Xét xử đại án OceanBank: Hà Văn Thắm và câu chuyện 'sông có khúc'

Các bị cáo Hà Văn Thắm (bìa trái), Phạm Công Danh trả lời HĐXX.
Các bị cáo Hà Văn Thắm (bìa trái), Phạm Công Danh trả lời HĐXX.
TP - Làm nghiên cứu sinh và trở thành tiến sĩ ở nước ngoài rồi về nước, Hà Văn Thắm từng 2 năm liền giữ vị trí là người giàu thứ 8 trên thị trường chứng khoán với khối tài sản “nghìn tỷ” nhưng chỉ 1 năm sau đã nếm trải “hơi lạnh” của còng số 8.

Có thể thu hồi tiền?

Ngày 29/8, TAND TP Hà Nội tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Trước tiên, tòa làm rõ việc OceanBank cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch ngân hàng Xây Dựng) vay 500 tỷ đồng vào năm 2012 qua Cty Trung Dung của Danh. Tài sản thế chấp khoản vay gồm nhà đất của Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Đại Tín tại ngân hàng Xây Dựng) và Cty Trung Dung. Việc này nhằm giúp ông Danh mua lại ngân hàng Đại Tín của bà Phấn từ Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank nhưng đã gây thiệt hại cho OceanBank 343 tỷ đồng. Đại Tín sau đó được ông Danh đổi tên thành ngân hàng Xây Dựng.

Hà Văn Thắm thừa nhận mình có vi phạm khi biết tài sản thế chấp “rất yếu” nếu đảm bảo khoản vay 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo này mong tòa xem xét bởi đã yêu cầu phong tỏa tiền cho vay tại ngân hàng Đại Tín nhưng bà “Sáu Phấn” không thực hiện. Phần mình, bị cáo Danh phủ nhận trách nhiệm trong thương vụ 500 tỷ đồng  vì cho rằng mình chỉ ký hợp đồng vay qua Cty Trung Dung còn tài sản thế chấp là của bà Phấn, tiền cho vay là của ông Thắm, “việc đàm phán - thực hiện vay nợ bị cáo không tham gia”, ông Danh nói.

Tương tự, Trần Văn Bình - nguyên TGĐ Cty Trung Dung khai không hề biết mình đã ký vào hợp đồng vay 500 tỷ đồng. Ông Bình khai nhận là lái xe cho tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh, được cấp trên bảo ký vào giấy tờ thì ký và không hề biết mình là TGĐ Cty Trung Dung. Tuy nhiên, ông Danh phủ nhận lời khai này, nói: “Anh Bình là lái xe nên sợ tội, khai không đúng. Khi tập đoàn ra thông báo hỏi ai là muốn đứng tên Cty mới thì anh Bình xung phong chứ không ai ép buộc hoặc dọa đuổi việc nếu anh ấy không nhận”.

Đặc biêt, các bị cáo Thắm và Danh đều đề nghị tòa tìm hiểu số tiền 500 tỷ đồng đang ở đâu để thu hồi. Hai người cho rằng số tiền này đã dùng để tất toán 5 hợp đồng của nhóm Phú Mỹ (do bà Phấn đại diện) vay tiền ở ngân hàng Đại Tín vì vậy có thể lấy lại được. Tiếp đến, tòa công bố một số lời khai của bà Hứa Thị Phấn thể hiện năm 2010, ông Thắm gặp bà để mua lại ngân hàng Đại Tín, hứa cho người sang giúp ngân hàng tái cơ cấu, trở lại hoạt động bình thường. Sau đó, ông Thắm không thực hiện mà chuyển lại ngân hàng cho ông Danh.

“Sông có khúc”

Bị cáo Phạm Công Danh (SN 1965) khai trước tòa đang mắc bệnh, sức khỏe yếu. Có lúc đang trả lời, ông Danh nghẹn lời, xin tòa: “Cho bị cáo dừng uống nước, bị cáo mệt quá”. Thấy vậy, Hà Văn Thắm ở phía sau lập tức đưa cho “đối tác một thời” chai nước lọc, kèm nụ cười tươi.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ông Thắm (SN 1972, ở Lạng Giang, Bắc Giang) từng tốt nghiệp Thạc sĩ thương mại, Tiến sĩ kinh doanh tại Mỹ. Từ những năm 90, Hà Văn Thắm đã tự tay gây dựng những Cty tư nhân của mình đồng thời bước chân vào lĩnh vực tài chính khi gia nhập Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Ông Thắm sau đó giữ chức Chủ tịch HĐQT Hải Hưng và đổi tên đơn vị này thành Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

Ngoài ra, Hà Văn Thắm còn giữ nhiều chức vụ khác gồm Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đại Dương và nắm giữ khối tài sản lớn. Năm 2012, ông Thắm là người giàu thứ 8 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá hơn 1.364 tỷ đồng. Năm 2013, bị cáo này vẫn giữ nguyên vị trí thứ 8 với khối tài sản tăng lên 1.437 tỷ đồng nhưng tháng 10/2014, ông Thắm cúi đầu nghe lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Về gia cảnh, ông Thắm có 3 con, lớn nhất năm nay 13 tuổi. Gia đình ông cũng đối mặt với dư luận không tốt khi có người thân dính dáng đến “đại án”. Một nhân viên OceanBank cho biết: “Sông có khúc, người có lúc mà. Mọi người rất thương anh Thắm… Ở quê anh (Thắm - PV), người dân nghe tham ô là xấu nhưng biết đâu anh ấy nắm nhiều cổ phần nhất, mất tiền của ngân hàng cũng là mất tiền của cả anh ấy”.

Quá trình làm việc, Hà Văn Thắm tuyển dụng Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983) làm thư ký khi nữ bị cáo này tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Hồng Tứ với nghệ danh Quỳnh Tứ từng tham gia đóng nhiều phim như: Sau lũy tre làng Hạ; Nắng trong mắt bão; Ban mai xanh; 2 phim trong seris Cảnh sát hình sự… Bị cáo này làm thư ký cho Thắm một thời gian và năm 2008 được phân công làm Chủ tịch HĐQT Cty BSC. Đây là Cty sân sau do Hà Văn Thắm lập ra để thu phí dịch vụ sai quy định từ khách hàng của OceanBank, chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng. Vì vậy, nữ diễn viên cùng bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Năm 2012, ông Thắm là người giàu thứ 8 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá hơn 1.364 tỷ đồng. Năm 2013, bị cáo này vẫn giữ nguyên vị trí thứ 8 với khối tài sản tăng lên 1.437 tỷ đồng nhưng tháng 10/2014, ông Thắm cúi đầu nghe lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam.

MỚI - NÓNG