Vụ Rusaka: Con đường đưa Lavico sa vào vực thẳm

Vụ Rusaka: Con đường đưa Lavico sa vào vực thẳm
Sau Nguyễn Đức Chi, Nguyễn Thọ Trí - GĐ Cty Xuất nhập khẩu và lương thực Trà Vinh đã bị bắt. Nhưng còn những ai tiếp tay cho Nguyễn Đức Chi?

Sau khi mua gạo mà không trả tiền, đến cuối tháng 9/2003 Nguyễn Đức Chi còn nợ của Cty Xuất nhập khẩu và lương thực Trà Vinh (ImexTraVinh) 5.281.762 USD (chưa tính lãi). Chi bèn tìm cách rũ nợ.

Ngày 29/9/2003, Chi gửi công văn cho Bộ KH & ĐT xin được cầm cố phần vốn góp trong Cty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus - Invest - Tur (RIT). Ngày 1/10/2003, tại cơ quan CSĐT Bộ Công an phía Nam, Chi và Nguyễn Thọ Trí thỏa thuận lịch thanh toán nợ giữa đôi bên.

Theo đó, đến ngày 30/10/2003, Chi phải hoàn tất việc chuyển giao ngôi nhà số 707A An Điền (An Phú, quận 2, TP HCM) trị giá 940.000 USD cho ImexTraVinh.

Đến ngày 16/10/2003, Chi phải thu xếp xong việc thế chấp nhà 16, ngõ 19, phố Liễu Giai (Hà Nội) để vay 300.000 USD trả cho ImexTraVinh, đồng thời xác định giá trị tài sản của Chi ở khu Cosmos Bowling tại 168 Ngọc Khánh (Hà Nội) để đưa ra phương án thu hồi.

Đến ngày 17/10/2003, Chi phải xác định giá trị đầu tư, phần sở hữu trong dự án Rusalka để thu xếp với ngân hàng chuyển nợ từ ImexTraVinh sang cho Chi.

Hai bên cũng đề cập việc Chi xác định phần sở hữu trong Kho ngoại quan “Sport - Avto” ở Moskva - Liên bang Nga. Tuy nhiên nay mọi người đã rõ, chỉ có nhà 707A An Điền thực sự là của Chi, trị giá chỉ là 700.000 USD.

Ngày 29/10/2003, Chi lại gửi công văn đến Bộ KH & ĐT, xin chuyển hình thức đầu tư của RIT từ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thành doanh nghiệp liên doanh.

Trong khi Bộ KH- ĐT chưa trả lời, Chi đã bàn thảo với Nguyễn Thọ Trí về việc lập Cty liên doanh giữa RIT và ImexTraVinh để thanh lý khoản nợ với ImexTraVinh.

Đến tháng 11/2003, Chi vừa bán thứ không phải của mình là khu Cosmos Bowling cho Cty Lâm Viên (Lavico - DNNN trực thuộc Học viện Lục quân đà Lạt) vừa “dụ” được Lavico liên doanh với RIT. Lavico đồng ý góp 5,5 triệu USD vào dự án Rusalka để tăng vốn pháp định của RIT lên 10 triệu USD.

Mối quan hệ tay ba RIT- ImexTraVinh - Lavico hình thành. Chưa được Bộ KH & ĐT chấp thuận việc liên doanh, ngày 14/11/2003, Lavico đã chuyển cho ImexTraVinh 5 tỷ đồng. Tổng cộng Lavico đã góp vào dự án Rusalka 48,5 tỷ đồng, trong đó trả nợ ImexTraVinh thay cho Chi 43,5 tỷ đồng.

Đến ngày 14/9/2004, một cuộc “mặc cả” diễn ra tại văn phòng Tổng Cty Lương thực miền Nam. Tổng Cty LTMN sẽ bảo lãnh về tài chính cho ImexTraVinh để đề nghị Bộ KH & ĐT cấp giấp phép cho liên doanh mới (giữa ImexTraVinh và 2 Cty ở Nga tham gia RIT).

Lavico đồng ý cho ImexTraVinh tiếp nhận 60% cổ phần của Nguyễn Đức Chi tại RIT, đổi lại ImexTraVinh phải trả đủ 43,5 tỷ đồng cho Lavico. Nếu không, ImexTraVinh phải giao 60% cổ phần nói trên cho Lavico.

Ngày 27/9/2004, Lavico có văn bản đề nghị ImexTraVinh trả 43,5 tỷ đồng (kèm lãi suất) trước khi đề nghị Bộ KH - ĐT cho phép nhận 60% vốn của Nguyễn Đức Chi trong RIT. ImexTraVinh không trả lời.

Ngày hôm sau, 28/9/2004, cơ quan CSĐT - Bộ Công an (cụm 3) có công văn số 1215/C16(P1)C3 gửi Bộ trưởng Bộ KH & ĐT, đề nghị cấp giấy phép đầu tư cho liên doanh giữa ImexTraVinh và 2 Cty Nga.

Đề nghị này bị Lavico phản đối, ngày 4/10/2004. Nhưng đến ngày 16/11/2004, Lavico lại đổi ý, thuận cho ImexTraVinh tiếp nhận 60% cổ phần trong RIT.

Ngày 21/3/2005 và ngày 25/3/2005, Tổng GĐ Tổng Cty LTMN Trương Thanh Phong và Bộ trưởng Bộ KH - ĐT ký 2 công văn gửi Thủ tướng, đề nghị ủng hộ việc sang nhượng vốn trong RIT để giúp ImexTraVinh và Lavico thu hồi được nợ.

Đến lúc này, Lavico lại có công văn gửi Thủ tướng với nội dung tố cáo Nguyễn Đức Chi lừa đảo, đề nghị không cho ImexTraVinh tiếp nhận vốn góp của Chi trong RIT…

Tuy có nội dung trái ngược nhau như vậy, nhưng các văn bản trên đều giống nhau ở chỗ mặc nhiên coi rằng Nguyễn Đức Chi đã góp 60% vốn pháp định của RIT (trị giá 2,7 triệu USD), trong khi thực tế Chi hầu như chưa góp gì. Đằng sau sự “nhầm” đó là gì?

Trong vụ Lavico bị Nguyễn Đức Chi cho vào tròng, Nguyễn Thọ Trí có phải là đồng phạm của Chi?

Trong vụ này, Nguyễn Đức Chi dùng “chiêu” nợ tiền ImexTraVinh, Chi mang Rusalka ra “gạ” Nguyễn Thọ Trí; Khi Trí còn phân vân, Chi lại lôi ông Trần Nam - GĐ Lavico vào cuộc.

Bên nào cũng lo “Nàng tiên cá” (Rusalka trong tiếng Nga nghĩa là tiên cá) về tay kẻ kia, Lavico và ImexTraVinh mải canh chừng nhau, quên nhận ra rằng con nợ của cả 2 đang cho họ mắc lỡm.

Bởi vậy nên chưa được bật đèn xanh, Lavico đã vội thay Chi trả tiền cho ImexTraVinh, cho rằng đó là cách tốt nhất để sớm “ôm” được “Nàng tiên cá” hấp dẫn?

Nếu căn cứ vào những gì Lavico và ImexTraVinh được khoe, “Nàng tiên cá” cũng hấp dẫn thật. “Nàng” đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp “sổ đỏ”, ai chả biết “sổ đỏ” khu đất ven biển rộng 43 ha có giá trị thế nào!

UBND tỉnh Khánh Hoà đã báo cáo bằng văn bản với Bộ KH - ĐT, rằng đến 30/7/2004 vốn đầu tư đã được thực hiện tại Rusalka là 5,5 triệu USD, khu nghỉ mát sẽ đi vào hoạt động quý 1/2005!

Dự án còn được UBND tỉnh Khánh Hòa miễn 7 năm tiền thuê đất kể từ khi đi vào hoạt động. Chả cần biết việc miễn này có trái pháp luật hay không, cứ ước tính số tiền được miễn này là khoảng 2,9 triệu USD, còn gì hấp dẫn hơn nữa?

Lao vào cuộc đua giành vốn ảo của Nguyễn Đức Chi tại Rusalka, Lavico đã bị mất gần 50 tỷ đồng tiền thật. Dẫu thực sự bị Chi lừa, nhưng có lẽ cũng như Nguyễn Thọ Trí, ông Trần Nam đâu phải chỉ là nạn nhân. Và nếu không có sự tiếp tay của những cá nhân khác, dễ gì Nguyễn Đức Chi lừa được họ, khiến ImexTraVinh và Lavico sa vào vực thẳm?   

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.