Vụ án tham ô gần 5 triệu lít xăng, dầu: Có sót người, lọt tội?

Vụ án tham ô gần 5 triệu lít xăng, dầu: Có sót người, lọt tội?
Vì sao một nhân viên quèn lại có thể qua mặt được rất nhiều cơ quan chức năng rút ruột và bán trót lọt gần 5 triệu lít xăng dầu trong suốt 4 năm?

Trần Văn Thịnh (sinh năm 1968, phường 6, Tp Mỹ Tho, Tiền Giang) về làm nhân viên Cty Thương nghiệp Tổng hợp (TNTH) Tiền Giang tháng 6/1992. Đầu năm 2000, Thịnh được điều đến nhận nhiệm vụ tại chi nhánh  Cty tại 140B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM.

Tại đây Thịnh được Lãnh đạo Cty giao việc (bằng miệng) chuyên hoạt động kinh doanh xăng dầu như: Tham mưu cho Ban GĐ Cty ký hợp đồng mua xăng dầu của các đối tác Saigon Petro, PETEC…

Lợi dụng sự “quản lý lỏng lẻo” của Ban GĐ Cty cũng như Ban GĐ chi nhánh TP HCM của Cty, từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2004 Thịnh đã nhiều lần bán xăng dầu của Cty thu tiền đút túi. 

Phi vụ đầu tiên là vào cuối năm 2000-đầu năm 2001, Thịnh lấy 121.000 lít xăng A90 và 379.000 lít dầu lửa bán cho Nguyễn Việt Dũng trú tại 20/6A đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7 thu về 1,9 tỷ đồng.

Để đối phó, Thịnh báo cáo với Cty “ Số xăng, dầu trên gửi tại kho của PETEC”.

Năm 2002, cũng bằng thủ đoạn tương tự, Thịnh đã 8 lần lấy trên 300.000 lít xăng, 100.000 lít dầu lửa bán cho Trần Văn Xạ (số 40/36 đường Trần Hưng Dạo, phường Cầu Kho, quận 1-TP HCM) và Huỳnh Thị Ngọc Liên (164 B, đường Nguyễn Biểu, phường 2, quận 5, TP HCM) với giá bán giảm từ 50 đ/lít đến 70 đ/lít. Số tiền thu được trên 1,8 tỷ đồng.

Tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi, năm 2003, Thịnh tiếp tục thực hiện trót lọt 13 lần trộm xăng, dầu (gần 2,2 triệu lít) bán cho Xạ và Liên thu về 9,4 tỷ đồng ( riêng Liên mua 1,7 triệu lít).

Và chỉ trong 10 tháng của năm 2004, Thịnh đã “nuốt trôi” gần 1,8 triệu lít xăng dầu thu về gần 8,3 tỷ đồng. Lần này Liên vẫn là khách hàng lớn nhất của Thịnh (mua gần 1,3 triệu lít).

Cho đến lúc bị bắt, Thịnh đã tham ô 4,868 triệu lít xăng dầu các loại (giá trị trên 21 tỷ đồng). Cũng xin nói thêm, do sợ bị phát hiện nên Thịnh đã lấy tiền và mượn nguồn xăng dầu nộp trả lại Cty 6 lần với số tiền 7,7 tỷ đồng (1,35 triệu lít xăng dầu).

Ngoài ra Thịnh còn “bán khống”, bán hoá đơn cho bà Liên tổng cộng 800.000 lít xăng, dầu thu 3,6 tỷ đồng. Trong đó, Thịnh lấy 2,2 tỷ đồng nộp Cty và gần 1 tỷ trong số tiền bán dầu này bị thu hồi. Như vậy Thịnh vẫn còn chiếm đoạt 11,5 tỷ đồng của Cty TNTH Tiền Giang.

Liệu có sót người, lọt tội?

Xin nói thêm, tại TPHCM, Cty TNTH Tiền Giang có cả một ban GĐ theo dõi việc mua bán xăng dầu. Vậy Thịnh đâu có thể dễ dàng nói là “hàng tồn kho” để rút xăng dầu đem bán nếu không có sự “bật đèn xanh” của lãnh đạo?

Năm 2002, ngoài Thịnh còn có kế toán Huỳnh Văn Thủ cùng tham gia  vào sổ phiếu xăng dầu, phát phiếu xăng dầu cho khách. Vậy trách nhiệm của kế toán trưởng cũng như GĐ chi nhánh đến đâu khi để Thịnh lấy cắp xăng dầu với tổng số gần 5 triệu lít? 

Đặc biệt, là một Cty chưa phải dư giả vốn để kinh doanh vậy thì số tiền “tồn kho” trên 16 tỷ đồng (từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2004) đâu có thể qua mắt được các phòng ban, lãnh đạo Cty?

Về vai trò của PETEC, những lần bán xăng cho tư thương, Thịnh luôn giới thiệu đây là hàng ngoài kế hoạch của Cty chỉ bán phiếu xăng dầu, nếu mua thì đến kho PETEC nhận, trả tiền trực tiếp cho Thịnh, không có hoá đơn thuế GTGT (tất nhiên giá được giảm từ 50-70 đồng/lít).

Vậy PETEC căn cứ vào đâu để xuất số lượng xăng dầu khổng lồ (gần 5 triệu lít trong vòng 4 năm) khi mà các đối tượng nhận xăng dầu không hề có giấy uỷ quyền, giấy giới thiệu và không phải là người của Cty? Hành vi này có phải là sự đồng phạm?

Thêm nữa, trách nhiệm của các đối tượng tiêu thụ xăng dầu của Thịnh chưa được đề cập đến. Ví như Huỳnh Thị Ngọc Liên, một người kinh doanh xăng dầu chuyên nghiệp, là khách hàng của PETEC, bà Liên không thể “hồn nhiên” đến mức mua hàng triệu lít xăng dầu ăn trộm mà vẫn tin là “hàng ngoài kế hoạch” để thu lời bất chính?

Chỉ bằng một cú điện thoại, Liên đã  chi cho Thịnh trên 2 tỷ đồng để mua xăng dầu. Liệu Thịnh “lừa đảo” Liên, hay Liên “tiếp tay” cho Thịnh phạm tội?

Cho dù vai trò của các cá nhân, tập thể liên quan khá rõ vậy nhưng, bản kết luận điều tra mới đây, cơ quan điều tra  - CA tỉnh Tiền Giang lại cố tình “lờ” đi trách nhiệm của họ.

Đặc biệt, không hiểu vì lý do gì, CA tỉnh Tiền Giang lại thống nhất với VKSND tỉnh tách hồ sơ ra tiếp tục điều tra làm rõ đề nghị xử lý sau đối với lãnh đạo Cty TNTH Tiền Giang.

Trong khi đó kết luận điều tra đã khẳng định “Nguyên nhân là do sự buông lỏng nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính của lãnh đạo và các bộ phận nghiệp vụ của Cty nhiều năm không kiểm tra thực tế hàng tồn kho…Từ đó Trần Văn Thịnh lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản”.

Đối với các đối tượng mua xăng dầu phạm pháp của Thịnh cũng được Bản kết luận điều tra cho rằng: “Không đủ chứng cứ, kết luận các đối tượng này đồng phạm tham ô tài sản hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Dư luận đang rất mong đợi vào sự nghiêm minh của pháp luật và vụ án sẽ được xử lý đúng người, đúng tội!

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.