột bị tai biến nên cho Ngọc thuê nhà hàng giá 25 triệu đồng/tháng. Việc kinh doanh bước đầu có hiệu quả, Ngọc vay tiền mở rộng thêm đồng thời góp vốn nuôi cá với em ruột Nguyễn Chánh Nghĩa và kinh doanh mỹ phẩm... 

Do cá chết, mỹ phẩm không bán được dẫn đến thua lỗ. Đến tháng 5-2011, số nợ lên tới 500 triệu đồng, Ngọc tiếp tục vay tiền của người khác bù vào đóng lãi cho người vay trước. Tháng 10-2012 thì hết đường xoay nên các bị hại làm đơn tố cáo. Tổng số tiền Ngọc chiếm đoạt là 3,815 tỷ đồng.

Đối với Hòa, trong thời gian Ngọc vay của các bị hại có một số lần Hòa đi nhận dùm, tổng cộng 800 triệu đồng. Cơ quan điều tra xét thấy Hòa thường xuyên ở TPHCM, không biết việc Ngọc nợ, cũng chẳng sử dụng khoản vay này. Liên quan đến 590 triệu đồng Ngọc đưa, Hòa không biết đây là tiền Ngọc vay sau đó chiếm đoạt nên sử dụng làm công trình và bị thua lỗ.

Đối với Nghĩa, năm 2011 và 2012 Ngọc đã đưa 600 triệu đồng hùn nuôi cá nhưng Ngọc không nói tiền này ở đâu. Trừ các chi phí, Nghĩa còn nợ Ngọc 400 triệu. Cơ quan điều tra kết luận: Hòa và Nghĩa không có dấu hiệu đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng cả hai phải nộp lại tiền để khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, đến ngày 27-8-2014 Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Hòa để điều tra về tội “lừa đảo” và ngày 7-10-2014 thì có kết luận điều tra “bổ sung”, xác định: đây là vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Ngọc - Hòa gây ra. Sau khi mất khả năng trả nợ, Ngọc đã lợi dụng lòng tin của các bị hại để chiếm đoạt 1,971 tỷ đồng. Bị can Hòa nhận 800 triệu đồng từ các chủ nợ đem về đưa Ngọc, sau đó sử dụng 590 triệu là tiền của Ngọc vay, có hành vi giúp sức cho Ngọc chiếm đoạt tiền của các bị hại nên đồng phạm tội “lừa đảo”.

Cần xem xét để tránh oan sai


Ngày 7-11-2014, VKS tỉnh Đồng Tháp ra cáo trạng 33/ KSĐT-KT, truy tố hai bị can Ngọc - Hòa. Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 10-3-2015, nhưng sau phần xét hỏi thì tạm dừng. Ngay sau đó, TAND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu: cần làm rõ chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà tòa không thể bổ sung.

Cụ thể, tại tòa Ngọc xác định đã lấy toàn bộ số tiền Hòa nhận về. Hòa khai có nhận 800 triệu đồng nhưng mang về giao vợ và Ngọc đã sử dụng toàn bộ. Đề nghị VKS tỉnh làm rõ việc Hòa có biết Ngọc lừa đảo không và Hòa có đồng phạm trong vụ án này? Tuy nhiên, ngày 19-3-2015 Viện phó VKS tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Quốc Hùng ký văn bản gửi tòa, giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng 33.

Trong đơn kêu oan, Ngọc khẳng định việc vay tiền có thật, các chủ nợ biết rõ mục đích vay để kinh doanh và mình chưa bao giờ có ý định lừa đảo chiếm đoạt như cáo trạng quy kết. Quan trọng hơn, quá trình vay đối tượng đã hoàn lại vốn và trả lãi hàng trăm lần. Sau khi mất khả năng thanh toán, gia đình thể hiện rõ thiện chí muốn giải quyết nên nhiều lần gặp chủ nợ để thỏa thuận nhưng không thành.

Về khoản 800 triệu đồng, Ngọc xác định không liên quan gì đến chồng. Đối với số tiền 590 triệu, Ngọc cho chị ruột mượn, có đầy đủ chứng cứ, Hòa không hề sử dụng khoản này.

Vợ chồng con trai “thần đèn” kêu oan ảnh 1 Nguyễn Xuân Ngọc và hai con
Theo dõi vụ án, luật sư Phan Hồng Việt (Đoàn Luật sư TPHCM) nêu ý kiến, trong vụ án này còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chứng cứ buộc tội thiếu vững chắc, có dấu hiệu oan sai. Tài liệu trong hồ sơ thể hiện các chủ nợ biết rõ Ngọc vay tiền, sử dụng đúng mục đích, không gian dối. 

Kết luận điều tra xác định Ngọc “vay tín dụng đen” lãi rất cao (6% - 15%/tháng) để kinh doanh dẫn đến lỗ lã, mất khả năng thanh toán. Theo đối tượng ước tính, chỉ riêng trả lãi từ năm 2010 - 2012 đã hơn 3 tỷ đồng. Vấn đề Ngọc cũng là nạn nhân của “tín dụng đen” ngay chính trong gia tộc mình chưa được làm rõ.

Vụ án dự kiến được đưa ra xét xử ngày 23-4-2015.

Theo Theo Công an TPHCM
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.