Vụ VN Pharma: Đại diện cơ quan Nhà nước có phải trả lời tại tòa?

Vụ VN Pharma: Đại diện cơ quan Nhà nước có phải trả lời tại tòa?
TP - Trước việc một số đại diện cơ quan Nhà nước được triệu tập tới tòa nhưng xin “khất” trước những câu hỏi, các chuyên gia cho rằng chưa có quy định cụ thể buộc họ phải trả lời.

“Không có nghĩa vụ trả lời”

Tại phiên tòa xử phúc thẩm vụ buôn lậu tại Cty VN Pharma, đại diện Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã xin “khất” các câu hỏi liên quan việc cấp phép, quy trình kiểm tra, thông quan… thuốc H - Capita. Đại diện của Bộ Y tế xin trả lời bằng văn bản sau khi xin ý kiến cấp trên. Theo ghi nhận của PV, nhiều phiên tòa khác cũng diễn ra tình trạng đại diện các cơ quan Nhà nước được triệu tập tới tòa “khất” câu hỏi của người tham gia tố tụng.

Về tình trạng trên, thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội khẳng định đại diện các cơ quan Nhà nước không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của tòa. Ông Toàn cho biết, người tham gia tố tụng cần phải có quan điểm, ý kiến từ giai đoạn điều tra. Ngược lại, các cơ quan chủ quản là những người không tham gia tố tụng nhưng khi cần thiết tòa vẫn có thể triệu tập để hỏi về các vấn đề liên quan bị can, bị cáo, công việc của họ…

Thẩm phán Toàn nói: “Trường hợp cơ quan tổ chức chưa nắm một cách toàn diện nội dung vụ án nên không thể trả lời ngay câu hỏi của HĐXX, họ có thể xin “khất” để về làm văn bản trình bày. Tuy nhiên, văn bản này vẫn được gửi đến tòa trong quá trình thẩm vấn và tranh luận một cách công khai… Họ không phải người tham gia tố tụng nên không có nghĩa vụ phải trả lời. Trường hợp văn bản trả lời đến muộn sẽ được xem xét ở cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm”.

Ông Toàn phân tích thêm, với những người tham gia tố tụng phải tuân theo trình tự tố tụng rất chặt chẽ nhưng với các cơ quan tổ chức được tòa mời đến sẽ có quyền trả lời hoặc không, giống như quan hệ dân sự. Việc họ “khất” các câu hỏi là không sai về mặt tố tụng. Các văn bản trả lời sau đó được gửi vẫn có tác dụng góp phần giải quyết vụ án một cách toàn diện và tòa phải công khai tài liệu một cách trung thực. Thẩm phán Trương Việt Toàn nhắc lại vụ án OceanBank, chính ông đã công bố các văn bản trả lời từ cơ quan Nhà nước gửi tới sau khi đại diện của họ xin “khất”.

“Cần ủy quyền cho người khác”

Đây là ý kiến của luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh. Theo ông Thanh, việc đại diện theo ủy quyền của các cơ quan Nhà nước từ chối hoặc xin “khất” các câu hỏi tại tòa thường xuất phát từ ba lý do. Một là họ lo ngại trả lời sai, trả lời không đủ, trả lời “hớ”; hai là họ không muốn nhiều vấn đề nhạy cảm, tế nhị được đưa ra tại phiên tòa công khai, ai cũng có thể biết; ba là người được ủy quyền ra tòa không nắm rõ tường tận các vấn đề để có thể trả lời chính xác.

Theo luật sư Thanh, những người được triệu tập như trên không thuộc trường hợp phải chịu hậu quả pháp lý về việc từ chối khai báo giống như người làm chứng theo Điều 54 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Nhằm giải quyết việc từ chối hoặc “khất” câu hỏi, luật sư Thanh đề nghị: “Với những người biết rõ vấn đề nhưng không khai báo, cần phải có biện pháp xử lý ít nhất là bằng chế tài hành chính để tăng tính nghiêm minh của pháp luật. Với những người được ủy quyền để trả lời nhưng không nắm rõ vấn đề, trách nhiệm thuộc về cơ quan chủ quản. Trường hợp này, cơ quan tố tụng nên yêu cầu cơ quan chủ quản ủy quyền lại cho người khác”.

Về ảnh hưởng của việc từ chối trả lời trực tiếp tại tòa và thay vào đó là lời hứa sẽ trả lời bằng văn bản, luật sư Thanh cho rằng chắc chắn khiến cho việc xử lý vụ án không được toàn diện, bị ảnh hưởng. “Với phiên tòa có thời gian xét xử ngắn, tòa có thể phải tạm dừng xét xử để chờ trả lời hoặc có thể văn bản trả lời không đáp ứng được yêu cầu… Theo tôi, đã đến lúc cơ quan pháp luật cần có những quy định cụ thể kèm theo các chế tài xử lý mới hy vọng giải quyết được tình trạng này” - luật sư Thanh nói.

Vi phạm tố tụng?

Luật sư Đinh Anh Tuấn - GĐ Cty luật hợp danh Thiên Quang cho biết, trường hợp đại diện cho cơ quan Nhà nước không thể trả lời ngay hoặc từ chối trả lời các câu hỏi của người tham gia tố tụng khác chưa được quy định cụ thể. Tuy nhiên, người đại diện cho cơ quan Nhà nước cần phải gương mẫu trong vấn đề này.

Nhằm hạn chế tình trạng “khất” câu hỏi, luật sư Tuấn cho rằng, nếu thấy cần thiết, thẩm phán cần yêu cầu cơ quan Nhà nước sẽ trả lời bằng văn bản từ giai đoạn chuẩn bị xét xử. Còn tại phiên tòa, nếu người đại diện cho cơ quan, tổ chức thấy không thể trả lời ngay, họ có thể xin phép có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, việc trả lời bằng văn bản là vi phạm tố tụng bởi Điều 184 BLTTHS - 2003 quy định: “Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục”, luật sư Tuấn nói.

Khoản 1, Điều 26, BLTTHS - 2003 quy định: “Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ” Quy định tương tự tại Khoản 4, Điều 5, BLTTHS – 2015.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.