Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Luật sư nêu quan điểm

Luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo. Ảnh: An Đăng.
Luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo. Ảnh: An Đăng.
TP - Hôm qua (12/1), tại phiên tòa xét xử các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm, các luật sư đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ để bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Phùng Đình Thực và các bị cáo khác...

Trách nhiệm thuộc PV Power?

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đại diện VKSND xác định đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng  EPC số 33 để xây dựng Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Cũng theo cáo buộc, Trịnh Xuân Thanh cũng đề ra chủ trương lập khống hợp đồng để rút 13 tỷ đồng tại Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.

Nêu quan điểm bào chữa, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, vấn đề trách nhiệm đối với Hợp đồng 33 thuộc Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, chủ đầu tư ban đầu), không phải của PVN.  “Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp quản PVC thời điểm có hơn 500 tỷ đồng, sau đó, trong thời gian ngắn đến 2010 đã tăng lên và năm 2011 khi thực hiện đề án tái cơ cấu thì PVN đã thu về 2.000 tỷ đồng…, nên cho rằng PVC tại thời điểm đó không có năng lực là khiên cưỡng” - luật sư Quynh nói.

Cũng theo ông Quynh, cáo buộc bị cáo Thanh “quanh co, chối tội” là thiếu chính xác, không phù hợp với các quy định có lợi cho người phạm tội. “Trong quá trình điều tra theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự mới, đều có băng ghi âm, ghi hình. Bản luận tội hôm qua vẫn quy kết bị cáo Thanh không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội là không phù hợp với quy định tại Điều 73, Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về suy đoán vô tội” – ông Quynh nói.

Nguyên Tổng giám đốc PVN không cố ý làm trái?

Bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên TGĐ PVN (bị đại diện VKSND đề nghị phạt 12 - 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”), luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng có những chứng cứ gỡ tội cho ông Thực bị nhìn nhận thành chứng cứ buộc tội.

Cụ thể, ông Thực biết PVC không đảm bảo năng lực nên ký quyết định xây dựng phương án liên danh tổng thầu vào 10/9/2010. Phương án này từng được bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN phê duyệt. “Trong hồ sơ không có tài liệu nào chứng minh ông Thực thay đổi quan điểm, phương án liên danh tổng thầu thành PVC làm tổng thầu… Phía công tố đang nhìn nhận, đánh giá theo kiểu biến chứng cứ gỡ tội thành chứng cứ buộc tội” – luật sư Tuấn phân tích.

Luật sư Tuấn nêu, trước ngày 16/6/2011, ông Thực không biết hợp đồng EPC số 33 không có giá trị pháp lý, đồng thời khẳng định ông Thực không “cố ý làm trái” khi ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh ký hợp đồng số 4194 (tiếp nối hợp đồng EPC số 33).  “Trên thực tế, ông Khánh đã ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 mà không báo cáo lại với ông Thực về rủi ro pháp lý của hợp đồng số 33” – ông Tuấn khẳng định.

Đáng chú ý, luật sư Tuấn cho biết nhiều văn bản có nội dung nếu chuyển đổi công nghệ tại dự án Thái Bình 2 thì dự án đầu tư, hiệu chỉnh thiết kế tháng 6/2011 mới xong nhưng tất cả các văn bản này không được chuyển tới tay ông Phùng Đình Thực… “Chúng tôi đã thu thập những tài liệu, giao nộp HĐXX và đề nghị mời ông Hồ Công Kỳ – nguyên Chánh văn phòng PVN đến khai báo trực tiếp tại tòa nhưng rất tiếc việc này chưa được thực hiện” – luật sư Đinh Anh Tuấn nói.

Từ đó, luật sư Tuấn đề nghị HĐXX tuyên bố không đủ căn cứ để kết luận bị cáo Phùng Đình Thực phạm tội; kiến nghị kiểm sát viên tranh luận đến cùng với những luận cứ của ông. Ông Tuấn nói: “Những quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được áp dụng tại tòa như kiểm sát viên ngồi ngang hàng với luật sư… chỉ là hình thức. Sự thay đổi thật sự có hay không phải chờ ở phần
tranh luận”.

Cặp vợ chồng vướng lao lý vì “giúp” Trịnh Xuân Thanh

Luật sư Lê Trung Sơn bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh và vợ là Lê Thị Anh Hoa - nguyên GĐ Cty TNHH MTV Quỳnh Hoa phân tích, Cty Quỳnh Hoa là đơn vị cung cấp cát đá cho PVC, bị nợ khoảng 3 - 4 tỷ đồng nên ông Quỳnh tìm đến và được Lương Văn Hòa – nguyên Trưởng Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch giúp đòi nợ. Vì vậy, khi ông Hòa nhờ lập hồ sơ khống, ông Quỳnh đã đồng ý và chỉ giữ lại 15% trên tổng số tiền của hợp đồng khống để nộp thuế.

Theo cáo trạng, vợ chồng ông Quỳnh sử dụng pháp nhân của Cty Quỳnh Hoa giúp Trịnh Xuân Thanh và cấp dưới hợp thức 4 hồ sơ khống, rút 13 tỷ đồng của Nhà nước. Trong đó, ông Quỳnh và vợ chiếm hưởng hơn 1 tỷ đồng.  Đại diện VKSND đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Thành Quỳnh từ 8 – 9 năm tù; bà Hoa từ 30 – 36 tháng tù treo cùng về tội “Tham ô tài sản”.

“Thực tế Công ty Quỳnh Hoa đã nộp 10% thuế GTGT, được miễn 5% thuế thu nhập cho thấy bị cáo Quỳnh không có định chiếm đoạt tiền, ông Quỳnh cũng thành khẩn khai báo, bán nhà để khắc phục hậu quả…” – luật sư Sơn nói. Vị luật sư này cho biết thêm, bà Hoa đang bị ung thư tuyến giáp, giai đoạn 3, 2 con còn nhỏ dại… “Tôi mạnh dạn đề nghị HĐXX vì lý do nhân đạo cho bị cáo Quỳnh được hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc vợ con. Với bị cáo Hoa, đề nghị tòa áp dụng hình phạt theo đại diện VKS đề nghị”.

Luật sư Nguyễn Quốc Hùng - bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô tài sản cho rằng cần đánh giá lại việc ông Thanh tham ô 4 tỷ đồng tiêu Tết : “Trước đó, 2 lái xe (của Nguyễn Anh Minh và Trịnh Xuân Thanh) đều khai không nhớ gì nhưng đầu tháng 12/2017 bỗng nhiên nhớ lại rất chi tiết về ngày 13/1/2012 (ngày rút tiền – PV).  Bằng chứng đã chứng minh ngày đó ông Thanh đi công tác tại TPHCM và thời gian ông Thanh nhận tiền như lời khai của các nhân chứng là thời gian ông Thanh đang trên đường ra sân bay. Đây chính là chứng cứ ngoại phạm của bị cáo Thanh. Tại sao cơ quan điều tra không truy xuất các cuộc gọi của các lái xe với nhau và giữa lái xe và bị cáo Thanh?”

 

“Những quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được áp dụng tại tòa như kiểm sát viên ngồi ngang hàng với luật sư… chỉ là hình thức. Sự thay đổi thật sự có hay không phải chờ ở phần tranh luận”.

            Luật sư Đinh Anh Tuấn

MỚI - NÓNG