Vườn chè cổ độc nhất vô nhị ở Đà Lạt bị đánh cắp

Vườn chè cổ độc nhất vô nhị ở Đà Lạt bị đánh cắp
TP- Vườn chè cổ Cầu Đất quý giá, độc nhất vô nhị từng được bình chọn là “địa chỉ vàng” trong lễ hội văn hóa chè đầu tiên ở Việt Nam vừa bị đạo chích đào trộm gần 200 cây và kêu bán với giá từ 4- 5 triệu đồng/cây.
Vườn chè cổ độc nhất vô nhị ở Đà Lạt bị đánh cắp ảnh 1
Vườn chè cổ bị đào xới ngổn ngang

Sáng 28/10, tại Vườn chè cổ Cầu Đất (Xuân Trường, Đà Lạt), khi đang thống kê số cây chè bị đào trộm, chúng tôi  phát hiện 2 thanh niên với đầy đủ “đồ nghề” như dao, cuốc, xẻng… đang đến gần các cây chè bị đào dở dang.

Nhác thấy bóng chúng tôi, 2 đối tượng nhanh chân bỏ trốn theo lối mòn từ vườn chè dẫn xuống các khu vườn phía dưới. Giám đốc Cty CP chè Cầu Đất Nguyễn Văn Khanh chỉ đạo bảo vệ đuổi theo nhưng không kịp.

Tại hiện trường, hàng loạt gốc chè bị đốn, chặt, đào, bứng ngổn ngang. Nhiều cây đã bị đào trộm và mang đi, chỉ còn trơ lại các hố đất rộng tới vài mét, sâu hơn 2m. Không ít cây đã bị khoét quanh bầu đất hoặc đào trốc gốc và bọc lại bằng bao tải, chờ thời cơ thuận lợi là bốc lên xe tẩu tán.

Nhìn vườn chè cổ bị đào xới nham nhở và vô số cành chè khô vương vãi trên đồi, Giám đốc Khanh bức xúc: Mấy tuần trước bọn chúng thường lén lút đào trộm vào những lúc mưa gió hoặc đêm khuya, giờ ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày.

“Mức độ đào trộm tăng nhanh trong khi lực lượng bảo vệ của chúng tôi quá mỏng nên canh giữ không xuể, nhất là khi số người đào trộm chủ yếu là dân địa phương” - Anh Phạm Đình Linh, người phụ trách quản lý vườn chè nói.

Sắm vai người đi “săn” cây cảnh, chúng tôi tiếp cận một số địa điểm đang bán hoặc trưng bày các chậu cây cảnh và bon sai chè cổ. Trong khi chúng tôi đang chụp ảnh 3 chậu chè cổ với dáng thế rất đẹp tại khách sạn bề thế của Ngân hàng NN&PTNT Lâm Đồng (46 Hùng Vương, Đà Lạt) thì một người đàn ông đến gần, cho biết số cây cảnh này là của mình, gạ bán với giá 5 triệu đồng một chậu và chỉ sang phía bên kia đường với hàm ý còn có những chậu khác để lựa chọn.

Ông ta giới thiệu tên là Việt và cho chúng tôi số điện thoại để tiện liên hệ. Gạn hỏi mãi, người đàn ông tiết lộ các cây chè cổ này là của hiếm; người ta đã lẻn vào vườn chè Cầu Đất chọn lựa, thuê người đào, bốc vác lên xe để chở về.

“Nhân lúc công ty đang thay giám đốc nên tranh thủ “múc” được vài cây, còn bây giờ rờ vô là bị bắt nhốt liền vì loại chè cổ này là tài nguyên quốc gia” - ông ta tiết lộ đồng thời quảng cáo cho các chậu cây cảnh của mình.

Vườn chè cổ độc nhất vô nhị ở Đà Lạt bị đánh cắp ảnh 2
Cây chè cổ được trưng bày tại khách sạn

Người phụ trách kinh doanh của khách sạn cũng nói rằng trong số những chậu trà cổ đang trưng bày, có chậu khách sạn đã mua, còn một số chậu do người ở phía bên kia đường gửi để bán.

Không chỉ chúng tôi mà nhiều khách qua đường cũng mải mê ngắm các gốc chè “độc”, quý hiếm in dấu thời gian gần một thế kỷ này: Trong khi những cây chè bình thường có đường kính gốc chỉ vài centimet thì đường kính của các gốc chè cổ lên tới 30- 40cm; đường kính vòm lá từ 2 - 3m.

Thân và cành nhánh già cỗi, gân guốc nhưng lá lại non tơ, xanh mướt tạo nên sự tương phản lạ kỳ. Nhiều loài rêu, địa y, lan rừng kính sinh trên thân, cành, nhánh càng làm tăng vẻ cổ kính, rêu phong và độc đáo của cây cảnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Phước Ta - Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, từng có một số địa phương và cá nhân xin vài cây chè cổ về làm cây cảnh nhưng ông không đồng ý bởi cần phải bảo tồn nguyên vẹn vườn chè cổ - tài sản văn hóa tinh thần vô giá.

Tuy nhiên, việc quản lý bảo vệ vườn chè lại chưa được chú trọng đúng mức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và công ty. Chính quyền sẽ rút kinh nghiệm và lập tức chỉ đạo công an tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Bước đầu xác định một số đối tượng đầu nậu, buôn bán cây cảnh đã thuê người dân địa phương đào trộm và vận chuyển lên xe với tiền công khoảng 300 ngàn đồng/cây, sau đó bán lại với giá hàng triệu đồng. 

Một dự án phát triển du lịch văn hóa, sinh thái trong vườn chè cổ hơn 80 tuổi đang được xây dựng để du khách có thể tìm hiểu “nguồn cội chè” của miền đất phương Nam: Ngắm những đồi chè hình bát úp xanh ngắt ẩn hiện trong sương mù; tham quan từng gốc chè cổ và những cỗ máy chế biến chè cổ xưa nhất Đông Dương; thưởng thức hương vị chè xưa giữa khí trời trong lành thoang thoảng hương hoa chè… Dự án ấy chắc hẳn sẽ chết yểu nếu không giữ được vườn chè cổ. 
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.