Vụ án ở Bệnh viện Tây Đô: Gian lận hàng chục tỷ đồng

Vụ án ở Bệnh viện Tây Đô: Gian lận hàng chục tỷ đồng
TP - Dư luận hơn 4 năm qua quan tâm đến việc giải quyết những bất ổn ở Cty TNHH Bệnh viện Tây Đô (Bệnh viện Tây Đô) với mong muốn môi trường đầu tư được bảo vệ.

> Khởi tố, khám xét Bệnh viện Tây Đô
> “Xin ý kiến” về cấp phép cho Bệnh viện Tây Đô

Ngày 14/10/2013, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án sử dụng trái phép tài sản, nay gần hết thời hiệu điều tra nhưng vẫn im ắng. PV Tiền Phong có buổi làm việc với VKSND TP Cần Thơ.

Bệnh viện Tây Đô, khối tài sản gần 300 tỷ đồng đang hoang phế. ẢNH: SÁU NGHỆ
Bệnh viện Tây Đô, khối tài sản gần 300 tỷ đồng đang hoang phế. ẢNH: SÁU NGHỆ.

Đại diện VKSND TP Cần Thơ cho biết, đã cử một kiểm sát viên giỏi về nghiệp vụ tài chính để chuyên giám sát vụ án ở Bệnh viện Tây Đô. Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ cũng quan tâm, chiều 31/12/2013, cử hai cán bộ làm việc với VKSND thành phố, photo hồ sơ vụ án.

MÙ MỜ GÓP VỐN, RÕ GIAN LẬN

Bệnh viện Tây Đô là bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Cần Thơ, có 100 giường bệnh, xây dựng từ tháng 12/2004, tháng 8/2007 đi vào hoạt động.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ 59 tỷ đồng, ông Diệp Thanh Bình và vợ là bà Trần Thị Thu Vân chiếm hơn 59% vốn nên thay nhau làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc.

Đầu năm 2009, nhiều thành viên góp vốn phát hiện dấu hiệu gian lận của vợ chồng ông Bình và tháng 8 năm đó, tranh chấp bùng phát. Ban đầu, ông Bình chiếm bệnh viện, đến tháng 9/2010, nhóm thành viên góp phần vốn, chiếm lại bệnh viện Tây Đô.

Kiện nhau ra tòa, hủy hết các giấy phép kinh doanh và giấy phép hành nghề cũng hết hạn, từ tháng 10/2012 đến nay bệnh viện đóng cửa, 150 bác sỹ và nhân viên y tế mất việc, khối tài sản gần 300 tỷ đồng bỏ hoang.

 Cần nói rõ, pháp luật bảo vệ tài sản của mọi cá nhân và tập thể, chứ không phải như có dư luận cho rằng, chỉ bảo vệ tài sản của Nhà nước mà không quan tâm bảo vệ tài sản của các doanh nghiệp tư nhân 

Kiểm sát viên Lê Hồng Thu

Đại diện VKSND TP Cần Thơ cho biết, qua điều tra, đến nay chưa xác định được vợ chồng ông Bình có góp vốn hay không. Giấy phép kinh doanh lần thứ nhất, ghi một bác sỹ góp 20 tỷ đồng nhưng không có tiền.

Sau đó, vợ chồng ông Bình làm giấy tờ “mua” 10 tỷ cổ phần của vị bác sỹ, nhưng chưa chứng minh được việc nộp tiền. Bên cạnh, sổ sách kế toán ghi bà Vân góp 3,6 tỷ đồng cũng chưa rõ hóa đơn thu tiền, trong lúc bà đã bán 3 tỷ cổ phần cho ba thành viên khác.

Ngày 1/6/2010, kết luận thanh tra của Sở KH&ĐT TP Cần Thơ yêu cầu vợ chồng ông Bình nộp thêm khoảng 20 tỷ đồng. Sau đó, ông Bình trình cho Sở KH&ĐT một loạt giấy góp vốn. Điều tra xác định, chỉ có vài tỷ đồng được ông Bình nộp vào để làm phiếu thu, rồi lấy ra nộp lại, xoay vòng nhiều lần.

Không góp vốn nhưng vợ chồng ông Bình lại “dùng thủ đoạn gian dối” (lời của VKSND TP Cần Thơ) chiếm đoạt công quỹ tập thể hàng chục tỷ đồng. Tiền bồi hoàn đất xây dựng bệnh viện, thực tế chỉ chục tỷ đồng nhưng quyết toán 18 tỷ, vợ chồng ông Bình “chiếm đoạt thể hiện rõ” gần 8 tỷ đồng.

Bà Thái Thị Hảo là thành viên góp 5 tỷ đồng, vợ chồng ông Bình thu tiền mà không vào sổ sách kế toán. Sau đó, bà Hảo rút vốn, vợ chồng ông Bình lấy gần 1,5 tỷ đồng thoái thu thuế của bệnh viện và hơn 1,3 tỷ công quỹ trả cho bà Hảo. Hai khoản này hơn 2,8 tỷ đồng, điều tra xác định vợ chồng ông Bình “lừa đảo chiếm đoạt”.

BAO GIỜ KẾT THÚC ĐIỀU TRA?

Sổ sách kế toán của Bệnh viện Tây Đô rất phức tạp, còn bị sửa chữa. Nguyên do, mấy năm đầu, bà Vân làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc, kiêm luôn thủ quỹ.

Trong lúc, nhiều thành viên góp vốn đang là công chức, bác sỹ, theo quy định không được góp vốn vào công ty tư nhân, phải “gửi gắm, nhờ cậy” nên bị vợ chồng ông Bình lợi dụng. Có một vị lãnh đạo Bộ Y tế hồi đó cũng góp 500 triệu đồng mà mới rồi đòi lại được 100 triệu.

 Chúng tôi cũng rất nóng ruột khi Bệnh viện Tây Đô phải đóng cửa dài ngày, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Tuy nhiên, vụ án khởi tố để xem xét hành vi của cá nhân, còn bệnh viện vẫn có thể làm thủ tục để tái hoạt động, kể cả bán nếu các thành viên góp vốn thống nhất. Nếu bán, các thành viên lấy lại vốn, còn vốn của vợ chồng ông Bình phải giữ lại để xem xét thêm 

Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ Nguyễn Thống Nhất

Đại diện VKSND TP Cần Thơ cho biết, vợ chồng ông Bình lập đến 4 tài khoản cho bệnh viện, trong đó có một tài khoản “bí mật”, không đưa vào sổ sách của bệnh viện để theo dõi.

Điều tra ban đầu, tài khoản “bí mật” này đã nhận khoảng 20 tỷ đồng của nhiều thành viên góp vốn, với tổng giao dịch qua tài khoản khoảng 60 tỷ đồng. Nhiều lần tiền từ tài khoản của Bệnh viện Tây Đô được chuyển sang tài khoản của Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Diệp Thanh Bình (do vợ chồng ông Bình làm chủ), tổng cộng gần 7 tỷ đồng, không được hạch toán vào sổ sách kế toán của bệnh viện.

Tiền góp vốn của các thành viên đưa vào tài khoản “bí mật” để tùy tiện sử dụng, thì Bệnh viện Tây Đô lại thiếu vốn hoạt động, phải vay ngân hàng và “vay ngoài”. Riêng tiền “vay ngoài” không rõ địa chỉ vì không có hợp đồng, Bệnh viện Tây Đô phải trả lãi trên 200 triệu đồng.

Hôm 16/10/2013, khám xét bệnh viện, cơ quan điều tra phát hiện có sổ tiết kiệm của bệnh viện gửi ngân hàng hơn 8 tỷ đồng. Nhưng tiền gửi trong ngân hàng đã được rút hết. Sau đó, vợ chồng ông Bình nộp lại cơ quan điều tra số tiền này.

Đại diện VKSND TP Cần Thơ cho biết, còn nhiều vấn đề khác có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, với kết quả điều tra ban đầu, đã đủ chứng minh hành vi phạm tội sử dụng trái phép tài sản và lừa đảo của ông Bình.

PV Tiền Phong hỏi, “bao giờ có thể kết thúc điều tra?”, đại diện VKSND TP Cần Thơ trả lời: Vừa có công văn yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an Cần Thơ khởi tố bổ sung tội lừa đảo và khởi tố bị can với ông Bình. “Nếu Cơ quan CSĐT không khởi tố để điều tra thì VKSND sẽ khởi tố để điều tra”, đại diện VKSND TP Cần Thơ nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.