Xét xử vụ công an dùng nhục hình: Luật sư 'sẵn sàng chết'

Thượng tá Nhật nói, thực nghiệm cho thấy, người ngồi trên bàn phía trước anh Kiều có thể gây ra vết thương phía sau đầu anh Kiều.
Thượng tá Nhật nói, thực nghiệm cho thấy, người ngồi trên bàn phía trước anh Kiều có thể gây ra vết thương phía sau đầu anh Kiều.
TPO - Chiều nay (8/4), HĐXX sơ thẩm xử tiếp vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên). Luật sư đã truy vấn gay gắt đại diện cơ quan kỹ thuật hình sự về cơ chế hình thành vết thương trên đầu nạn nhân.

Trước đó, khi khai mạc phiên tòa vào sáng ngày 7/4, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Thắng, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành đã yêu cầu HĐXX làm rõ địa vị pháp lý của Thượng tá Lương Tấn Nhật, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Hình sự (PC54), Công an Phú Yên, người được Tòa triệu tập với tư cách đại diện PC54. Theo LS Thắng, việc đại diện PC54 tham gia phiên tòa là không cần thiết. 

Chiều ngày 8/4, giống như với giám định viên Hoàng Việt, LS Thắng bắt đầu hỏi Thượng tá Nhật bằng câu hỏi, ông Nhật được đào tạo chuyên môn như thế nào, có phải là giám định viên tư pháp không?

Trước khi trả lời câu hỏi của LS Thắng, Thượng tá Nhật cho biết, ngày 14/5/2012 ông có tham gia khám nghiệm tử thi anh Ngô Văn Kiều. 

Về 3 vết thương ở tay anh Kiều, mà LS Võ An Đôn cho rằng có thể do roi điện gây ra, Thượng tá Nhật nói đó là các vết sây sát da đã đóng vảy, hình thành trước khi anh Kiều bị bắt.

Vết xước trên da đầu anh Kiều cũng không phải là vết thương thứ 4 trên đầu anh Kiều, mà là vết xước bị tạo nên khi kỹ thuật viên cạo tóc anh Kiều. “Ngoài vết xước này, trong một số bản ảnh còn có một số vết, là vết giải phẫu khi khám nghiệm tử thi anh Kiều”. Ông Nhật nói.

Với câu hỏi của LS Thắng về việc đào tạo chuyên môn, Thượng tá Nhật không trả lời. “Tôi đâu phải tội phạm, mà anh đòi điều tra cả  quá trình học tập của tôi”, Thượng tá Nhật nói. 

Theo ông Nhật, hơn 30 năm trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự và việc được ủy quyền đại diện PC54 tại Tòa đã khẳng định ông được đào tạo, có năng lực chuyên môn như thế nào. LS Thắng  không gọi Thượng tá Nhật là ông nữa, mà gọi là vị, “vị có trình độ về kỹ thuật hình sự, chứ đâu phải trình độ về giám định pháp y”.

Sau hơn 30 phút với các nội dung đối đáp trên, được chủ tọa phiên toàn đề nghị đi thẳng vào vấn đề, LS Thắng hỏi Thượng tá Nhật, cơ chế hình thành dấu vết thương tích trên cơ thể người có phụ thuộc vào hình dạng, kích thước, chất liệu vật gây nên thương tích không? 

Thượng tá Nhật nói, có phụ thuộc, nhưng còn phụ thuộc cả vào chiều hướng, mức độ lực tác động. “Gậy cao su có thể tạo nên vết thương kích thước 10cm x 10 cm trên đầu anh Kiều hay không?” LS Thắng hỏi. 

Thượng tá Nhật trả lời, ông không nói vết thương trên đầu anh Kiều do gậy cao su gây nên, mà là do vật tày không có cạnh gây nên. 

Ông cũng cho rằng, một vật cũng có thể gây nên 3 vết thương có kích thước khác nhau trên đầu nạn nhân, vì như đã nói, kích thước dấu vết còn phụ thuộc lực tác động, hướng tác động, vị trí bị tác động.

LS Thắng tiếp tục truy hỏi Thượng tá Nhật về khả năng người ngồi trên bàn, phía trước anh Kiều có thể dùng vật tày gây nên một vết thương phía sau đầu anh Kiều? Theo LS Thắng, không thể gây nên vết thương như vậy, mà chỉ có thể gây nên vết thương trên đỉnh đầu hoặc hai bên. 

Thượng tá Nhật nói, người ngồi trên bàn có thể gây ra vết thương phía sau đầu anh Kiều, vì nạn nhân không ngồi yên, mà có thể nghiêng đầu, cúi đầu. Nếu Tòa cho phép, ngay tại Tòa ông sẽ kê bàn ghế y như hiện trường, rồi ông và LS Thắng sẽ thực nghiệm lại, và ông sẽ ở vị trí người ngồi trên bàn xuống tay. 

“Tôi sẵn sàng, nếu bị vị đánh chết cũng được, sống hèn làm gì”, LS Thắng đáp. Đến lúc này, KSV Phạm Duy Tân phải lên tiếng, hai người cứ đối đáp kiểu này thì phiên tòa đến bao giờ mới xong.

LS Thắng không hỏi Thượng tá Nhật nữa, LS Võ An Đôn hỏi bị cáo Thảo Thành về việc dùng dùi cui đánh 3 cái vào đầu anh Kiều. 

Bị cáo Thảo Thành khai, bị cáo không đánh anh Kiều, cũng không nhìn thấy ai đánh anh Kiều. 

Tuy thời gian làm việc buổi chiều chưa hết, nhưng thẩm phán Nguyễn Phi Đô cho dừng phiên tòa.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.