Vụ nhà báo bị đốt 'còn nhiều điều hết sức khó hiểu'

Vụ nhà báo bị đốt 'còn nhiều điều hết sức khó hiểu'
Đó là ý kiến của ông Đỗ Danh Phương - tổng biên tập báo Người Lao Động - về vụ nhà báo Hòang Hùng (báo Người Lao Động) bị sát hại.

Vụ nhà báo bị đốt 'còn nhiều điều hết sức khó hiểu'

Đó là ý kiến của ông Đỗ Danh Phương - tổng biên tập báo Người Lao Động - về vụ nhà báo Hòang Hùng (báo Người Lao Động) bị sát hại.

Ông Đỗ Danh Phương. Ảnh: G.M
Ông Đỗ Danh Phương. Ảnh: G.M.

Ông Phương cho biết: Ngay từ khi xảy ra vụ việc, tôi và anh em trong cơ quan vào thăm anh Hoàng Hùng và đã xác định được bà Liễu (Trần Thị Liễu - vợ ông Hoàng Hùng) là người có liên quan. Nhưng chúng tôi chưa đủ cơ sở để xác định động cơ, đồng thời chắc chắn rằng không thể một mình bà Liễu gây ra.

Xét về logic, nếu một người vợ đốt chồng có thể suy luận vì mâu thuẫn tức thời, trong trạng thái tức giận có thể dẫn tới hành vi đó. Trong vụ việc này không phải mâu thuẫn tức thời.

Theo ông, như vậy là có dấu hiệu lọt người, lọt tội?

Quá trình thực nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra có nhiều điểm không đúng: thời gian thực nghiệm hiện trường không trùng khớp với thời gian xảy ra vụ việc, nhân chứng quan trọng trong vụ án không có mặt ở buổi thực nghiệm.

Lời khai của bà Liễu liên tục thay đổi, các chi tiết như chiều dài sợi dây khi là 10m, khi là 12m, khi có tám nút thắt, khi là mười nút thắt; lời khai của một số nhân chứng nói có người đàn ông mua sợi dây cũng không được làm rõ.

Có nhiều chi tiết hết sức phi lý trong lời khai của bà Liễu như chuyện bà Liễu mua xăng, đổ trong bịch nilông rồi để trong tủ quần áo của anh Hoàng Hùng hai ngày trước khi ra tay. Nếu đúng như bà Liễu khai, liệu để xăng trong bịch nilông hai ngày có chảy ra hay không? Mùi xăng có bốc lên nồng nặc không? Nếu định mua xăng đốt chồng, liệu có ai làm như bà Liễu?

Thử hình dung: bà Liễu một tay mở bịch xăng, một tay vo giấy báo, châm lửa, tạt xăng vào chồng rồi ném mồi lửa, liệu có làm được không? Những chi tiết này hết sức quan trọng, nhưng quá trình thực nghiệm điều tra, kết luận đều không được làm rõ.

Theo ông, nguyên do nào dẫn đến chuyện này?

Chúng tôi nhận thấy có điều gì đó uẩn khúc ở đây. Cần phải nhấn mạnh là việc bà Liễu liên tục thay đổi lời khai, các nhân chứng cũng vậy, tất cả nhằm chứng minh chỉ bà Liễu là hung thủ duy nhất trong vụ đốt nhà báo Hoàng Hùng.

Ngay khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã gặp các nhân chứng có mặt tại hiện trường, mọi người đều nói cửa phía trước mở, nhưng kết luận của cơ quan điều tra khẳng định cửa đóng. Chúng tôi gặp lại nhân chứng một lần nữa thì có người nói cửa đóng, có người nói cửa mở và có người lại nói không nhớ rõ.

Đáng chú ý, có hai nhân chứng rời khỏi địa phương sau khi làm việc với cơ quan điều tra. Chúng tôi có đăng các ý kiến khác biệt trên báo, các nhân chứng rời khỏi địa phương đã gọi điện về nói: “Báo đăng như vậy tụi tôi sẽ bị trả thù chết mất”. Đây là một điều hết sức khó hiểu: vì sao nhân chứng của một vụ án lại sợ bị trả thù?

Ngoài những chuyện vừa nói, ông còn băn khoăn điều gì nữa?

Anh Hoàng Hùng là một nhà báo giỏi, viết trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều bài viết chống tiêu cực. Nếu chỉ kết luận đây là một vụ vợ đốt chồng đơn thuần thì quá đơn giản. Ngay việc trước, trong và sau đám tang của anh Hoàng Hùng, ông Nguyễn Văn Tâm (cán bộ quản lý thị trường Long An, người có quan hệ tình cảm với bà Liễu) và bà Liễu liên tục điện thoại, nhắn tin, viết thư trao đổi, vì sao cơ quan điều tra không làm rõ nội dung các cuộc trao đổi này là gì, nhằm mục đích gì? Ngay giám đốc Công an tỉnh Long An cũng cho rằng có dấu hiệu che giấu tội phạm.

Khi anh Hoàng Hùng nằm viện, cán bộ điều tra có mặt, canh chừng và ghi lời khai rất kỹ, nhưng vì sao lời sinh cung của anh Hùng không được đưa vào hồ sơ vụ án? Dường như cơ quan điều tra muốn rút gọn vụ án lại, quy toàn bộ cho người đã đầu thú.

Đằng sau những hành động này là gì? Chúng tôi đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc làm rõ những uẩn khúc này. Đây không chỉ vì trách nhiệm với đồng nghiệp của mình, mà còn vì trách nhiệm với xã hội, với bạn đọc của tờ báo.

Theo Võ Hồng Quỳnh – Gia Minh
Tuổi Trẻ

Tòa đang xem xét hồ sơ vụ án

Ngày 29-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Hùng, phó chánh án kiêm người phát ngôn TAND tỉnh Long An, cho biết ông chưa nhận được văn bản kiến nghị của ban biên tập báo Người Lao Động về vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại, chỉ biết qua báo chí. Ông nói khi nhận được bản kiến nghị sẽ yêu cầu thẩm phán thụ lý vụ án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các nội dung kiến nghị của báo Người Lao Động để trao đổi thông tin.

Theo ông Hùng, ngay cả khi báo Người Lao Động không gửi văn bản kiến nghị, TAND tỉnh Long An cũng nghiên cứu hồ sơ vụ án này thật cẩn thận. Trường hợp hồ sơ có gì chưa rõ ràng, chưa thể đưa ra xét xử được, tòa sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Còn nếu đủ hồ sơ, chứng cứ thì lên lịch xử. “Hiện thẩm phán chưa nghiên cứu xong hồ sơ, chưa báo cáo nên chưa thể trả lời vụ này có xử hay trả hồ sơ” - ông Hùng nói.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An Đinh Văn Sang cũng nói ông chưa nhận được văn bản của báo Người Lao Động. Khi nào nhận được sẽ xem xét, trả lời theo quy định. Trả lời câu hỏi vì sao Viện KSND tỉnh Long An ra cáo trạng truy tố duy nhất bị can Trần Thúy Liễu trong khi luật sư của gia đình bị hại đã đưa ra nhiều tình tiết cho thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, ông Sang nói vụ này ông ủy quyền cho viện phó nghiên cứu và ký cáo trạng. “Hồ sơ chắc chắn rồi anh em mới ký cáo trạng” - ông Sang nói.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (đại diện quyền lợi cho mẹ ruột ông Hoàng Hùng) cho biết nếu TAND tỉnh Long An không trả hồ sơ và vẫn đưa ra xét xử, ông và hai luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị hại sẽ đưa ra những chứng cứ thuyết phục cho thấy cơ quan tố tụng bỏ lọt tội phạm. “Tôi nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án và thấy rằng với những tài liệu, hồ sơ đang có thì không đủ cơ sở để đưa vụ án ra xét xử” - ông Đức quả quyết.

Theo Vân Trường
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG