Vụ xúc nhầm 400 ngôi mộ: Dân nói có, chính quyền bảo không

10 ngôi mộ phát lộ
10 ngôi mộ phát lộ
TP - Bộ Tư lệnh Quân khu (QK) 5 ngày 18/6 tổ chức buổi họp thông báo kết luận giải quyết vụ việc 400 ngôi mộ của người dân, liệt sĩ và nghĩa quân Nguyễn Tri Phương tại thao trường CK55 (Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bị Công ty Tiến Thanh xúc đem đi bán.

Kết luận của QK5 và UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, không có cơ sở để xác định tồn tại 400 ngôi mộ ở khu vực Gò Đồ, khiến nhiều người dân bức xúc phản bác.

“Không có cơ sở”

Kết luận (số 106/TB-BTLQK5 - UBND) của Bộ Tư lệnh QK5 và UBND thành phố Đà Nẵng về vụ việc xảy ra vào tháng 5 vừa rồi là không có cơ sở. Kết luận ghi rõ: Sau thời gian khảo sát thực địa và đối chiếu với bản đồ hiện trạng do Bộ Tư lệnh KQ 5 cung cấp, khẳng định: Việc thông tin mất 400 ngôi mộ là chưa có cơ sở. 

Các hộ dân báo mất mộ, khi xác định vị trí và đối chiếu trên bản đồ thì nằm trong ụ chắn chống nổ chuyền của kho và sân bê tông trước kho nên không có cơ sở để kết luận có mộ hay không. Với kết luận này, xem như tất cả những bức xúc, kiện cáo, thậm chí tất cả những gì báo chí nêu trước đó đều không có cơ sở.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Phạm Văn Hạng - Phó Chủ nhiệm chính trị QK5 (chủ trì cuộc họp hôm qua) cho rằng, đến thời điểm này, phía dân nói có 400 ngôi mộ, nhưng khi QK5 và chính quyền đi thực địa, đối chiếu lên bản đồ thì điểm này nằm dưới sân bê tông. Mà dưới sân thì làm sao có mộ. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi, với những gì người dân trình bày, phải chăng Công ty Tiến Thanh quá vội vàng khi kết luận không san ủi mộ dân, Đại tá Phạm Văn Hạng cho biết, ai cũng nói mình đúng, nên việc bây giờ là ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề, không đổ lỗi trách nhiệm. “Sự việc thì cũng đã xảy ra rồi, bây giờ việc cần kíp nhất là chúng ta đoàn kết lại, cùng nhau giải quyết. Tất nhiên, ở đây không ai trốn tránh trách nhiệm” - Đại tá Hạng khẳng định.

“Chúng tôi mới thăm mộ năm ngoái”

Gần 10 người cao tuổi thuộc các chư phái tộc ở Nghi An (Hòa Phát), đại diện cho hàng trăm người dân làng Nghi An cùng bức xúc phản đối kết luận của QK5 và UBND thành phố. Theo người dân, chắc chắn có hàng trăm ngôi mộ của cha ông, tổ tiên và số khác là liệt sĩ, nghĩa binh của danh tướng Nguyễn Tri Phương tử trận tại đây.

Ông Trịnh Văn Thắng (tổ 14D, Hòa Phát), nói: “Chúng tôi làm giấy phép xin viếng mộ năm 1997, đến 1998 mới được sự đồng ý của QK5. Đến năm 2014 đây, chúng tôi cũng mới xin được vào viếng mồ mả cha ông. Hương khói còn nguyên. Đến tháng 5 vừa rồi, sau khi nghe tin chỗ Gò Đồ bị cày xới, khi vào thì mồ mả biến mất cả rồi. Trước đó, nghe thông tin làm dự án, dân chúng tôi đã làm đơn xin di dời mồ mả, gửi khắp nơi nhưng không cơ quan nào để tâm. Nếu như họ chịu khó tìm hiểu, trước khi làm khảo sát kỹ lưỡng, có mồ mả hay không thì làm gì đến nỗi này”.

Cụ Nguyễn Lự (SN 1928) nói: Mồ mả cha ông chúng tôi tập trung ở nghĩa địa Nghi An, khu vực Gò Đồ, mấy chục năm sống ở đây tôi biết. Bây giờ các vị nói nó nằm dưới sân bê tông. Đó là các vị đo với nhau, sao dân biết được. Anh Nguyễn Lộc, rành rọt kể tên 14 ngôi mộ của ông bà, cha anh nằm ở vị trí nào. 6 ngôi mộ ở phía ngoài còn, 8 ngôi mộ nằm trong khu dự án mất ra sao. Hàng chục ý kiến của người dân khẳng định: Có hàng trăm ngôi mộ của dân đã bị cày xới, múc đổ ra ngoài. “Nếu nói các ngôi mộ dưới sân bê tông, vậy thì ai là người đổ sàn bê tông này? Tại sao khi làm sân bê tông không xác định có mộ để bốc hốt” - anh Nguyễn Lộc nói.

Dân cần đất xây nghĩa trang

Trước hai luồng ý kiến, nhiều người dân cùng bức xúc yêu cầu Công ty Tiến Thanh (đơn vị thi công) và người có trách nhiệm phải tìm lại cho bằng được hài cốt của cha ông, tổ tiên họ bị cày xới. Tuy nhiên, khẳng định của đại diện QK5, chính quyền UBND phường Hòa Phát và ngay một số bậc cao niên cho rằng, điều này là không thể.

Ông Trần Bàn (tổ 14C), cho rằng, nếu có thiện chí, bây giờ QK5 và Công ty Tiến Thanh nên bàn giao lại cho dân một khu đất ngay cạnh đó để làm nghĩa trang, có xây bờ kè chống sạt lở. Sau đó, Công ty Tiến Thanh đổ đất ở dự án nào thì xin về một xe, gọi là tượng trưng. “Có còn hơn không, sau đó lập đàn cầu siêu cho những người đã khuất, bị đào mồ mả hất đi”. Ông Mai Xuân Tuấn cho rằng, chỉ còn phương án trên.

 “Hoàn thổ khu vực nghĩa trang, xây bờ kè. Tôn tạo khu vực âm linh. Tạo điều kiện cho người dân tìm mộ” - ông Tuấn nói. Theo ông Thái Đình Hoàng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng, qua tìm hiểu lịch sử, có thể khẳng định chắc chắn: Có mộ liệt sĩ tại khu vực Gò Đồ. Tuy nhiên, bị san ủi hay không, còn bao nhiêu mộ liệt sĩ thì chưa thể khẳng định được. “Bà con nói đều có cơ sở hết, việc bây giờ là giải quyết vấn đề. Phải tôn tạo miếu âm linh, xây đài tưởng niệm cho những người bị múc hốt đi, phía dưới ghi rõ: Do thiên nhiên, thất lạc, nguyên nhân khách quan chẳng hạn”. Về phần mộ liệt sĩ, sắp tới sẽ tìm hiểu, nếu gặp sẽ di dời theo quy định.

Đại tá Phạm Văn Hạng kết luận: Thống nhất tôn tạo miếu âm linh, xây bờ kè nghĩa trang. Chở một xe đất đã bị múc đi đưa về. Bàn bạc phương án bồi thường cho người dân.

MỚI - NÓNG