Vụ án “Vườn điều”: 4 người bị oan nhận bồi thường gần 1 tỷ đồng

Vụ án “Vườn điều”: 4 người bị oan nhận bồi thường gần 1 tỷ đồng
TP - Ngày 6/11, 4 công dân bị kết án tù oan 24 năm trong vụ án “Vườn điều” là bà Nguyễn Thị Lâm và 3 con ruột gồm Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Thị Tiến đã đến Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận nhận hơn 935 triệu đồng được chuyển đến từ tài khoản của TAND tỉnh Bình Thuận.

Đây là số tiền họ được nhận bồi thường về thiệt hại tinh thần và mất thu nhập theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tổn thất tinh thần, một ngày bị giam oan sẽ nhận đền bù bằng 3 ngày lương tối thiểu; riêng đền bù mất thu nhập thương lượng theo điều kiện của mỗi người. Cụ thể bà Lâm bị giam oan 7 năm nhận hai khoản được 202 triệu đồng; chị Tiến bị giam oan 5 năm được bồi thường hơn 177 triệu đồng; anh Tiền nhận 266 triệu, anh Châu nhận 288 triệu đồng.

Sau khi nhận bồi thường, cả bốn người bị oan đều cho biết sẽ khiếu nại do thời điểm thoả thuận là tháng 6/2006, lúc đó lương cơ bản chỉ 350 ngàn đồng/ tháng, khi nhận tiền đã đến tháng 11 và lương cơ bản cũng đã tăng lên 450 ngàn đồng/tháng. Theo tính toán của họ, số tiền mà 4 người bị thiệt hại gần 120 triệu đồng.

5 người bị oan còn lại trong vụ án “Vườn điều” cho biết họ đã nộp đơn tại TAND huyện Hàm Tân để khởi kiện dân sự đối với Viện KSND và TAND tỉnh Bình Thuận để yêu cầu bồi thường do không thỏa thuận được mức bồi thường thống nhất.

Vụ án “Vườn điều” Tân Minh là vụ án oan đầu tiên của Bình Thuận được bồi thường theo tinh thần Nghị quyết 388. Vụ án xảy ra từ cái chết của nạn nhân Dương Thị Mỹ vào đêm 19/5/1993.

Sau đó, tại Tân Minh lại xảy ra một án mạng khác và từ lời khai của Huỳnh Văn Nén (con rể bà Lâm) đổ cho gia đình phía vợ, 9 người thuộc ba thế hệ trong gia đình bà Lâm đã lần lượt bị khởi tố, bắt giam và nhận án tù. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.