Xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng: Nguyên Tổng giám đốc PVN kêu oan

TPO - Ngày 8/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).  

Tại tòa, bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên TGĐ PVN cho biết ông kháng cáo kêu oan về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo án sơ thẩm, dù biết PVC không đủ năng lực nhưng các bị cáo mà đứng đầu là ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch PVN vẫn chỉ định PVC làm tổng thầu Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

PVC đã ký hợp đồng EPC số 33 xây dựng Thái Bình 2 với chủ đầu tư ban đầu là Tổng Cty CP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower). Do PVPower không đủ năng lực nên các bị cáo chuyển chủ đầu tư về PVN, vẫn tiếp tục cho PVC xây dựng dự án.

Tiếp đến, PVN đã cho PVC ứng hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện Thái Bình 2. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch PVC và các cấp dưới tại PVC đã chi số tiền này sai mục đích, gây thiệt hại 119 tỷ đồng.

Xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng: Nguyên Tổng giám đốc PVN kêu oan ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 7/5. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)..

Tòa sơ thẩm xác định ông Phùng Đình Thực biết hợp đồng EPC số 33 có thiếu sót về mặt pháp lý, biết việc PVN cho PVC ứng tiền sai quy định. Vì vậy, TAND TP Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù với bị cáo này.  

Tại tòa phúc thẩm, ông Phùng Đình Thực kêu oan, khẳng định hành vi của mình trong vụ án rất hạn chế do quy chế phân công, đặc thù của PVN. “Tòa sơ thẩm đánh giá bị cáo - TGĐ của PVN như là TGĐ của dự án Thái Bình 2, kết án bị cáo rất nặng 9 năm tù. Tòa không xem xét đúng đặc thù của PVN, là một tập đoàn lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, có trên 200 Cty lớn nhỏ tại 10 quốc gia khác nhau” – ông Thực nói.

Xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng: Nguyên Tổng giám đốc PVN kêu oan ảnh 2

Các bị cáo tại tòa.

Cũng theo bị cáo Thực, TGĐ của PVN không chỉ đạo 1 dự án Thái Bình 2 mà điều hành chung hàng chục dự án khác. Nguyên TGĐ tập đoàn khẳng định: “Tại Thái Bình 2, bị cáo đã phân công cho 3 Phó TGĐ phụ trách gồm anh Nguyễn Quốc Khánh phục trách kỹ thuật điện, Nguyễn Xuân Sơn phụ trách tài chính và Phó TGĐ Hà phục trách cơ sở hạ tầng. Phó TGĐ Nguyễn Quốc Khánh chủ trì. Tập đoàn lớn nên phân công, phân quyền rất rộng… Nếu việc xảy ra bình thường thì không phải báo cáo TGĐ, chỉ báo cáo khi bất thường còn không thì chủ động hoàn toàn… Tòa sơ thẩm chưa tính đến việc này”.

Ngoài ra, bị cáo Phùng Đình Thực khẳng định không có vai trò trong việc PVN tạm ứng cho PVC trong Thái Bình 2; tòa sơ thẩm chưa cá thể hóa hình phạt, không đánh giá tình tiết giảm nhẹ của ông; nhiều tình tiết gỡ tội cho ông không được đánh giá đầy đủ toàn diện ở sơ thẩm. Bị cáo Thực cũng cho biết đã gửi đơn kháng cáo bổ sung gồm 24 chứng cứ trong đó có 11 chứng cứ mới hoàn toàn.

Về hợp đồng EPC số 33, ông Thực khẳng định không được nghiên cứu, không biết hợp đồng này thiếu căn cứ pháp lý. “Bị cáo không bàn bạc việc ký kết EPC số 33 vì đã ủy quyền rồi, ban TGĐ đã phân công 1 lãnh đạo thay mặt TGĐ chỉ đạo vấn đề này. TGĐ luôn yêu cầu các cấp phó nếu có khó khăn gì thì báo cáo” – ông Thực nói.

Được hỏi về trách nhiệm trong việc dự án Thái Bình 2 chậm tiến độ, gây thiệt hại, ông Thực khẳng định lãnh đạo trực tiếp phụ trách phải chịu trách nhiệm chính, việc này được ghi rõ trong quyết định phân công.

Ngoài ra, nếu dự án có khó khăn, cấp dưới phải chuyển công văn lên các bị cáo Nguyễn Quốc Khánh hoặc Nguyễn Xuân Sơn. Chủ tọa đặt câu hỏi, các văn bản về dự án Thái Bình 2 có chuyển cho TGĐ?

Ông Thực nói: “Năm 2011, với 7000 văn bản thì không ai gửi cả cho TGĐ. Theo quy chế, chánh văn phòng được chuyển thẳng cho đơn vị, người phụ trách dù văn bản gửi cho nhiều người… Có nhiều văn bản bị cáo không được nhận, không biết. Giao ban của ban TGĐ chỉ liệt kê những việc đang làm, chủ yếu nêu khó khăn, vướng mắc”.

Cũng theo ông Thực, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh từng có văn bản ghi rất rõ lý do chuyển chủ đầu tư từ PVPower về PVN gồm PVPower không đủ năng lực tài chính; đưa về cho PVN sẽ chủ động hơn; quan hệ với các bộ ngành dễ hơn.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.