Vụ cán bộ đi B 32 năm 'cõng' đơn khiếu nại: 'Tôi như được hồi sinh'

Ông Nguyễn Ngọc Lợi cho biết bản thân như được hồi sinh sau khi được Thanh tra Chính phủ giải oan.
Ông Nguyễn Ngọc Lợi cho biết bản thân như được hồi sinh sau khi được Thanh tra Chính phủ giải oan.
TPO - Ông Nguyễn Ngọc Lợi, cán bộ đi B phải 32 năm “cõng” đơn khiếu nại đã nghẹn ngào kể về những cơ cực mà ông và gia đình phải gánh chịu khi bản thân rơi cảnh “người vô thừa nhận”. Ông nói rằng như được hồi sinh sau khi được Thanh tra Chính phủ giải oan.

Cơ cực vì “bản án” giam giữ hồ sơ

Sau khi giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Ngọc Lợi được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ cử đi học ngành y tại Phân hiệu ĐH Y khoa miền núi (sau chuyển thành ĐH Y Bắc Thái, nay là ĐH Y – Dược, ĐH Thái Nguyên - gọi chung là Trường). Quá trình học tập, ông và một số cán bộ giữ chức vụ của Trường đã phát sinh mâu thuẫn do tính cách ngay thẳng của ông, rồi ông bị kỷ luật oan. Sau đó, Trường phải thu hồi quyết định và bồi thường vật chất trong 5 năm do ông bị chậm tốt nghiệp (từ 1983 đến 1988). Mặc dù đòi lại được quyền lợi, nhưng sau đó với ông là quãng thời gian dài cơ cực do bị rơi vào cảnh “người vô thừa nhận”.

Sự việc bắt đầu từ việc Trường ra quyết định điều động ông Lợi về nhận công tác tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú, song lại không bàn giao đầy đủ hồ sơ cán bộ cho đơn vị tiếp nhận. Vì lý do này, Sở Y tế Vĩnh Phú không tiếp nhận bác sỹ Lợi, trả lại Trường. Sau đó, Trường cũng không tiếp nhận lại ông Lợi và từ năm 1991 đến nay ông Lợi không có hồ sơ, tài liệu cần thiết để chứng minh nhân thân, nghề nghiệp nên không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào theo quy định.

Tại thời điểm đó, vì không có CMND nên ông Lợi không thể đi tàu, xe, không xin được việc làm chính thức. Đến lúc lấy vợ thì không đăng ký kết hôn được, sinh con thì không làm được giấy khai sinh… Và có thời gian ông không tiếp cận được với dịch vụ công ích của xã hội. “Việc trường Đại hoạc Y khoa Bắc Thái lúc đó giam giữ hồ sơ gốc của tôi không khác gì tuyên cho tôi một bản án, gạt tôi ra khỏi xã hội” – ông Lợi nghẹn ngào.

Theo lời ông Lợi, khi một cánh cửa này đóng lại thì có một cánh cửa khác mở ra, biết hoàn cảnh của ông, những người đồng đội đã đùm bọc, bảo lãnh để ông được cư ngụ lại ở Hà Nội và giúp ông xin một số việc làm thời vụ, khoán việc để kiếm sống. Bạn bè, đồng đội cũng luôn động viên ông không được gục ngã vì ông còn phải nuôi mẹ già, chị gái tàn tật, nuôi con cái ăn học.

“Tôi đã phải làm rất nhiều công việc để kiếm sống và theo đuổi khiếu nại từ khi còn trai trẻ cho đến lúc tuổi đã xế chiều bởi tôi luôn tin rằng Đảng, Nhà nước chắc chắn không bỏ rơi mình. Bây giờ tôi rất phấn khởi, cảm giác như hồi sinh, nói như một người bạn tôi là “đã có án tử hình nhưng bây giờ lại có một cái giấy khai sinh”. Quyền lợi về vật chất được phục hồi rất quý nhưng cái lớn nhất là danh dự của tôi đã được trả lại” – ông Lợi chia sẻ.

Bài học rút ra trong giải quyết khiếu nại tố cáo

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về quá trình kiểm tra, rà soát khiếu nại của ông Lợi, Tổ công tác có cho rằng có dấu hiệu trù dập cán bộ thông qua việc giấu hồ sơ? Vừa qua TTCP cũng đã tiến hành rà soát hơn 500 vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, vậy bài học rút ra trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo từ vụ việc này như thế nào?

Vụ cán bộ đi B 32 năm 'cõng' đơn khiếu nại: 'Tôi như được hồi sinh' ảnh 1

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Lợi là một vụ việc điển hình trong giải quyết khiếu nại tố cáo và cũng rút ra bài học sau sắc đối với các cơ quan có thẩm quyền.

Tổ trưởng tổ xác minh – Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Mạnh Cường cho biết tổ công tác không đi sâu làm rõ việc này nhưng chắc chắn là có uẩn khúc, vì có uẩn khúc nên những khiếu nại của ông Lợi kéo dài tận 32 năm mới được giải quyết dứt điểm. Lúc đầu Trường này bảo không có hồ sơ, nhưng sau đó Thanh tra Chính phủ đã tìm được rất nhiều hồ sơ của ông ấy.

“Điểm mấu chốt của vụ việc là cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định ông Nguyễn Ngọc Lợi là cán bộ đi B, là quân nhân, mà việc này tất cả các cơ quan đều biết, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên biết, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều biết nhưng người ta không giải quyết. Đó là điểm rất lạ, khi chúng tôi giải quyết đã thấy có cái gì đó ở đây. Đi sâu tìm hiểu thì được biết việc không giải quyết do yếu tố chủ quan là chính. Tại thông báo kết luận thanh tra, TTCP cũng nêu rất rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan và đề nghị kiểm điểm, có hình thức kỷ luật thích đáng và TTCP sẽ giám sát việc này” – ông Cường thông tin.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng cho hay, vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Lợi được coi là một vụ điển hình trong giải quyết khiếu nại về oan sai nói chung và giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công nói riêng.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy cấp nào làm sai thì cấp trên có quyết tâm làm để sửa cái sai đó không, hay lại có động thái làm vụ việc không được xử lý triệt để hoặc vì lý do nào đó, rồi cứ để kéo dài mãi như thế.

Nếu các cấp, các đơn vị giải quyết chính xác, khách quan, có lý có tình ngay từ đầu và kịp thời sẽ tạo ra tác dụng to lớn về sự ổn định xã hội đồng thời khẳng định niềm tin của nhân dân, của những người có công đối với Đảng và chế độ.

“Tại hội nghị tổng kết công tác ngành thanh tra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đặt câu hỏi: Các vụ việc như này có nhất thiết phải kéo dài thế không? Tại sao Thanh tra Chính phủ làm có 1 tháng là xong. Đây là câu hỏi và cũng là gợi mở trả lời cho các cấp chính quyền, thanh tra các bộ, ngành, địa phương trong việc tập trung hơn và xem xét lại phương pháp, cách thức giải quyết khiếu nại tố cáo” – ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

"Hiện Trường đã đề nghị đền bù vật chất cho tôi số tiền 3 tỷ đồng. Quyền lợi về vật chất được phục hồi rất quý nhưng cái lớn nhất là danh dự của tôi đã được trả lại” - ông Lợi xúc động nói.         

Trao đổi với PV Tiền Phong về quá trình giải quyết, xem xét lại khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó tổng TTCP – Trần Ngọc Liêm cho biết vụ việc đã được giải quyết đúng quy định trong từng giai đoạn lịch sử, đảm bảo sự chính xác, khách quan, thận trọng và đảm bảo các kiến nghị có tính khả thi.

“Là quân nhân, ông Lợi đã giữ vững được bản chất người lính, luôn tin tưởng vào cấp trên, tin vào Đảng, vào chế độ nên quá trình 32 năm đi khiếu nại ông Lợi chỉ thuần tuý đề nghị giải quyết chế độ, chính sách đáng được hưởng, không tạo ra các tình huống phức tạp và ảnh hưởng đến tổ chức, đơn vị mình công tác. Ông ấy đã kiên trì, lạc quan, vừa khiếu nại vừa cố tìm cách sống có ích với tình yêu thương đùm bọc của đồng chí, đồng đội. Đây là điều rất đáng trân trọng”- ông Liêm nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.