Quảng Nam

Vụ phá rừng đầu nguồn: Nếu cố tình làm sai phải truy tố

Vụ phá rừng đầu nguồn: Nếu cố tình làm sai phải truy tố
TP - Ngày 16/3, Tiền phong đã có cuộc tiếp xúc với ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam và ông Trần Hải Hà - Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp tỉnh.

>> Quảng Nam: Tang thương rừng đầu nguồn

Vụ phá rừng đầu nguồn: Nếu cố tình làm sai phải truy tố ảnh 1
Bãi gỗ của ông Sáu Ngọc nằm ngay trước mặt Trạm kiểm lâm Quế Trung, liệu trong số này có bao nhiêu gỗ khai thác trái phép 

(Ông Quang giữ chức giám đốc từ ngày 1/11/2006, thay cho ông Hồ Tấn Sơn chuyển sang làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy- PV)

Ông Quang cho biết: “Việc cấp giấy phép cho khai thác rừng, Sở đã làm đúng trách nhiệm. Cơ quan chịu trách nhiệm triển khai việc khai thác là UBND huyện Quế Sơn, với tư cách là chủ rừng.

Việc giám sát, kiểm tra, trách nhiệm chính thuộc về huyện và kiểm lâm, mà cụ thể là Hạt Kiểm lâm huyện.

Về chuyện giấy phép tận thu gỗ cấp cho ông Sáu Ngọc, Giám đốc Cty TNHH Ngọc Sơn đã hết hạn vào ngày 30/12/2006, nhưng đến nay gỗ vẫn bị triệt hạ, ông Hà cho rằng : “Khi giấy phép đã hết hạn, thì lập tức ngưng ngay tiến độ khai thác, cho dù có khi chưa làm hết. Nếu cố tình làm là vi phạm”.

Trả lời câu hỏi: Giấy phép khai thác lần đầu cho phép tận thu gần 13 ngàn mét khối, ký ngày 27/4/2006; giấy phép khai thác bổ sung thêm gần 1,8 ngàn mét khối, ký ngày 27/9/2006, phải chăng là sự ưu ái bất bình thường hay là thấy gỗ ngoài khu vực được phép khai thác còn nhiều nên Sở đã ký thêm?

Ông Hà  khẳng định : “Việc bổ sung giấy phép lần sau là đúng, bởi khu vực  được khai thác lần sau nằm trong lòng hồ, đơn vị khai thác lẽ ra đã đưa vào giấy phép lần đầu, nhưng do trời mưa nên họ không kịp làm thiết kế (?)”.

Giám đốc Quang quay sang hỏi ông Hà: “Có dư luận rằng lần cấp giấy phép trước, bao nhiêu héc-ta đó, đơn vị khai thác đã “bung” ra, sau thấy không ổn, chủ rừng sợ sai về mặt pháp lý, sợ truy hỏi sao không có giấy phép mà làm, cho nên mới làm thiết kế theo kiểu “gọt chân”, “gọt  dép”, có đúng không?”.

Ông Hà: “Ý đồ đó tôi không biết”. Ông Hà nói thêm: “Theo nguồn tin tôi biết, là sau Tết đến nay, họ vẫn đổ ra khai thác”. Ông Quang hỏi: “Biết sao không báo cáo?”. Ông Hà nói: “Tôi cũng chỉ mới nghe qua báo chí”.

Ông Quang nói với PV Tiền phong: “Quan điểm của tôi, nếu cố tình làm sai, thì kiên quyết đưa ra xử lý. Tôi sẽ lên kiểm tra và làm việc với huyện. Nếu phát hiện sai phạm, nhẹ thì xử lý nhẹ, còn nếu nghiêm trọng là truy tố hình sự, dù bất kỳ ai”.

Vụ phá rừng đầu nguồn: Nếu cố tình làm sai phải truy tố ảnh 2
Khi biết có nhà báo lên rừng điều tra, lực lượng kiểm lâm cũng vội vã lên kiểm tra, nhưng liệu có là quá muộn

Gỗ bị đốn hạ rất nhiều

Cùng ngày, Tiền phong cũng đã có cuộc tiếp xúc với ông Diệp Thanh Phong, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh. Ông Phong cho biết: Tôi rất bất ngờ trước những thông tin mà báo chí phản ánh.

Vậy thực tế hiện trường ông thấy  thế nào ?

Trước mắt thấy gỗ bị đốn hạ rất nhiều, nhưng chưa thể kết luận là Cty Ngọc Sơn khai thác sai hay không. Nhìn bên ngoài rất dễ ngộ nhận là phá rừng, nhưng nghiên cứu lại thì thấy đều nằm trong phạm vi thiết kế. Tất nhiên, tôi cũng không thể đi hết được, nên không biết các nơi khác ra sao.

Anh em kiểm lâm đang đi kiểm tra nên phải chờ mới kết luận được. Anh em vừa báo về, gỗ tại đó chừng 500-600 m3, phần lớn là gỗ tạp, chò nhóm 5, còn lại là gỗ  nhóm 6-7.

Kiểm lâm đã giám sát việc khai thác này ra sao?

Hạt Kiểm lâm Quế Sơn căn cứ vào tiến độ khai thác để kiểm tra. Giấy phép khai thác cho phép hạn chót là ngày 30/12/2006, nhưng UBND huyện đã cho phép đến 30/3/2007 để đơn vị khai thác vận chuyển gỗ ra khỏi hồ.

Và họ đã lợi dụng thời gian này để khai thác trái phép?

Việc họ có sai phạm hay không phải căn cứ vào thực tế hiện trường. Nếu thấy có dấu hiệu đang chặt hạ thì nghĩa là họ còn khai thác.

Theo ông, trách nhiệm của UBND huyện Quế Sơn trong việc này ra sao?

Về nguyên tắc, huyện được tỉnh cho khai thác tận thu thì huyện có trách nhiệm đầu tiên. Còn huyện ủy quyền cho ai thì đó là việc của huyện.

Việc gia hạn giấy phép của  Sở NN&PTNT, theo ông có gì không bình thường?

Về nguyên tắc, không phải trách nhiệm của kiểm lâm. Chúng tôi chỉ giám sát. Thiết kế đúng hay sai, trong hay ngoài, kiểm lâm không liên quan.

Kiểm lâm tỉnh có nắm được hồ sơ thiết kế không?

Thực tế Chi cục không nhận được, dù về nguyên tắc là phải có. Hạt Kiểm lâm huyện thì có hồ sơ thiết kế để theo dõi. Một lần lên kiểm tra, tôi thấy có dấu hiệu chỉnh sửa, nên yêu cầu ông Ngọc (Cty Ngọc Sơn - PV) làm đúng theo thiết kế. Tôi cũng đã yêu cầu kiểm lâm viên có trách nhiệm trong việc này phải kiểm điểm. 

Ông Ngọc từng bị phát hiện và thu giữ 71 m3 gỗ khai thác ngoài lòng hồ, nhưng chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ. Vụ này, đúng luật là phải xử lý hình sự, sao lại bị bỏ qua, thưa ông ?

Không có chuyện đó. Như tôi đã nói, ông này có lần vi phạm, nhưng không phải là khai thác trái phép mà là tập kết gỗ sai vị trí nên chỉ xử lý hành chính.

Nếu kiểm tra phát hiện ông Sáu Ngọc có khai thác gỗ trái phép, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Nếu như vậy thì trước hết là người vi phạm, kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương. Căn cứ theo QĐ 245/CP, thì trách nhiệm đầu tiên là chính quyền xã, bởi đây là rừng có chủ.

MỚI - NÓNG