Vừa lấn đất, vừa cho thuê công sở!?

Vừa lấn đất, vừa cho thuê công sở!?
TP - Gần 2 năm qua, những người có trách nhiệm của Trung tâm giao dịch bất động sản Hà Nội cho xây dựng hệ thống hàng rào sắt lấn vào đất công, đồng thời cho một số đơn vị khác thuê lại.

Trung tâm giao dịch bất động sản TP Hà Nội được thành phố ưu ái cho sử dụng 542m2 sàn tầng 1 nhà N2D khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính làm trụ sở.

Được biết, trước khi cho Trung tâm giao dịch bất động sản Hà Nội vào sử dụng tầng 1 nhà N2D, thành phố đã phải chi một khoản kinh phí lên tới hơn 2 tỷ đồng để cải tạo sửa chữa văn phòng (mặc dù nhà hoàn toàn mới chưa sử dụng), trong đó có gần 1 tỷ đồng cho gói thầu xây lắp.

Một phần lớn số tiền đó đã được chi vào hàng rào sắt để lấn chiếm đất công. Và hàng rào sắt ngang nhiên lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất khuôn viên sân chơi tầng 1 nhà N2D của Trung tâm GDBDS TP Hà Nội, khiến hàng trăm hộ dân tại đây bức xúc.

Đại diện tổ dân phố, chi bộ, ban mặt trận khu nhà N và các hộ dân đã nhiều lần có ý kiến, trực tiếp gửi đơn tới các cơ quan chức năng (đơn mới nhất ngày 22/11/2007) nhưng sự việc không hề được giải quyết.

Theo ông Phùng Trợ (Bí thư chi bộ khu nhà N), tầng 1 phải được bố trí dịch vụ công cộng, để xe. Nhưng thực tế ngược lại tất cả phần diện tích mặt tiền tầng 1 của tòa nhà đang được cho các đơn vị là Cty cổ phần, Cty tư nhân thuê kinh doanh, không dành một mét vuông nào cho sinh hoạt cộng đồng và dịch vụ công cộng.

Ông Trợ cho biết: Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa qua trả lời chất vấn giữa kỳ HĐND TP tuyên bố “ưu tiên diện tích tầng 1 cho người dân thuê, và làm nơi sinh hoạt cộng đồng”. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng của dân.

Vì vậy, người dân kiến nghị thành phố tiếp tục kiểm tra, thu hồi toàn bộ diện tích tầng 1 sai phạm tại Trung Hòa - Nhân Chính giao cho UBND phường và Ban quản lý nhà chung cư xem xét cho các hộ dân đã bị mất đất khi giải phóng mặt bằng được thuê kinh doanh, phục vụ sinh hoạt chung theo quy định của thành phố.

Vừa qua, theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Tổ công tác liên ngành Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất - Cty Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, phát hiện nhiều đơn vị thuê tầng 1 khu Trung Hòa - Nhân Chính có sai phạm như: Lấn chiếm sử dụng hàng ngàn mét vuông đất lưu không, xây dựng công trình không phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường & Nhà đất đã chỉ đạo kiên quyết việc xử lý sai phạm tại đây. Đến nay, hầu hết các đơn vị này đã tự tháo dỡ công trình sai phạm, trả lại mặt tiền khu nhà.

Thế nhưng thật đáng tiếc, trong khi các đơn vị sai phạm gương mẫu “tự xử”, Trung tâm giao dịch bất động sản Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận, không mảy may đếm xỉa đến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.

Đại diện Trung tâm lấy lý do hàng rào nằm trong dự án cải tạo tầng 1 khu nhà và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để biện minh cho việc công trình sai phạm này không bị tháo dỡ. Vậy ai đã phê duyệt chi tiền ngân sách để Trung tâm này xây dựng hàng rào lấn chiếm đất công?

Thừa diện tích nên cho ngân hàng “ở” nhờ?

Được biết, ngoài việc lấn chiếm đất công, hiện nay không hiểu sao tại trụ sở công của Trung tâm giao dịch bất động sản TP Hà Nội còn có thêm 2 đơn vị khác là các ngân hàng vào đây đặt trụ sở.

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm này trả lời: “Ngân hàng vào có văn bản của anh Đôn (ông Lê Quý Đôn - nguyên Phó Chủ tịch thành phố), có quyết định của Sở để phối hợp với chúng tôi. Thích tôi cho hết, nhưng tôi phải báo cáo lãnh đạo trước.

Trung tâm có chức năng phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, khách hàng kinh doanh bất động sản. Hai ngân hàng này đều là ngân hàng Nhà nước được thành phố chấp thuận cho vào, sử dụng trụ sở của Trung tâm, nếu không hiệu quả chúng tôi mời ra ngay”.

Nói là không thu tiền của các ngân hàng, chỉ cho vào “phối hợp” kinh doanh, nhưng rồi ông Minh thêm: Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên -Môi trường & Nhà đất cho thu tiền theo quy định của Nhà nước để nộp ngân sách. Nhưng hiện họ chưa nộp vì phải chờ văn bản của Sở.

“Tiền điện nước, tiền vệ sinh cả một năm nay của tôi cả. Đây là công sản, Trung tâm chỉ được thành phố giao cho quản lý, sử dụng. Chúng tôi không cho thuê, không thu của nó đồng nào!” - Ông Minh khẳng định.

“Quan điểm của thành phố là: Ưu tiên số 1 trong việc sử dụng tầng 1 là phục vụ mục đích công cộng, làm nơi sinh hoạt chung, trụ sở tuần tra, khai báo tạm trú… để phục vụ chính người dân tại chung cư.

Nếu còn diện tích dôi dư, có thể cho khai thác dịch vụ, nhưng trên nguyên tắc phải có hợp đồng thuê theo giá thành phố quy định, không tuỳ tiện.

Đối tượng được thuê trước hết là ưu tiên nhu cầu trụ sở làm việc của các cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị, vì các cơ quan này cũng đang thiếu trụ sở. Kế đó, các đơn vị, người dân có nhu cầu sẽ được xem xét cho thuê theo quy định.

Toàn bộ mục đích việc cho thuê phải nhằm phục vụ việc duy trì hoạt động, bảo trì nhà chung cư, hạ tầng kỹ thuật chung; chi phí cho hoạt động của lực lượng bảo vệ trông coi, phục vụ nhà chung cư, vì ngân sách không thể bỏ ra lo hết được”- Phó Chủ tịch Khanh cho biết.

Liên quan đến vấn đề của Trung tâm GD BĐS Hà Nội, ông Khanh nói: “Về hàng rào, sẽ căn cứ vào quy hoạch, mốc giới, tính hợp pháp để xử lý. Nếu những quy định của thành phố đã có mà làm sai, thành phố sẽ đề nghị xem xét cụ thể, yêu cầu khôi phục lại nguyên trạng.

Còn việc cho các ngân hàng vào sử dụng, nếu Trung tâm nói thành phố cho phép thì phải có văn bản trình ra. Nếu không trình ra được, có nghĩa là anh nói không đúng. Lúc đó, thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của anh".

MỚI - NÓNG