“Xé lẻ” tội để xử nương tay cho “bà ấm”

“Xé lẻ” tội để xử nương tay cho “bà ấm”
TP - Mang họ Niê Kđăm, bố dân tộc Ê đê, mẹ người Kinh, bị cáo Tuyết Lan sinh năm 1958 tại Hà Nội, thuộc loại “bà ấm”, con gái của một đại gia đình quyền lực “cỡ bự” tại Đăk Lăk...

Trong hai ngày liên tiếp, bị cáo Tuyết Lan Niê Kđăm đứng trong vành móng ngựa của 2 vụ án: Ngày 3/3/2008,  bị cáo có mặt tại phiên toà phúc thẩm do TAND tỉnh Đăk Lăk xử Tuyết Lan lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 nạn nhân Vinh- Khuê - Phúc; ngày 4/3/2008, cũng bị cáo Lan được đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm của TAND thành phố Buôn Ma Thuột, cũng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 nạn nhân là Sĩ - Phong - Quân.

Mang họ Niê Kđăm, bố dân tộc Ê đê, mẹ người Kinh, bị cáo Tuyết Lan sinh năm 1958 tại Hà Nội, thuộc loại “bà ấm”, con gái của một đại gia đình quyền lực “cỡ bự” tại Đăk Lăk, bản thân cũng là trí thức, từng giữ các chức vụ khá quan trọng như cán bộ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, cán bộ tham mưu Quân khu 7, cán bộ Ủy ban Dân tộc Trung ương, cán bộ Vụ chính sách Ủy ban Dân tộc và Miền núi v.v… cho đến khi bị kỷ luật buộc thôi việc vào tháng 4/2005.

Thân thế đặc biệt của người đàn bà này khiến người dân TP Buôn Ma Thuột không ngớt xôn xao bàn tán về việc liệu luật pháp có nghiêm minh đối với “bà ấm” này hay không. 

Nạn nhân đầu tiên Lan lôi kéo vào các vụ lừa đảo này là anh Vinh, một sĩ quan quân đội, cũng chính là một người bạn cũ của Lan. Tháng 9/2006, lâu ngày gặp lại, Lan nói dối mình đang công tác tại Văn phòng 3 Chính phủ, thân quen nhiều VIP đủ các cấp ngành, có thể giúp anh Vinh làm “bìa đỏ” căn nhà ở đường Lý Tự Trọng và mua giùm với giá hời nhiều lô đất đẹp ở đường Nguyễn Đình Chiểu.

Cả tin về gia thế của Lan, hơn nữa cứ chốc chốc lại thấy Lan điện thoại cho VIP này VIP nọ đầy vẻ bỗ bã thân tình, anh Vinh về rủ thêm 2 em trai là Khuê (em ruột), Phúc (em rể) cùng gom tiền đưa cho Lan nhờ làm bìa đỏ và mua đất.

Sang tháng 1/2007, sau nhiều lần gặp với tổng số tiền giao cho Lan lên tới 436 triệu đồng mà hiệu quả chẳng thấy đâu, 3 anh sinh nghi tự tìm hiểu mới vỡ lẽ Lan chẳng phải cán bộ Chính phủ, cũng không tiến hành mua bán giao dịch gì sất.

Gọi điện thoại liên tục, thị không trả lời, phải nhắn tin cần gặp để đưa nốt số tiền còn lại, Lan mới mắc bẫy. Ghi âm toàn bộ cuộc trao đổi với Lan, 3 anh em Vinh- Khuê-Phúc tố cáo sự việc với cơ quan điều tra. Tại biên bản hỏi cung Lan khai nhận thị đã vứt mất giấy tờ nhà đất của anh Vinh, còn toàn bộ 436 triệu đồng nhận từ 3 anh em thị đã mua vé số và tiêu xài hết.

Đã bị khởi tố song nhờ được gia đình bảo lãnh cho tại ngoại, Lan tiếp tục tự do đi lừa nhiều người khác với thủ đoạn còn liều lĩnh hơn trước. Tự xưng là “đại tá Cục An ninh Tây Nguyên, cán bộ Văn phòng Chính phủ”, có khả năng móc nối đưa người vào học tại trường Văn hóa III Bộ Công an với giá từ 30 triệu đến 70 triệu đồng/ suất, Lan đã lừa trót lọt nhiều cha mẹ học sinh và cả sinh viên.

Cho tới tháng 8/2007, khi các nạn nhân đến trình báo nhà chức trách, trong tay Lan đã có 6 bộ hồ sơ cá nhân và 1 phiếu dự thi đại học của 7 “ứng viên mua suất” vào trường Văn hoá III.

Do 4/7 bị hại chưa liên lạc được nên cơ quan điều tra quyết định tách 4 hồ sơ này ra để xử lý sau, chỉ khởi tố Lan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 124 triệu đồng của 3 nạn nhân Sĩ-Phong-Quân.

Như vậy, các vụ lừa đảo do Lan thực hiện diễn ra liên tiếp từ tháng 8 /2006 đến tháng 9/2007, với tổng số tiền Lan chiếm đoạt bị phát hiện lên tới 560 triệu đồng, với tính chất phạm pháp theo lập luận của tòa án là “rất nghiêm trọng”. 

Quy định của Bộ luật Hình sự tại điều 139, điểm a khoản 4 đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên có khung hình phạt tù từ 12 năm trở lên đến chung thân hoặc tử hình.

Trong vòng chưa đầy 2 tháng, Viện KSND TP Buôn Ma Thuột đã ban hành 2 bản cáo trạng truy tố bị cáo Tuyết Lan Niê Kđăm, một về chiếm đoạt tài sản người khác có giá trị dưới 500 triệu đồng, khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù; Và một về chiếm đoạt tài sản người khác có giá trị dưới 200 triệu đồng, khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Việc truy tố theo kiểu “xé lẻ” án trong trường hợp này đã trái với Pháp lệnh điều tra hình sự, trái với điều 95 Bộ luật Tố tụng Hình sự về việc nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra, vì đơn thư tố cáo kèm bằng chứng rõ ràng của nhiều nạn nhân gửi đến cơ quan chức năng về việc cùng bị một người lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.

Đã vậy, đến khi xét xử dù bị cáo không cam kết sẽ bồi hoàn những khoản nợ còn lại bằng cách nào, tòa cũng không làm rõ được khả năng trả nợ này nhưng tòa vẫn tuyên mức án quá nhẹ so với quy định của pháp luật, tổng cộng Lan chỉ phải nhận mức án 3 năm 9 tháng tù giam.

Mới đây, ngày 3/4/2008, anh Nguyễn Xuân Phúc, một trong những nạn nhân của “bà ấm Lan” đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đặt câu hỏi: Vì sao Viện và Tòa xé lẻ án lộ liễu như vậy? Vì sao quan tòa không yêu cầu bị cáo cam kết trả nợ cho các bị hại, trước khi tuyên án quá nương tay?

Với vụ án “bà ấm lừa đảo” này, công chúng cho rằng việc thực thi luật pháp không nghiêm, còn nhiều nạn nhân lo lắng về việc sau thời gian ngắn thụ án, liệu Tuyết Lan Niê Kđăm có thật ăn năn để khỏi quay về con đường lừa đảo đã quen chân?  

MỚI - NÓNG