Vô tội sau hơn 3 năm tạm giam: Hình sự hóa quan hệ dân sự?

Bị cáo Nguyễn Thị Bằng tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 24/3
Bị cáo Nguyễn Thị Bằng tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 24/3
TP - Ngày 24/3, TANDtỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Bằng (SN1953, ngụ phường An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên bà Bằng vô tội, trả tự do tại tòa. Nhưng tính đến ngày này, bà Bằng đã bị tạm giam hơn 3 năm.

Vỡ nợ, bị bắt tạm giam

Theo đó, bà Bằng bị tạm giam từ 9/12/2010, vụ án đã qua 6 lần đưa ra xét xử, trong đó 3 lần trả hồ sơ, 2 lần phải hoãn tòa. Theo cáo trạng, từ tháng 7 đến tháng 9/2009, bà Nguyễn Thị Bằng có thủ đoạn gian dối các bị hại dưới chiêu vay tiền để kinh doanh bia và đáo hạn ngân hàng.

Thực tế, CQĐT cho rằng bà này không kinh doanh bia, không đáo hạn ngân hàng, cũng không cho ai vay lại. Sau khi nhận được tiền, Bằng tuyên bố vỡ nợ. Theo cáo buộc, bà Bằng đã lừa 2,475 tỷ đồng của 7 bị hại, sau đó chi trả lại được 331,5 triệu đồng.

Ngoài ra, theo CQĐT, từ 30/5/2007 đến 20/7/2008, Nguyễn Thị Bằng vay của 20 bị hại 8,847 tỷ đồng, 26.000USD và 2 cây vàng 9999. Trong quá trình vay tiền những người này, bà Bằng có trả lãi và một phần vốn gốc, tổng cộng hơn 576 triệu đồng và đưa cho 3 người khác vay lại 7,723 tỷ đồng.

Về vay nợ và cho vay ở thời điểm này, VKS cho rằng bà Bằng không có ý thức chiếm đoạt số tiền vay của 20 bị hại, mà do những người được Bằng cho vay tiền không trả tiền nên bà này không trả được nợ. Do đó, việc bà Bằng vay tiền của 20 bị hại từ ngày 30/5/2008 đến ngày 20/7/2009 là giao dịch dân sự; những người vay tiền của bà Bằng cũng là quan hệ giao dịch dân sự, nên không xử lý hình sự.

Vô tội, trả tự do tại tòa

Bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thị Bằng tại phiên tòa, luật sư Trần Gia Minh (Đoàn luật sư Đồng Nai) cho rằng thân chủ của mình không gian dối, không lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi các bị hại đều biết rõ mục đích cho bà Bằng vay tiền và đã nhận tiền lãi và một phần vốn.

Đến khi không trả được nợ (do không thu hồi được vốn cho vay) bị cáo Bằng đã bán nhà, đất, ôtô để trả nợ. Mặt khác, những con nợ của bị cáo Bằng vẫn có tài sản để đảm bảo việc trả nợ. Theo luật sư Minh, cân đối giữa số tiền bị cáo Bằng vay và cho vay thì bị cáo Bằng vẫn còn dư trên 400 triệu đồng.

Trên cơ sở phân tích hồ sơ chứng cứ và lời khai của các bên, đại diện VKS đã đề nghị mức án 12-14 năm tù đối với Nguyễn Thị Bằng. Tuy nhiên, sau khi nghị án, chủ tọa phiên tòa xác định, hành vi của bà Bằng đối với những người dân trên chỉ là quan hệ dân sự nên đã tuyên bị cáo không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa.

Viện kiểm sát nói sẽ kháng nghị

Sau phiên xét xử sơ thẩm, ông Phan Văn Thắng (Trưởng phòng Kiểm sát điều tra - Kiểm sát xét xử án kinh tế và chức vụ - Viện KSND tỉnh Đồng Nai), người giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm, cho biết bảo lưu quan điểm của VKS như trên cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Thị Bằng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo ông Thắng, tại phiên tòa, bị cáo Bằng cũng đã thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã xác minh rõ phần trách nhiệm dân sự của bị can và giai đoạn bị can phạm tội lừa đảo khi đã tuyên bố vỡ nợ nhưng vẫn vay tiền và không chứng minh được việc sử dụng số tiền vay đồng thời đã bỏ trốn và sau đó ra đầu thú. Trước việc Hội đồng xét xử tuyên bà Nguyễn Thị Bằng vô tội, ông Thắng khẳng định, VKS sẽ kháng nghị quyết định của tòa án.

Còn ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai nói, việc tuyên án là quyết định độc lập của Hội đồng xét xử, qua diễn biến quá trình xét xử tại tòa. Tuy nhiên hiện nay, bản án vẫn chưa có hiệu lực pháp luật vì có thể VKS sẽ kháng nghị, nên chưa nói được điều gì.

MỚI - NÓNG