Ngày thứ 4 xét xử

Vụ Nguyễn Lâm Thái - GĐ Trung tâm thẩm định giá nói gì?

Vụ Nguyễn Lâm Thái - GĐ Trung tâm thẩm định giá nói gì?
TPO - Hôm nay, 14/4 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Nguyễn Lâm Thái cùng đồng phạm” đã bước sang ngày thứ 4. Trong buổi sáng, những bị cáo vốn là quan chức của Bộ Tài chính đã xuất hiện trước vành móng ngựa…

Trước đó, nhóm bị cáo liên quan đến hành vi của tội danh “Lưu hành các loại giấy tờ có giá giả” đã được tòa gọi thẩm vấn.

Bị cáo Lê Thanh Hùng ông chủ của 4 Cty chuyên kinh doanh “sản phẩm” hóa đơn GTGT, gồm: Cty TNHH quảng cáo Xuyên Việt, Cty cổ phần thương mại xây dựng và quảng cáo Tam Thanh, Cty TNHH thương mại và quảng cáo Hà Thành và Cty TNHH in thương mại và quảng cáo KS.

Trước vành móng ngựa, Hùng với vẻ mặt thiểu não khai, trong thời gian từ năm 2002 - 2004, y đã trực tiếp và chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) của mình xuất bán 79 hoá đơn GTGT khống cho hệ thống DN của Nguyễn Lâm Thái, “ăn” phí từ 3-3,5% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn để thu lời bất chính hơn 1 tỷ đồng. Trong các giao dịch này, Hùng được Nguyễn Lâm Thái thanh toán gần 900 triệu đồng.

Lê Thanh Hùng nói: “Hành vi của bị cáo tuy có vi phạm pháp luật nhưng bị cáo không nghĩ là phạm tội lưu hành các giấy tờ có giá giả. Có lẽ bị cáo phạm tội Trốn thuế thì chính xác hơn!”.

Bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Cty TNHH  thương mại kỹ thuật Việt Thông khai, trong năm 2002, Nguyễn Tiến Dũng đã bán 3 hoá đơn GTGT khống cho DN của Nguyễn Lâm Thái, thu 3% trên tổng trị giá và thu lời bất chính hơn 83 triệu đồng.

Để cho các DN này “thoải mái” mua bán hóa đơn như đi mua hàng hóa ở chợ này chính là quan gác cửa Trương Hồng Khoa, nhân viên Chi Cục thuế quận Đống Đa từ năm 1989 (Hà Nội). Khoa cũng là bị cáo vụ án này với hành vi bị truy tố của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ Nguyễn Lâm Thái - GĐ Trung tâm thẩm định giá nói gì? ảnh 1

Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên cán  bộ Trung tâm thẩm định giá  và Nguyễn Văn Thức, nguyên Giám đốc Trung tâm thẩm định giá - Ảnh: Hữu Vinh

Khoa khai, tháng 7/2002 Khoa được lãnh đạo Chi cục thuế Đống đa phân công theo dõi 1/2 số DN đóng tại địa bàn phường Trung Liệt, quận Đống Đa, trong đó nhóm DN của Lê Thanh Hùng.

Trong quá trình kiểm tra địa điểm thực tế hoạt động kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật về việc bán hoá đơn lần đầu cho 4 Cty của Lê Thanh Hùng, Khoa đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và đã xác nhận, đề nghị lãnh đạo duyệt bán hoá đơn lần đầu cho nhóm DN trên, mặc dù hồ sơ nộp cho Chi Cục thuế của các DN này đều có sai phạm.

Lê Thanh Hùng xác nhận, hàng tháng khi làm thủ tục báo cáo thuế hay nhờ vả gì đến quan thuế Khoa, Hùng đều bỏ phong bì từ 500 - 1 triệu đồng. “Không chỉ riêng bị cáo hay DN của bị cáo mà đó là thông lệ, DN nào cũng vậy” - Hùng nói. Nhưng Hùng thừa nhận, khoản tiền chung chi đó không phải là tiền hối lộ mà chỉ là khoản bồi dưỡng…cho cán bộ thuế.

Lời khai của Hùng được xem là hệ quả của quan hệ “bánh ít đi bánh quy lại” đang tồn tại ở khắp nơi trên đất nước đang trong thời mở cửa hội nhập. Vì cón khoản “lại quả” này nên Khoa không màn đến việc xuống tận  nơi DN kiểm tra mà nhờ chính DN đang xin làm thủ tục xác minh cho Khoa, một nhiệm vụ đáng lẽ Khoa phải thực thi. 

Khoa ngụy biện hành vi này như sau: có sai phạm này là do cơ chế, do công việc quá nhiều không thể quản lý, thực hiện hết kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật Khoa cũng làm việc nên mới bỏ qua quy trình xét duyệt bán hóa đơn (!)

Vụ Nguyễn Lâm Thái - GĐ Trung tâm thẩm định giá nói gì? ảnh 2
Phóng viên các báo đang tác nghiệp - Ảnh: Hữu Vinh

“Lỗi là do câu chữ”

Đến lượt “bộ sậu” nhóm bị cáo thuộc Bộ Tài chính hầu tòa. Nguyễn Văn Thức, nguyên Giám đốc Trung tâm thẩm định giá khai, đã không tiến hành ký hợp đồng thẩm định giá đối với các Cty của Nguyễn Lâm Thái mà chỉ thỏa thuận cung cấp thông tin.

Thực tế những bảng báo giá này được phía các Cty của Thái cung cấp bảng báo giá và Trung tâm thẩm định giá đã căn cứ vào đó thực hiện chức năng “xào, nấu” các bảng báo giá này để cung cấp cho Nguyễn Lâm Thái văn bản thẩm định giá có đóng dấu đỏ chót của Trung tâm nhưng một dạng hợp thức hóa “bình mới rượu cũ” ”làm cơ sở để các Bưu điện ký kết các hợp đồng với giá lệch từ 10% - 100%.

Luật sư (LS) Lê Văn Tuấn, bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Tiến (chủ nhân nhóm DN của Nguyễn Lâm Thái), Nguyễn Văn Thịnh (Phó giám đốc Bưu điện Phú Yên) hỏi Thức rằng, bảng báo giá đó là cơ sở giám định để cung cấp thông tin hay là thẩm định giá. “Chỉ là cơ sở cung cấp thông tin”.

“Bẻ” lâp luận này, LS Tuấn nói: “Vậy văn bản thẩm định giá gửi cho Vinaphone, là thẩm định hay cung cấp thông tin?”. Thức “lèo lái”: Cũng là cung cấp thông tin, nhưng do sơ suất về câu chữ khiến nhiều người đọc hiểu nhầm là …thẩm định giá.

Tiếp theo câu hỏi của LS Tuấn, vị cán bộ thuộc quản lý Bộ Tài chính này cho biết, Trung tâm của ông ta có chức năng thẩm định giá không chỉ riêng nhóm Cty của “tập đoàn” CIP của Nguyễn Lâm Thái mà thực hiện những công việc tương tự như vậy cho các DN  khác có nhu cầu trên toàn quốc!

Ông quan Nguyễn Văn Thức cho rằng, việc làm của ông ta là không đúng với Pháp lệnh về thẩm định giá nhưng lại viện dẫn là Trung tâm của bị cáo này không ký hợp đồng thẩm định giữa với các Cty của Nguyễn Lâm Thái mà chỉ thỏa thuận cung cấp thông tin mà điều này pháp lệnh không quy định.

Cho nên hành vi bị cáo này bị cơ quan công tố truy tố ở tội danh “Thiếu trách nhiệm…” là đúng. Nhưng lại thuộc phạm trù…gián tiếp gây thất thoát tài sản của Tập đoàn Bư chính viễn thông (VNPT) chứ không phải trực tiếp như cáo trạng cáo buộc. 

Bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên cán  bộ Trung tâm thẩm định giá cũng cho rằng do không có điều kiện khảo sát thực tế nên đã sử dụng giá do đơn vị yêu cầu thẩm định để trình cho Giám đốc trung tâm ký duyệt cho ra kết qủa thẩm định.

Bị cáo Lan thừa nhận đã có sai sót, bị cơ quan công tố truy tố tội “Thiếu trách nhiệm..” là không oan nhưng mong HĐXX xem xét ở hoàn cảnh phạm tội của bị cáo.

Phiên tòa tạm nghỉ. Chiều này HĐXX thẩm vấn các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Bưu điện các tỉnh.

MỚI - NÓNG