Vụ “bồn nước rớt gây chết người”: Có thể quy trách nhiệm chủ nhà

“Bom nước” treo trên đầu người dân
“Bom nước” treo trên đầu người dân
TP - Theo các chuyên gia, chưa có quy định nào về việc xây dựng, lắp đặt bồn nước ở các nhà dân, cho dù đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhưng có thể quy trách nhiệm đối với một số đối tượng.

Ngày 4/9, bồn nước inox dung tích 1.500 lít từ trên sân thượng của tòa nhà bốn tầng ở đường số 3, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM rơi xuống khu phòng trọ kế bên khiến bé gái 8 tháng tuổi tử vong, mẹ bé bị thương nặng phải nhập viện.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Phước Lượng, Phó Chủ tịch phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM cho biết, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể việc xây dựng, lắp đặt bồn nước ở các nhà dân.

Theo ông Lượng, lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý những gia đình gắn bồn nước vi phạm quy định xây dựng. Ví dụ nhà trong giấy phép xây dựng 4 tầng mà người dân lắp bồn nước trên sân thượng của tầng 4, cao hơn thiết kế cho phép của căn nhà. 

Còn những hộ dân lắp bồn nước trong giới hạn chiều cao cho phép của căn nhà được xây thì lực lượng chức năng không thể can thiệp. Kiến trúc sư Trần Trường Giang (giám đốc công ty TNHH thiết kế xây dựng Nhật Lam, TPHCM) cho biết, nhiều người dân khi lắp đặt không có tư vấn của kỹ sư xây dựng và ít quan tâm đến thiết kế chân bồn đảm bảo an toàn.

Theo Luật sư Nguyễn Tri Đức – Công ty Luật 360 - Đoàn Luật sư TPHCM, dù hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc lắp đặt bồn nước ở các nhà dân nhưng khi để xảy ra sự cố rơi bồn nước gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của  dân, chủ nhà và nhà thầu xây dựng vẫn phải chịu trách nhiệm.

Như trong vụ bồn nước rơi làm chết bé gái 8 tháng tuổi ở quận Thủ Đức, nếu là lỗi của bên thiết kế - thi công lắp đặt bồn nước thì đơn vị thi công lắp đặt đã vi phạm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật trong xây dựng… 

Trong trường hợp này, người thiết kế, thi công có thể bị truy tố về “tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Chủ nhà để rơi bồn nước gây hậu quả chết người và thiệt hại vật chất, do đó chủ nhà có bồn nước có thể bị truy tố về “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 98 BLHS và có trách nhiệm bồi thường theo quy định.

MỚI - NÓNG