Vụ điện kế điện tử: Giám định viên trả bài

Vụ điện kế điện tử: Giám định viên trả bài
TP – Ngày 22/5, hội đồng xét xử sơ thẩm vụ điện kế điện tử tiếp tục thẩm vấn những bị cáo vốn là thành viên của Cty Linkton- Vina.

Các bị cáo bị thẩm vấn quanh việc mua hàng trôi nổi lắp ráp 312.000 điện kế điện tử gắn mác sản xuất tại Singapore cung cấp cho Cty Điện lực TPHCM.

Tuy nhiên, các bị cáo này vẫn khai báo loanh quanh, vòng vo.

Hai đại diện của hội đồng giám định thuộc Bộ Công Thương cũng được hội đồng xét xử gọi hỏi về quy trình thẩm định để có được con số thiệt hại trái hoàn toàn với cơ quan điều tra quy kết. Nghĩa là từ hơn 181 tỷ đồng xuống còn 8,1 tỷ đồng.

Theo đó, sau khi thụ lý vụ án, cơ quan điều tra đề nghị Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có ý kiến về chất lượng của số điện kế điện tử giả và cách thức xác định giá trị thiệt hại.

Bộ cho rằng, qua giám định các điện kế LTE66 đạt các yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam (6572:1999), nên có thể đưa lô hàng giả xuất xứ này vào tái sử dụng.

Việc khắc phục sai sót, khiếm khuyết của lô điện kế giả này Bộ Công nghiệp đưa ra hai phương án: phương án một giữ nguyên trạng công-tơ, chỉ ghi thêm dòng chữ “lắp ráp bởi Linkton-Vina” để phù hợp với thực tế là hàng lắp ráp tại Việt Nam. Với phương án trên thì tổng giá trị thiệt hại là 8,1 tỷ đồng;

Nếu theo phương án hai, vẫn giữ nguyên trạng kết cấu bên trong và kiểu dáng công-tơ, chỉ thay đổi nhãn mác và tên phương tiện đo trên nắp hộp côngtơ để phù hợp với chủ sở hữu mới là Cty Điện lực thành phố HCM thì tổng giá trị thiệt hại là hơn chín tỷ đồng.

Và phương án một đã được chọn.

Công văn 2199 ký ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo đồng thuận theo đề xuất của Bộ Công nghiệp, đồng ý đưa công-tơ điện LTE66 vào sử dụng nhằm tránh sự thiệt hại, lãng phí.

Hội đồng xét xử cũng gọi hỏi những người có nghĩa vụ liên quan về những tài sản của các bị cáo đang bị cơ quan điều tra niêm phong nhằm phục vụ cho việc khắc phục hậu quả. 

MỚI - NÓNG