Vụ bảo vệ đánh học sinh: Bài học về ứng xử

Vụ bảo vệ đánh học sinh: Bài học về ứng xử
Cách ứng xử không đúng mực giữa các bên là nguyên nhân dẫn đến vụ ẩu đả khiến một bảo vệ phải ngồi tù và một học sinh bị thương.

 > Học sinh bị hành hung trước ngày thi tốt nghiệp

Bị cáo Phan Bá Dũng trong phiên sơ thẩm tại TAND quận 11 - TPHCM
Bị cáo Phan Bá Dũng trong phiên sơ thẩm tại TAND quận 11 - TPHCM.

Ngày 3-2, TAND quận 11 - TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phan Bá Dũng (SN 1988, quê Nghệ An, nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Long Hoàng, quận Bình Thạnh - TPHCM) mức án 2 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Đồng thời, HĐXX cũng tuyên buộc Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Long Hoàng bồi thường cho nạn nhân Trần Hoàng Ân (SN 1993, ngụ quận 11) số tiền 15,7 triệu đồng về các khoản viện phí, thuốc men, chi phí phát sinh trong quá trình nằm viện.

Người nói có, kẻ nói không

Theo cáo trạng của VKSND quận 11, khoảng 19 giờ ngày 30-5-2011, học sinh Trần Hoàng Ân cùng các học sinh lớp 12A11, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11 đến siêu thị Lotte Mart thuộc tòa nhà Everich (đường 3 Tháng 2, phường 15, quận 11) tổ chức liên hoan.

Khi ra về, xuống tầng hầm dắt xe, Ân phát hiện mất mũ bảo hiểm nên đã to tiếng với bảo vệ tòa nhà và nhân viên bãi xe là Hoàng Thế Vinh. Ân dùng mũ bảo hiểm đánh Vinh nhưng Vinh tránh được.

Lúc này, Phan Bá Dũng đứng sau lưng Vinh liền chạy đến dùng máy bộ đàm đánh vào trán Ân gây thương tích. Nhóm học sinh thấy bạn bị đánh nên cũng nhào đến đánh nhau với nhóm bảo vệ. Sự việc chỉ chấm dứt khi công an phường xuất hiện. Kết quả giám định cho thấy học sinh Trần Hoàng Ân bị thương tật 12% vĩnh viễn. Bên cạnh đó, quá trình điều tra xác định một số học sinh khác cũng bị thương ở đầu, vai nhưng không yêu cầu bồi thường và xử lý hình sự nên cơ quan điều tra không xem xét.

Trước tòa, học sinh Trần Hoàng Ân khẳng định chỉ to tiếng với nhóm bảo vệ và bị tấn công trước. Tuy nhiên, bị cáo Phan Bá Dũng khai do Ân có lời lẽ thiếu tế nhị và xúc phạm bảo vệ nên mới hành động như vậy.

“Rất nhiều khách hàng vào ra bình thường, họ ứng xử tốt nên không có chuyện gì xảy ra. Mặc dù tuổi tác nhỏ hơn nhưng nhóm học sinh này lại có lời lẽ không tôn trọng những người làm công như chúng tôi. Dẫu biết rằng hành vi của mình không đúng nhưng bị cáo mong tòa xem xét đầy đủ các lời khai, chứng cứ để chiếu cố cho bị cáo một mức án nhẹ để sớm trở về với gia đình” - bị cáo Dũng nói.

Cần ứng xử đúng mực

Quá trình xét xử, vị chủ tọa nhiều lần nhấn mạnh: “Bị cáo được giao nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà, giữ gìn an ninh và dẫn, dắt xe cho khách. Nguyên tắc đầu tiên là phải ứng xử lịch thiệp, dù những học sinh này có to tiếng, họ vẫn là khách hàng, bị cáo cần phải biết kiềm chế, từ tốn giải thích”.

Về phía Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Long Hoàng, ngoài việc phải bồi thường tiền thuốc cho người bị hại, HĐXX cũng nhắc nhở: “Nếu công ty có những buổi sinh hoạt về nghiệp vụ, những buổi trò chuyện về kỹ năng ứng xử, giao tiếp để nhân viên ứng xử khéo hơn thì sẽ không có chuyện gì xảy ra”.

Đến dự phiên tòa còn có rất nhiều học sinh cùng lớp với em Trần Hoàng Ân. Khi giải thích về hành vi cũng như cách ứng xử của những người trẻ tuổi nơi công cộng, vị hội thẩm cũng đã từ tốn: “Lỗi của bị cáo là đã quá rõ, tuy nhiên trong trường hợp này các bạn trẻ cũng phải có cách ứng xử đúng mực để không kích động đến người khác. Vẫn biết tuổi học trò rất vô tư và hồn nhiên nhưng nếu các em biết tôn trọng và không lớn tiếng với các bảo vệ thì chắc chắn sẽ không có vụ ẩu đả như vậy”.

Ngành nghề nhạy cảm

Đại diện pháp lý cho học sinh Trần Hoàng Ân, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, nói: “Bên cạnh những đóng góp của ngành nghề dịch vụ bảo vệ là góp phần bảo đảm an ninh trật tự cho đời sống xã hội, vẫn còn những “hạt sạn” đã phủ nhận những đóng góp tích cực đó. Có thể nói đây là một ngành nghề rất nhạy cảm, dễ bị lạm quyền nếu công tác quản lý lỏng lẻo. Các công ty bảo vệ phải cân nhắc, chọn lọc khi tuyển người và đặc biệt phải thường xuyên trao đổi các kỹ năng ứng xử với khách hàng. Khi xảy ra sự cố, các bảo vệ phải bình tĩnh, công việc đầu tiên không phải dùng gậy gộc trả đũa mà phải rút lui rồi trình báo chính quyền địa phương”.

Theo Thuận Thiên
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG