Vụ ly hôn kỳ quặc giữa bà chủ và người làm thuê: Đi tìm hành tung người làm thuê

Vụ ly hôn kỳ quặc giữa bà chủ và người làm thuê: Đi tìm hành tung người làm thuê
TPCN - Đây có thể nói là vụ xử án xa rời thực tế rất điển hình, theo yêu cầu của bạn đọc, phóng viên Tiền Phong điều tra hành tung của người đàn ông làm thuê Trương Văn Cao.
Vụ ly hôn kỳ quặc giữa bà chủ và người làm thuê: Đi tìm hành tung người làm thuê ảnh 1
Bà Nga trước căn nhà lá của mình

Cha ông Cao nói gì?

Tôi tìm về quê của ông Cao ở ấp Định Hoà An, xã Định Hoà (Ô Môn, Cần Thơ) gặp cha đẻ của ông Cao là cụ Trần Văn Tấn 78 tuổi. Cụ Tấn còn khoẻ mạnh, minh mẫn.

Gia đình cụ là gia đình có công với cách mạng, được xây nhà tình nghĩa. Tiếp tôi trong căn nhà tình nghĩa, cụ nói: “Tôi đã cưới vợ cho thằng Cao hơn 30 năm trước và làm nhà cho vợ chồng nó ở chung trong khu vườn này. Vợ chồng nó đã có 3 đứa con, đều đã lấy vợ lấy chồng ra riêng”.

- Thế cụ có biết ông Cao đòi chia tài sản với một phụ nữ gọi là vợ ở Kiên Giang không?

- Biết chớ. Cái thằng Cao nó đi làm thuê, làm mướn, lang chạ lung tung lắm. Hồi nó lùm xùm vụ ly hôn, chia tài sản với bà Hoàng ở Kiên Giang, tôi đã khuyên can nó đừng làm chuyện trái với đạo lý, nhưng nó đâu có nghe. Tôi giận lắm, không thèm nói chuyện với nó nữa.

- Từ đó, cụ có gặp lại ông Cao không?

- Năm rồi nó lại mò về nhà gặp tôi đòi đi cưới vợ nữa cho nó. Tôi chỉ thẳng mặt nó bảo: Tao chỉ cưới vợ cho mày một lần, vợ mày còn sống đó, chưa ly hôn làm sao đi lấy vợ khác được. Làm gì cũng phải tôn trọng pháp luật, danh dự gia đình, bản thân. Nhưng nó vẫn không nghe lời tôi.

- Vậy người vợ chính thức của ông Cao hiện ở đâu ạ? –Tôi lại hỏi.

- Khi thằng chồng lang chạ lung tung, vợ nó lo cưới vợ gả chồng cho 3 đứa con xong thì cũng bỏ về sống đâu ở thị trấn Giồng Riềng.

Vợ ông Cao nói gì?

Tôi về thị trấn Giồng Riềng nhờ nhiều cơ quan chức năng địa phương giúp đỡ, cuối cùng cũng tìm được vợ của ông Cao. Bà sống tại khu dân cư  Rạch Chanh 1, thị trấn Giồng Riềng tên là Mạc Thị Tuyết Nga. Tuổi bà ngấp nghé ngũ tuần, gương mặt phúc hậu, đượm buồn.

Bà kể: “Tôi là người cùng ấp với ông Cao, lấy ông ấy từ năm 1975. Con trai đầu giờ cũng đã 30 tuổi, có vợ con, 2 đứa con gái cũng đã lấy chồng. Chúng tôi lấy nhau được họ hàng 2 bên tổ chức đám cưới đàng hoàng và có báo cáo với chính quyền.

Sau đám cưới, tôi làm ruộng còn ông Cao đi làm thuê làm mướn gần xa, chủ yếu chạy máy bơm nước, máy cày. Hồi ông đi làm mướn cho bà Hoàng, tôi có ghé nhà bà Hoàng lấy tiền công một lần, sau đó nghe nói ông có quan hệ với bà Hoàng thì tôi không tới nữa.

Khi ông trở về nhà một thời gian và nói sẽ tìm cách kiện bà Hoàng để lấy tiền công và đất đai. Tôi bảo: Ông về với mẹ con tôi là được rồi, bỏ hết những chuyện đó đi, đừng gây thù chuốc oán với người ta. Ông ấy không nghe tôi cứ lao vào kiện tụng tốn kém cũng nhiều lắm”.

Bà Nga về Giồng Riềng từ năm 2003, mượn mấy chục mét vuông đất của người bạn cất căn nhà nhà lá ở và làm nghề bán thịt heo dạo. Hàng ngày từ 5 giờ sáng bà Nga chèo xuồng đi bán thịt heo trên các kinh rạch, tối về đọc kinh niệm phật tại nhà.

Bà kể tiếp: “Cưới gả 3 đứa con, ông Cao chỉ dự có đứa út, nhưng cũng chỉ đến ăn rồi về. Khi làm ngôi nhà lá này ông Cao có về ở chung với tôi được khoảng 1 năm thì bỏ đi biệt tăm cho đến giờ. Bây giờ ông lại ở với  bà khác rồi, không hiểu sao chính quyền làm ngơ cho ông làm bậy hoài?”.

Mong muốn ánh sáng công lý

Hóa ra ông Cao đang sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác ở xã Ngọc Thuận, nơi ông từng lấy được đất của bà Hoàng.

Tôi tìm gặp ông Lê Văn Tùng, Trưởng ban Tư pháp xã Ngọc Thuận để hỏi chuyện về ông Cao.

Ông Tùng nói: “Ông Cao sống cùng bà Bảy Nguyên bán cháo, bún ở chợ Ngọc Thuận này chớ đâu. Trước khi về sống chung, mấy lần họ đến xã xin làm thủ tục đăng ký kết hôn, nhưng không xuất trình được giấy tờ tình trạng độc thân, hay đã ly hôn, nên chúng tôi kiên quyết không chấp nhận.

Tuy nhiên sau đó họ vẫn tổ chức tiệc tùng như đám cưới rồi sống với nhau”. Tôi hỏi chuyện bà con xung quanh thì biết, “tiệc tùng như đám cưới” của ông Cao và bà Bảy Nguyên được tổ chức gần UBND xã và cán bộ địa phương biết nhưng không ai ngăn cản.

Trở lại vụ xử ly hôn giữa ông Cao và bà Hoàng, TAND huyện Giồng Riềng và tỉnh Kiên Giang nhận xét rằng ông Cao và bà Hoàng có “hôn nhân thực tế” là không đúng qui định của pháp luật.

Lướt qua hành tung của ông Cao như trình bày trên, rõ ràng mối quan hệ giữa ông Cao và bà Hoàng nếu có thì chỉ là “quan hệ bất chính”, pháp luật không nên thừa nhận và bảo vệ những mối quan hệ như thế.

Việc tòa phán quyết chia đất của bà Hoàng cho ông Cao thì lại càng không nên. Phải chăng vì được dung dưỡng hành vi sai trái mà hiện nay ông Cao tiếp tục sống với người phụ nữ khác, bất chấp Luật Hôn nhân gia đình?

Chánh án TAND huyện Giồng Riềng giải thích: “Hồi ấy xét xử chỉ xem xét trên hồ sơ và lời khai của ông Cao mà không xem xét thực tế”. Hồi xét xử, đường vào xã Ngọc Thuận quả còn khó đi, phải qua nhiều cầu khỉ, lại đò giang trắc trở.

Bất luận thế nào thì cũng không biện minh được việc xử án oan sai, gây đau khổ cho một gia đình liệt sỹ, gây bất công xã hội. Tôi tìm gặp Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang xin xem hồ sơ vụ án này thì ông bảo: Thời gian đã lâu, hồ sơ đã cất vào kho không xem được.

Dù hồ sơ phủ bụi trong kho thì thực tế cuộc sống vẫn hiển nhiên và bà Hoàng cũng như nhiều người dân địa phương mong muốn vụ án này được tiếp tục xem xét để cởi bỏ oan sai.

MỚI - NÓNG