Xét xử vụ chạy thận: Vì sao tòa án 'truy' trách nhiệm Bộ Y tế?

Bị cáo Hoàng Công Lương.
Bị cáo Hoàng Công Lương.
TPO - Chiều 5/6, TAND TP Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).

Bệnh viện lỗ dù thu giá gấp đôi

Theo HĐXX, đây là phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân khiến 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong do tồn dư hóa chất sau sửa chữa tại hệ thống lọc nước RO số 2.

Tòa án cho rằng, có dấu hiệu vi phạm tố tụng, các chứng cứ buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo chưa được thu thập đủ, nhiều tài liệu mới được thu thập cần xác minh… nên đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ngoài ra, HĐXX đề nghị khởi tố các ông Hoàng Đình Khiếu - Phó GĐ kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng phòng vật tư BV Hòa Bình; xem xét trách nhiệm của nguyên GĐ Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn - GĐ Cty Thiên Sơn (đơn vị cung cấp máy lọc thận và thực hiện hợp đồng sửa chữa RO số 2)…

Đáng chú ý, TAND TP Hòa Bình cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế, xác định lại chủ trương xã hội hóa của Bộ Y tế trong việc cho các cơ sở công lập thực hiện liên danh, liên kết, góp vốn để mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ có đúng quy định.

Trước đó, diễn biến tại tòa cho thấy Cty Thiên Sơn đã hợp tác “kinh doanh” chạy thận tại BV Hòa Bình từ năm 2010, ăn chia Cty 90% và hưởng BV 10% . Đại diện của BV Hòa Bình cho biết trong việc chạy thận, BV Hòa Bình luôn luôn lỗ; bệnh nhân tại đây sinh sống ở một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất nhưng phải chịu giá chạy thận cao gấp 2 so với các địa phương khác; chỉ Cty Thiên Sơn là có lãi.

Tiếp đến, tòa án cũng đề nghị xác định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo trong đó có quy trình kỹ thuật và kiểm soát chất lượng nước RO. Xem xét trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trong việc cấp phép, quản lý thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của BV Hòa Bình trong đó có hoạt động chạy thận nhân tạo.

Tại các diễn biến trước, đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận sau khi sự cố khiến 9 người chết xảy ra ngày 29/5/2017 vài tháng, bộ này mới ban hành quy trình về chạy thận và nước RO.

Xét xử vụ chạy thận: Vì sao tòa án 'truy' trách nhiệm Bộ Y tế? ảnh 1

 Đại diện Bộ Y tế trả lời hội đồng xét xử.

“Bộ Y tế là cơ quan kết tội”

Đặc biệt, HĐXX đề nghị “truy” trách nhiệm Bộ Y tế về việc ban hành 2 văn bản số 4342/BYT-PC ngày 2/8/2017 gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và Công văn số 2322/BYT-PC ngày 27/4/2018 gửi Cty luật Nguyễn Chiến (bảo vệ Hoàng Công Lương) có nội dung mâu thuẫn về quy trình xét nghiệm mẫu nước RO theo tiêu chuẩn AAMI (tiêu chuẩn nước dùng cho chạy thận của Mỹ).

Trước đó, ngày 28/5, trong phần tranh luận, luật sư Trần Hồng Phúc đã chỉ ra “lỗi đánh máy” tại văn bản của Bộ Y tế trả lời CQĐT. Cụ thể, công an không hỏi về AAMI nhưng Bộ Y tế đã thêm việc phải xét nghiệm AAMI vào câu trả lời dẫn tới việc CQĐT cho rằng bị cáo Lương cho chạy thận trước khi có kết quả xét nghiệm.

Theo bà Phúc: “Chúng tôi nghĩ rằng, không phải VKSND mà chính Bộ Y tế mới là cơ quan buộc tội các bị cáo ngồi đây ngày hôm nay vì đã tự biên tập lại câu hỏi không nằm trong danh sách câu hỏi của CQĐT”.

Nữ luật sư nêu quan điểm, chính Bộ Y tế cũng không hiểu gì về AAMI vì tiêu chuẩn này gồm 25 tiêu chuẩn hóa lý khác nhau, chính BV Hòa Bình và Cty Thiên Sơn cũng không xác định sẽ làm bao nhiêu trong số 25 mục này. Trong khi đó, Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm 2 chỉ số vi sinh.

Cũng tại tòa, ông Đỗ Đình Vận đã thừa nhận, xét nghiệm AAMI mất từ 10 – 15 ngày và nếu dừng chạy thận trong thời gian này, vi khuẩn sẽ xâm nhập hệ thống và như vậy sẽ phải sục rửa lại. Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, như vậy việc chờ kết quả AAMI là phi thực tế bởi đây sẽ là quy trình vô tận.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.