Xe kinh doanh phải lắp biển vàng: Lắm ưu tư, nhiều lo ngại

Từ 1/8, xe kinh doanh phải đổi biển trắng sang vàng theo quy định tại Thông tư 58 – Bộ Công an
Từ 1/8, xe kinh doanh phải đổi biển trắng sang vàng theo quy định tại Thông tư 58 – Bộ Công an
TP - Trước quy định xe kinh doanh phải đổi biển trắng sang vàng theo Thông tư 58 - Bộ Công an, nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ thêm thủ tục hành chính, có thể gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.   

Có hiệu lực từ 1/8

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư (TT) 58/2020-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông đường bộ theo đề nghị của Cục trưởng CSGT. Theo đó, tại Điểm đ, Khoản 6, Điều 25 Thông tư 58, biển số cấp cho xe kinh doanh vận tải có nền vàng, chữ và số màu đen. Sê-ri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z. Về chất liệu của biển số, Khoản 1, Điều 25 quy định, biển số được sản xuất bằng kim loại, có màng phản quang, in chìm công an hiệu do đơn vị được Bộ Công an cấp phép sản xuất và do Cục CSGT quản lý.

Thông tư 58 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8, thay thế Thông tư 15/2014 và Thông tư 64/2017 sửa đổi bổ sung quy định về đăng ký xe. Đối với xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày có hiệu lực, thực hiện đổi sang biển số nền vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021. Theo thống kê của Cục CSGT - Bộ Công an, hiện có khoảng 1,7 triệu ô tô kinh doanh vận tải, bao gồm: xe tải, xe khách, taxi.

Sau khi Thông tư này được ban hành, nhiều doanh nghiệp, tài xế và chuyên gia giao thông bày tỏ ý kiến của mình.

Xe kinh doanh phải lắp biển vàng: Lắm ưu tư, nhiều lo ngại ảnh 1 Nhiều doanh nghiệp vận tải, tài xế lo ngại phiền hà khi cấp đổi biển trắng sang vàng.
 Ảnh: Nguyễn Hoàn

Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc đổi biển trắng sang màu vàng sẽ tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải vì gây tốn kém chi phí và thời gian. Bởi các doanh nghiệp vận tải khi đăng ký kinh doanh đã phải đáp ứng nhiều điều kiện khác giờ thêm việc đổi màu biển số cũng như một dạng "giấy phép con", ‘‘một dạng thủ tục hành chính”. Ông Liên cũng đặt vấn đề cấp đổi biển trắng sang vàng có thực sự cần thiết trong thời buổi áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý. Ông cũng thắc mắc vì sao lại tìm cách quản lý phương tiện bằng màu sắc biển số?

Tài xế lo ngại

Anh Xuân Trung (ở Hà Nội), làm nghề lái xe cho biết, xe anh đăng ký đăng kiểm đầy đủ, đã lắp định vị, dán phù hiệu kinh doanh phía trước xe tải. Theo nam tài xế, quá trình hoạt động vận tải, cảnh sát đã áp dụng những quy định cụ thể với từng hành vi vi phạm, đặc biệt bằng mắt thường lực lượng chức năng có thể kiểm tra phù hiệu kinh doanh vận tải được dán trước xe rất rõ ràng. Nhiều năm nay, camera phạt nguội, cảnh sát tuần tra ghi hình tài xế vi phạm hay mới đây, việc áp dụng nộp phạt tại nhà cũng không liên quan gì tới màu của biển số.

‘‘Tôi cho rằng việc đổi màu biển số là không cần thiết,có thể gây phiền hà tới người dân và doanh nghiệp. Ít nhất, người dân phải mất thời gian và một khoản chi phí để làm thủ tục cấp biển số mới. Trong khi đó, biển kiểm soát màu trắng hay màu vàng không ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra xử lý vi phạm hay việc quản lý phương tiện", anh Trung nói.

Ngoài công việc chính, anh Thanh Tùng (ở Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên tranh thủ lái taxi công nghệ vào buổi tối và cuối tuần. Theo anh Tùng, nếu chỉ hoạt động vận tải khách ngắn hạn thì việc đổi biển số rất phiền phức và mất thời gian. Khi cần tiền bán xe, người mua phương tiện không kinh doanh vận tải thì quá trình giao dịch lại thêm những thủ tục không cần thiết.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Bằng - Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách tại Hà Nội bày tỏ, ông không phản đối việc lắp biển vàng cho xe kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Bằng cơ quan chức năng cần có lộ trình hợp lý. Ví dụ xe đăng ký mới kể từ ngày 1/8 có thể áp dụng ngay lắp biển vàng. Còn xe đang hoạt động kinh doanh có thể kéo dài thời hạn hoặc vô thời hạn trong việc cấp đổi biển vàng. Bởi hầu hết hồ sơ, đăng ký xe phương tiện của doanh nghiệp đều được cầm cố để vay vốn ngân hàng trong nhiều năm. Do đó, từ nay đến hết năm 2021, doanh nghiệp không thể rút hồ sơ thực hiện cấp đổi biển trắng sang vàng.

“Biển màu trắng hay vàng không liên quan gì việc giám sát, quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Khi áp dụng cấp đổi biển số, cá nhân người dân ảnh hưởng một phần nhưng doanh nghiệp sẽ gặp nhiều phiền phức. Để cấp biển vàng mới, mỗi doanh nghiệp sẽ phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính kéo theo như: rút hồ sơ, đăng ký phương tiện (nếu cầm cố tại ngân hàng); thay đổi phù hiệu, tem kiểm định chất lượng... Mỗi doanh nghiệp vận tải có vài chục, thậm chí vài trăm phương tiện khi cấp đổi biển số sẽ phải thực hiện hàng loạt thủ tục hành chính khác. Như vậy, chi phí và các thủ tục kéo theo là rất lớn, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Bằng nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Bằng – Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách tại Hà Nội cho biết, ông không phản đối việc lắp biển vàng cho xe kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Bằng cơ quan chức năng cần có lộ trình hợp lý.

MỚI - NÓNG