Vụ Vinasun kiện Grab: Đôi bên giằng co bảo vệ quan điểm

TPO - Sáng nay 22/10, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử vụ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Cty CP Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) và Cty TNHH Grad Taxi Việt Nam (gọi tắt là Grab).

Yêu cầu bồi thường 41,2 tỷ đồng

Tại toà, đại diện Vinasun cho biết, những năm 2015-2016, Grab bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam. Cũng từ đây, doanh thu Vinasun bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng.

Nguyên do theo Vinasun là việc Grab không tuân thủ pháp luật, đã có những hành vi sai phạm làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng taxi này. Việc này Grab phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho Vinasun.

Trình bày trước HĐXX, đại diện luật sư của Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng, Grab đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, đã viện dẫn ra nhiều luận điểm chứng minh cho hành vi vi phạm của Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun.

Vụ Vinasun kiện Grab: Đôi bên giằng co bảo vệ quan điểm ảnh 1 Luật sư phía Vinasun. Ảnh Văn Minh

Ngoài ra, luật sư của Vinasun phản bác rằng việc khuyến mãi của hãng taxi đã có đăng ký với cơ quan chức năng. Trong quá trình phát triển, Vinasun vẫn phát triển với các ứng dụng đặt xe, ứng dụng phát triển phần mềm để quản lý nội bộ.

Đối với khách hàng đặt xe qua tổng đài, hãng cũng đã thông qua hệ thống tin nhắn thông minh đến khách hàng. Đây là những ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ vào kinh doanh chứ không như những gì Grab đã nêu ra trước tòa.

“Giá rẻ dựa trên cơ sở đúng pháp luật thì ủng hộ chứ không nên cổ xuý giá rẻ vi phạm pháp luật”, luật sư của Vinasun nêu.

Thiệt hại của Vinsun cũng được luật sư bào chữa chỉ ra như về giá trị thương hiệu, giá trị cổ phiếu,...Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm, nội dung khởi kiện và yêu cầu Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng.

Grab phản bác

Trái lại, Luật sư của Grab cho rằng, họ hoàn toàn phản đối những luận điểm phía Vinasun nêu ra để quy kết Grab vi phạm pháp luật và gây thiệt hại.

Đại diện Grab nhấn mạnh rằng trong những ngày xét xử vừa qua, có bao nhiêu vấn đề nêu ra có liên quan đến vụ kiện này từ phía nguyên đơn.

Grab đặt ra câu hỏi cho Vinasun rằng trong kỷ nguyên 4.0, phía Vinasun đã làm được những gì? Đã tận dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh phục vụ khách hàng chưa?

Vụ Vinasun kiện Grab: Đôi bên giằng co bảo vệ quan điểm ảnh 2 Toàn cảnh phiên tòa sáng 22/10. Ảnh Văn Minh

“Và từng bao giờ xem xét giảm giá cước, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng? Vinasun có bao giờ họp để xem lại chất lại chất lượng dịch vụ của mình hay chưa?”, đại diện Grab đặt một loạt câu hỏi.

“Chúng tôi luôn cố gắng làm một cách tốt nhất để phục vụ khách hàng, đặc biệt là người Việt. Chúng tôi cũng đã tạo ra nhiều cơ hội làm việc cho nhiều người”, đại diện Grab nêu.

Do vậy, Grab cho rằng thay vì nhìn bên ngoài thì Vinasun nhìn lại bản thân mình để có thể thay đổi, đóng góp nhiều lợi ích cho khách hàng, cho cuộc cách mạng 4.0.

Grab cho rằng kinh tế chia sẻ là rất tốt và được Nhà nước Việt Nam khuyến khích phát triển. Đây là mô hình kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để kinh doanh hiệu quả.

Grab lỗ gần 2000 tỷ đồng vẫn kinh doanh?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 4 năm Grab lỗ tổng cộng 1.726,2 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là hoạt động tiếp thị, quảng cáo. Cụ thể, năm 2014, doanh thu Grab là 1,5 tỉ, lỗ 51,7 tỉ; năm 2015 doanh thu là 33,7 tỉ, lỗ 441,8 tỉ; năm 2016 doanh thu là 193,6 tỉ, lỗ 444,7 tỉ; năm 2017 doanh thu 758 tỉ, lỗ 788 tỉ.

Đại diện Grab cho rằng, năm 2014 bắt đầu đầu tư vào thị trường Việt Nam với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Grab cho rằng việc lỗ liên tục là do chấp nhận đầu tư vào thị trường Việt Nam để thị trường hiểu được công nghệ của Grab và khuyến khích thị trường sử dụng công nghệ này. Việc Grab lỗ không hoàn toàn do tiếp thị, quảng cáo vì ngoài chi phí cho việc khuyến mãi còn chi phí thưởng cho các đối tác là tài xế, chi phí nghiên cứu phát triển công nghệ. 

MỚI - NÓNG