Vụ nổ súng 3 người chết tại Đắk Nông: Nóng chuyện tranh chấp đất đai

Nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.
Nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.
TP - Ngày 24/10, Thượng tướng Phạm Dũng - Thứ trưởng Bộ Công an cùng đoàn công tác của Bộ Công an đã có mặt tại UBND xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) để phối hợp, chỉ đạo việc điều tra truy bắt nhóm hung thủ đã nổ súng khiến 3 người chết 15 người bị thương và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Khẩn trương truy lùng

Trung tâm xã này cách hiện trường xảy ra vụ xung đột đổ máu khoảng 20 km, đường lầy lội, xe máy và ô tô bình thường không thể tiếp cận được. Đoàn công tác phải sử dụng xe đặc chủng, xe công nông để vào hiện trường.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã triệu tập ông N.V.Th, trú tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng để lấy lời khai và tiếp tục truy lùng các đối tượng liên quan. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã chốt chặn ở các ngả đường mà hung thủ có thể trốn chạy. Trong quá trình kiểm tra lục soát, cơ quan chức năng tìm thấy và tịch thu 10 khẩu súng tự chế cất giấu tại chòi rẫy của ông N.V.Th ở tiểu khu 1536, đồng thời phát hiện 2 người thân của ông này đã không về nhà từ sau khi sự việc xảy ra. Ông Nguyễn Tiến Trọng, Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau cho biết, ông Th. là một trong 8 hộ dân ở xã này có đất canh tác trong vùng dự án của Cty TNHH Long Sơn.

Như Tiền Phong đã đưa tin, khoảng 8 giờ sáng ngày 23/10/2016, trong lúc Cty TNHH Long Sơn có trụ sở đóng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, đang huy động máy xúc ủi những cây điều mà người dân trồng trên đất lâm nghiệp thì xảy ra xô xát. Một nhóm người đã sử dụng súng tự chế lắp loại đạn “hoa cải” bắn vào lực lượng của Cty TNHH Long Sơn khiến 3 nhân viên tử vong, 15 người khác bị thương. Ngay sau khi gây án, các đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Cung cấp thông tin ban đầu, đại tá Nguyễn Ngọc Chương - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Công an tỉnh đang triển khai lực lượng vào hiện trường, tiếp cận các tuyến đường giáp ranh với huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước để truy lùng nhóm hung thủ. Xung đột bắt nguồn từ tranh chấp đất đai, nhưng phải truy bắt cho được các đối tượng gây án mới có thể kết luận chính xác nguyên nhân vụ việc. Hiện người dân và công nhân công ty đã giải tán, tình hình trên địa bàn cơ bản đã ổn định.

Vụ nổ súng 3 người chết tại Đắk Nông: Nóng chuyện tranh chấp đất đai ảnh 1

Đường vào hiện trường vụ án.

Từng đổ máu do tranh chấp đất

Theo nhiều người dân trên địa bàn, đây là hậu quả của vụ tranh chấp đất rừng xảy ra tại vùng giáp ranh giữa xã Quảng Trực và xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, bắt nguồn mâu thuẫn từ lâu về tranh chấp đất đai giữa người dân và Cty TNHH Long Sơn. Không ít đồng bào mất đất trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất đầy sai phạm từ năm 2008-2009 ở tỉnh Bình Phước, mà báo Tiền Phong từng đăng loạt bài “Cần phục hồi quyền lợi chính đáng cho người dân” từ tháng 11/2009, đã dạt lên vùng đất này phá rừng, hoặc mua lại rẫy cũ để canh tác. Khi chính quyền thu hồi đất, đã gặp khó, khiến những vụ xung đột xảy ra ngày càng gay gắt.  

Một cán bộ của Cty TNHH Long Sơn xác nhận Cty được UBND tỉnh Đắk Nông giao thực hiện dự án nông lâm kết hợp trên diện tích khoảng 1.000 ha đất tại tiểu khu 1536, thuộc vùng giáp ranh giữa hai xã Đắk Ngo và Quảng Trực của huyện Tuy Đức. Đây được xem là “vùng đất nóng” vì liên tục xảy ra các vụ người dân lấn chiếm đất rừng canh tác nông nghiệp, nên quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án đã không ngừng phát sinh các tranh chấp với hơn 30 hộ dân có nương rẫy trên diện tích đất mà Cty được giao. Sau nhiều lần thương thảo không xong, Cty phải tự tổ chức cưỡng chế, phá bỏ để thu hồi. Cty đã ra quân chặt cây, ủi rẫy nhiều đợt và không ít lần bị chủ rẫy phản kháng nhưng chưa bao giờ bị cả nhóm dân manh động nổ súng tấn công như lần này.

 Với diện tích rộng lớn đất bazan màu mỡ trên bình độ cao hơn 600m, điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng để trồng nhiều loại cây cho sản phẩm xuất khẩu giá trị cao như cà phê, tiêu, mắc ca, khoai lang v.v..., hàng chục năm qua Tuy Đức là một trong  những huyện “nóng” nhất của tỉnh Đắk Nông về phát triển dự án nông lâm kết hợp, dẫn đến tranh chấp đất canh tác với người dân bản địa và đồng bào di cư tự do. Các cơ quan tư pháp tỉnh Đắk Nông từng truy tố, xét xử vụ nhân viên bảo vệ một Cty tư nhân bắn chết dân nghèo tại chòi rẫy trên khu vực tranh chấp đất đai ở huyện Tuy Đức. 

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Huân- Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, trên diện tích khoảng 1.000 ha đất được tỉnh giao vài năm nay, Cty TNHH Long Sơn mới trồng cao su và một số loại cây khác được hơn 100 ha, đang tiếp tục giải phóng mặt bằng. Trên địa bàn huyện hiện có 21 Cty đang thực hiện các dự án nông lâm kết hợp, tương tự như Cty TNHH Long Sơn.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.