Vụ ve chai nhặt được 5 triệu Yên: Công an lại lui trả tiền

Từ ngày nhặt được số tiền, chị Hồng gặp nhiều phiền toái và mệt mỏi.
Từ ngày nhặt được số tiền, chị Hồng gặp nhiều phiền toái và mệt mỏi.
TPO - Ngày 12/5, Công an quận Tân Bình, TPHCM có văn bản do Trưởng công an quận ký gửi đến người phụ nữ nhặt được 5 triệu Yên và cho biết, do có phát sinh tình tiết mới cần có thời gian xác minh làm rõ nên chưa thể trao tiền cho chị 've chai'.

Mệt mỏi vì nhặt được tiền

Theo đó, ngày 12/5, Công an quận Tân Bình, TPHCM có buổi làm việc với chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1979, ngụ quận Tân Bình) là người mua ve chai đã tìm thấy 5 triệu Yên trong thùng loa cách đây một năm.

Trong văn bản của Công an quận Tân Bình nêu, Công an quận đang thụ lý vụ việc sở hữu 5 triệu Yên tiền vắng chủ xảy ra tại phường 10, quận Tân Bình do chị Hồng giao nộp ngày 21/3/2014. Đến ngày 10/4/2014, Công an quận Tân Bình đã đăng thông tin tìm chủ sở hữu.

Ngày 10/4/2015, bà Phạm Thị Ngọt (SN 1975, ngụ huyện Hóc Môn) gửi đơn lên công an quận Tân Bình cho rằng số tiền đó là của chồng mình để quên trong thùng loa, sau đó do không nhớ nên đã cho thùng loa đi nên yêu cầu được nhận lại số tiền. Do đó, công an quận Tân Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh là rõ và giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Chị Hồng cho biết, khi chị và luật sư đại diện hỏi thời gian cụ thể để kết thúc vụ việc này, người đại diện công an quận Tân Bình trả lời chưa xác định được. Theo chị Hồng, hiện tại chị tiếp tục đợi công an xác minh số tiền nhưng chưa biết đến khi nào “Sau khi làm việc với công an về, tôi đi làm liền và giờ vẫn chờ đợi công an xác minh. Không biết đến bao giờ có kết quả”.

Theo chị Hồng, từ khi nhặt được số tiền đến nay, chị rất mệt mỏi và chỉ mong công an sớm công bố quyết định về số tiền trên. “Tiền nhặt được thì ai mà không muốn nhận, hiện tại tôi rất cần tiền để giải quyết công việc gia đình. Tuy nhiên, công an giải quyết như thế nào tôi cũng chịu nhưng đừng kéo dài quá chứ giờ tôi quá mệt mỏi rồi”, chị Hồng nói.

Công an quận Tân Bình không có quyền xử lý

Vụ ve chai nhặt được 5 triệu Yên: Công an lại lui trả tiền ảnh 1 Văn bản của Công an Quận Tân Bình, TP.HCM gửi chị Hồng

Luật sư Lê Quang Vũ, Phó Trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo, TPHCM cho biết, số tiền 5 triệu Yên do bà Huỳnh Thị Ánh Hồng tìm thấy  trong bộ loa cũ là tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, tài sản không xác định được chủ sở hữu và  bà Hồng đã trình báo, giao nộp số tiền cho Công an quận Tân Bình TPHCM là đúng theo điều 187 Bộ luật dân sự. 

Tuy nhiên, Công an quận Tân Bình không có thẩm quyền để ra quyết định xử lý số tiền này giao cho bà Hồng hay bà Ngọt hoặc xác định thuộc sở hữu nhà nước. Mà theo luật sư Vũ, quyền quyết định số tiền này thuộc về phòng tài chính quận Tân Bình nếu số tiền tính ra tiền Việt Nam đồng dưới một tỷ đồng hoặc thuộc quyền của Sở Tài Chính nếu số tiền trên một tỷ đồng.

Luật sư Vũ dẫn chứng, theo điều 9, điều 12 nghị định số 96/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam  thì Sở tài chính hoặc Phòng tài chính được Sở tài chính ủy quyền là đơn vị tiếp nhận và xử lý tài sản được tìm thấy. 

Và theo điều 3 và điều 5 Nghị định 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước thì Phòng tài chánh là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý động sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên; Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm. 

“Như vậy số tiền 5 triệu Yên dù được xác định là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên hay tài sản bị chôn giấu thì thẩm quyền chủ trì quản lý, xử lý thuộc Phòng tài chính quận Tân Bình hoặc Sở tài chính TPHCM. Đến nay đã hơn một năm kể từ ngày đăng thông tin tìm chủ sở hữu số tiền, Công an quận Tân Bình cần chuyển vụ việc và số tiền cho Phòng tài chánh quận Tân Bình để quản lý, xử lý, xác định trị giá tài sản và quyết định hành chính giao một phần hay toàn bộ giá trị tài sản bằng đồng Việt Nam cho bà Ngọt hoặc bà Hồng. Nếu không đồng ý với quyết định của Phòng tài chính quận Tân Bình, bà Hồng, bà Ngọt có quyền khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án’, luật sư Vũ cho biết.

Lí do lùi xử lý cũng không cụ thể

Còn luật sư Nguyễn Tri Đức – Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, về vụ việc nêu trên, nếu bà Ngọt chỉ với những lập luận đơn phương đưa ra thì hoàn toàn không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan công an quận Tân Bình trả lại số tiền 5 triệu yên Nhật nói  trên. Bởi lẽ, theo yêu cầu cùng với những lý do đơn phương của bà Ngọt đưa ra đòi nhận lại số tiền nói trên phải thỏa mãn các điều kiện chứng cứ  hợp pháp... 

Cơ quan Công an cần xác minh làm rõ mọi vấn đề căn cứ trên bằng chứng cơ sở pháp lý một cách triệt để, để giải quyết sự việc. Ngược lại căn cứ theo luật định khoản 2 Điều 241  bộ luật dân sự về việc “Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên” để cơ quan Công an tiến hành giải quyết sự việc cũng như quyền lợi của chị Hồng một cách thỏa đáng. 

Hiện nay theo luật định về hướng xử lý “Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên” chỉ căn cứ theo Điều 241 bộ luật dân sự mà thôi do đó việc Công an quận Tân Bình lùi thời hạn xử lý cũng chưa có cơ sở trái qui định. Tuy nhiên việc di dời thời hạn xử lý của công an quận Tân Bình cần phải lý do cụ thể không thể nói chung chung như văn bản số 2782 /CATB(ĐTTH) ngày 12/5/2015. (Chẳng hạn qua làm việc bà Ngọt cam kết sẽ cung cấp chứng cứ trong thời hạn cụ thể nào?)

Trong điều kiện có thể, bà Hồng có thể có văn bản hoặc liên hệ trực tiếp để làm rõ vấn đề này, ngược lại nếu yêu cầu của bà Hồng không được giải quyết thấu đáo, bà Hồng có thể có văn bản trực tiếp khiếu nại vấn đề này với Công an quận Tân Bình nếu mọi việc không thỏa đáng bà Hồng có thể khiếu nại cơ quan Công an cấp Sở – Thành Phố.

Trong trường hợp sau khi  cơ quan Công an xác minh làm rõ vấn đề mọi trường hợp đứng ra  yêu cầu nhận lại  số tiền trên đều không có cơ sở pháp lý thì quyền lợi của chị Hồng sẽ được giải quyết theo khoản 2 Điều 241  bộ luật dân sự đã nói trên.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.