Vừa thừa, lại vừa thiếu!

Vừa thừa, lại vừa thiếu!
TP - Thời gian gần đây, sau khi CQĐT khởi tố vụ án hoặc bắt được đối tượng, người ta thường được nghe câu nói “sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Nghe nhiều thành quen, ít ai phân tích ý nghĩa của câu nói dường như đã trở thành thành ngữ này.

Đi sâu phân tích, sẽ thấy quan điểm “xử lý nghiêm theo pháp luật” vừa thừa, lại vừa thiếu.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định khi áp dụng hình phạt cho đối tượng vi phạm pháp luật, cơ quan xét xử không chỉ dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm pháp luật, mà còn phải xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của đối tượng (như nhân thân, hoàn cảnh phạm tội, thái độ khai báo, việc khắc phục hậu quả...).

Như vậy, dù có được chỉ đạo phải “xử lý nghiêm”, thẩm phán và các hội thẩm vẫn phải xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện, xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, song vẫn không thể bỏ qua các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, trước khi áp dụng hình phạt.

Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, trong công tác xét xử, thẩm phán chỉ tuân thủ pháp luật. Mọi can thiệp, chỉ đạo, gợi ý... thẩm phán đều không có nghĩa vụ phải chấp hành.

Phân tích như vậy để thấy, việc nhấn mạnh “phải xử lý nghiêm” dường như là... thừa. Đương nhiên, nhấn mạnh phải “xử lý theo pháp luật” lại càng thừa, bởi đơn giản “xử lý theo pháp luật” là phương thức duy nhất được áp dụng trong một Nhà nước pháp quyền.

Trong các vụ án hình sự, ngoài các đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thường có cả những đối tượng liên quan mà hành vi của họ có thể bị xử lý hành chính, hoặc kỷ luật về Đảng. Chính những đối tượng liên quan này mới cần đến sự chỉ đạo “phải xử lý nghiêm”, bởi để xử lý họ, ngoài các quy định pháp luật, còn có quy định của Đảng, nội quy, quy chế của các cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, nếu chỉ nói “phải xử lý nghiêm” mà không chỉ ra chính danh đối tượng liên quan là những ai, cũng như những quy định, nội quy, quy chế nào được áp dụng, thì vẫn “hơi bị thiếu”.

Chẳng hạn, với một cán bộ cấp vụ của bộ vi phạm kỷ luật như say rượu, bỏ bê sinh hoạt Đảng, việc “xử lý nghiêm” trước hết sẽ được thể hiện qua việc nêu chính danh vị cán bộ đã sai phạm; tiếp đến, các văn bản được áp dụng như Nội quy cơ quan Bộ và Điều lệ Đảng, cũng cần được nêu rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.