Vụ Rusalka: Bắt GĐ Công ty XNK và lương thực Trà Vinh

Vụ Rusalka: Bắt GĐ Công ty XNK và lương thực Trà Vinh
Chiều 5/8, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự QLKT và CV đã bắt Nguyễn Thọ Trí, GĐ Công ty Xuất nhập khẩu và lương thực Trà Vinh về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc bắt Nguyễn Thọ Trí liên quan đến vụ án lừa đảo tại dự án hàng trăm tỷ đồng của Nguyễn Đức Chi.

Theo Ban chuyên án, năm 2003, Nguyễn Đức Chi mạo nhận là đại diện Công ty Arabella (Mỹ) ký hợp đồng mua gần 31,5 nghìn tấn gạo (trị giá 5,9 triệu USD) của Công ty xuất nhập khẩu và lương thực Trà Vinh. Hình thức thanh toán là trả chậm.

Cơ quan điều tra xác minh ban đầu, Arabella chỉ là doanh nghiệp ma. Trong thời gian quan hệ làm ăn với Công ty Xuất nhập khẩu và lương thực Trà Vinh, Nguyễn Đức Chi đã tổ chức đưa ông Nguyễn Thọ Trí cùng một số quan chức khác sang Nga với lý do tham quan doanh nghiệp của Chi tại đây.

Và cứ thế, gạo được giao đầy đủ cho bên mua, dù Nguyễn Đức Chi chỉ thanh toán đầy đủ 1 đợt. Những lần sau, Chi chây ỳ không thanh toán, chiếm đoạt số tiền còn lại khoảng 2,4 triệu USD.

Thấy bị thiếu khoản nợ khổng lồ, Công ty Xuất nhập khẩu và lương thực Trà Vinh “gõ cửa” khắp nơi. Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã làm việc với cơ quan chức năng, đề nghị cho phép Công ty Elaitrox (công ty ma do Chi lập ra, tham gia liên doanh triển khai dự án khu nghỉ mát cao cấp Rusalka) chuyển 60% vốn cho Công ty Trà Vinh để trừ nợ.

Thời gian sau, Nguyễn Đức Chi lại đưa ra “sáng kiến” chuyển nhượng vốn cho Công ty Bạch Lân và doanh nghiệp này sẽ có trách nhiệm trả nợ Công ty Lương thực Trà Vinh.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ đồng ý với phương án này vì “có ưu điểm là nếu bên nhận chuyển nhượng thực sự có năng lực và thực hiện đúng cam kết thì dự án sẽ tránh bị đổ bể, giải quyết ngay được các khoản nợ nhà thầu, cũng như tạo điều kiện cho Trà Vinh và Lâm Viên (chủ nợ của Nguyễn Đức Chi) thu hồi được một phần tiền, tránh thất thoát cho Nhà nước”. 

Quan điểm của Bộ, “chỉ có công ty của Chi là ma, còn các đối tác tham gia khác không phải như vậy. Xuất phát từ lợi ích dự án và bảo vệ cổ đông, nếu có người nhận thì có quyền chuyển nhượng”.

Nguyễn Đức Chi không chỉ lừa đảo Công ty Xuất nhập khẩu và lương thực Trà Vinh mà thực hiện nhiều phi vụ khác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 1998, từ Nga về Việt Nam, Chi lập Công ty TNHH LCM 100% vốn nước ngoài, thuê nhà 168 Ngọc Khánh của Công ty Điện tử Giảng Võ (giá 18.000 USD/tháng) để làm Trung tâm thể thao giải trí Cosmos.

Chi không trả tiền thuê nhà theo hợp đồng cam kết. 5 năm sau, tiền nợ thuê nhà là 24 tỷ đồng. Năm 2003, Chi đã bán Cosmos cho Công ty Lâm Viên, nhưng lại không trả tiền cho Công ty Điện tử Giảng Võ. Chủ nợ đâm đơn kiện và được tòa xử thắng, buộc Nguyễn Đức Chi phải bàn giao hạng mục, thiết bị cho nguyên đơn. Lúc này, Lâm Viên cũng kiện Nguyễn Đức Chi.

Còn tại dự án khu nghỉ mát cao cấp Rusalka, Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Rus- Invest - Tur (RIT) do Chi làm chủ tịch hội đồng quản trị hiện trong tình trạng dở dang, chậm tiến độ. Với sự “ưu ái” của một số ngành chức năng ở Khánh Hòa, Nguyễn Đức Chi đã có trong tay “sổ đỏ” lô đất dự án, đem thế chấp vay tiền triển khai Rusalka, nhưng thực tế lại sử dụng vào việc khác.

Theo cơ quan điều tra, hiện tổng số nợ Chi lừa đảo chiếm đoạt khoảng 200 tỷ đồng. Cuối tháng 6, siêu lừa này đã bị bắt.

MỚI - NÓNG