Vụ TNGT trên đường Láng - Hoà Lạc: Đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm

Vụ TNGT trên đường Láng - Hoà Lạc: Đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm
Tòa Phúc thẩm (TAND Tối cao) đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường Láng - Hòa Lạc hồi cuối năm 2001.

Tai nạn do lái xe Phạm Hồng Quân (sinh năm 1981, trú tại số nhà 18, tổ 45 phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) gây ra.

Trước đó, ngày 29/10/2004, bị cáo Quân đã bị TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 8 năm tù về tội: "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo quy định tại Khoản 2, Điều 202 BLHS 1999.

Phiên tòa phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo của cả bên bị hại và bị cáo. Bị cáo Quân kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt.

Hai gia đình có người thân bị thiệt mạng không đồng ý với toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, cho rằng vụ án đã bị bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt một số cán bộ có chức quyền, cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án và yêu cầu xét xử lại theo hướng đây là vụ án "đua xe ô tô trái phép" để "xác định đúng bản chất thật sự của vụ án".

HĐXX phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, do thẩm phán Nguyễn Minh Mắn làm chủ tọa. Hai kiểm sát viên VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Hồ Quốc Thái và Lê Tứ Quỳnh.

Gia đình 2 nạn nhân đã mời 2 luật sư (LS) Nguyễn Cẩm (Đoàn LS Hải Phòng) và LS Phạm Ngọc Trung (Đoàn LS Thành phố Hồ Chí Minh) tham gia bào chữa. 5 ngày trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, luật gia Trần Đình Triển đã nhận tham gia bào chữa miễn phí cho hai gia đình bị hại.

Tại phiên tòa, có khá nhiều nhân chứng vắng mặt, trong đó phần lớn là các nhân chứng của phía bị cáo như: anh Đào Trung Kiên, chị Hoàng Thị Cẩm Tú (là những người cùng đi trên xe của bị cáo Quân khi gây ra tai nạn)...

Đặc biệt là sự vắng mặt của ông Trần Văn Điểm - Giám định viên Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Do bị ốm nên ông đã làm đơn đề nghị xin hoãn phiên tòa.

Tuy nhiên, cũng có một số nhân chứng quan trọng có mặt theo yêu cầu của gia đình nạn nhân, trong đó có Trung tá Bùi Ngọc Bình - Cán bộ cảnh sát điều tra, là người trực tiếp vẽ sơ đồ, lập biên bản khám nghiệm hiện trường; chị Trương Bích Thủy - Bác sĩ Bệnh viện tỉnh Hà Tây; Mai Xuân Thắng - Lái xe cùng đi chở khách với Quân hôm đó - hiện đang bị bắt tạm giam trong một vụ án khác.

Sự vắng mặt của khá nhiều nhân chứng đã buộc HĐXX phải tạm dừng phiên tòa để thảo luận và quyết định cho tiếp tục phiên tòa. Các nhân chứng vắng mặt nếu xét thấy cần thiết Tòa sẽ áp dụng biện pháp dẫn giải đến phiên tòa.

Ngay từ đầu phần thẩm vấn, nhân chứng Vũ Phương Minh - Học sinh đi cùng nhóm với 2 nạn nhân - đã khai: "Cháu thấy 2 ô tô màu trắng chạy với tốc độ kinh hoàng, vượt đuổi nhau. Hai xe va vào nhau làm một chiếc lán sang bên phải và rơi xuống ruộng".

Chị Trương Bích Thủy - Người đi đường - khẳng định: Có 2 ô tô cùng chiều phóng vượt qua xe máy của chị trong khi chị đang vượt xe tải. Lúc đó, chị Thuỷ đang phóng với tốc độ khoảng 60 km/h nên chị ước đoán "2 ô tô chạy khoảng 100 km/h".

Khi chủ tọa quay sang hỏi tốc độ xe lúc đó thì bị cáo Quân khai khoảng 60 km/h. Trong khi tại phiên tòa sơ thẩm, Quân lại khai rằng không nhớ được tốc độ xe lúc xảy ra tai nạn, vì "một người lái xe như tôi không bao giờ để ý vào tốc độ trên đồng hồ mà thường chỉ tập trung chú ý quan sát mặt đường" (!).

Trả lời thẩm vấn trước Tòa, nhân chứng Lại Thế Thịnh - Đội phó Đội Khám nghiệm, Phòng cảnh sát giao thông - cho biết: Gần 18 giờ ngày 19/11/2001, nhận được tin báo về vụ án, ông Thịnh đã gọi điện thoại sang Viện Kiểm sát để phối hợp làm việc, ra lệnh bắt khẩn cấp Phạm Hồng Quân, nhưng không có ai trực máy.

Tuy nhiên, công tố viên tại Tòa lại trả lời: Kiểm tra tổng đài của VKS không thấy có số máy gọi đến như ông Thịnh đã khai(!)

Phần thẩm vấn kết thúc với một loạt những nghi vấn chưa được làm sáng tỏ. Đọc bản nhận định luận tội trước Tòa, đại diện VKSND Tối cao cho rằng: Quá trình giải quyết vụ án của cơ quan điều tra, cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

Đó là: Các việc điều tra trước đây mặc dù được tiến hành lại nhiều lần, nhưng đều do cùng một nhóm điều tra viên cũ thực hiện; biên bản hiện trường lập không đúng quy định; hiện trường phải được thực nghiệm lại cho các nhân chứng dễ hình dung và giúp làm sáng tỏ các giám định khác như tốc độ xe, va chạm thực tế giữa các xe...

Vị công tố viên cũng nhấn mạnh: Lời khai của các cán bộ công an, cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường cần được coi là nhân chứng, các lời khai trước đây của nhiều nhân chứng cũng cần được xác định lại giá trị thực.

Trên cơ sở đó, đại diện VKSNDTC đề nghị HĐXX huỷ toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra lại từ đầu, đồng thời xử lý những cá nhân đã cố tình kéo dài vụ án, thông báo rộng rãi kết quả xử lý này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đáp lại đề nghị này của VKS, các LS cũng đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng giao hồ sơ cho Vụ Điều tra hình sự (VKSND Tối cao) tiến hành điều tra lại từ đầu.

Đồng thời các LS còn yêu cầu những vấn đề cần giám định, khám nghiệm sẽ được chuyển sang Phòng khoa học hình sự, Bộ Quốc Phòng nghiên cứu giải quyết.

Dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào chiều nay (12/4).

MỚI - NÓNG