Xét xử vụ "Đề án 112": Công thức ăn chia 3 - 2 - 1

Xét xử vụ "Đề án 112": Công thức ăn chia 3 - 2 - 1
TP - Hôm qua (13-1), TAND TP Hà Nội đã bắt đầu phiên sơ thẩm xét xử nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đình Thuần cùng 22 bị cáo liên quan đến những tiêu cực trong Đề án 112 CP.

>> Ngày đầu xét xử nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Xét xử vụ "Đề án 112": Công thức ăn chia 3 - 2 - 1 ảnh 1
Bị cáo Lương Cao Sơn

Phiên tòa vắng nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cũng như nhân chứng, nhưng chủ tọa nhận định: "Việc thiếu vắng của họ không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử, do đã có lời khai trong hồ sơ".

Trong phần thẩm vấn diễn ra buổi chiều, các bị cáo khai lòng vòng, mâu thuẫn. Nhiều bị cáo cho rằng, những khoản tiền họ nhận "bên lề" không liên quan và làm ảnh hưởng đến các bản hợp đồng của Đề án 112 CP.

"Tôi không biết vì sao…"

Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ, Ủy viên thư ký Ban điều hành Đề án 112 CP, bị cáo Lương Cao Sơn khẳng định: Tôi không biết vì sao họ lại đến nhà đưa tiền cho tôi.

Bị cáo này cho rằng, bản thân không hề biết các nguyên tắc mở thầu, trúng thầu giữa Ban đề án với các đối tác.

Lời khai của ông Sơn đã bị các bị cáo khác phủ nhận. HĐXX công bố lời khai của nguyên Tổng Giám đốc Cty CP công nghệ tin học ISA - Nguyễn Thuý Hà: "Nếu tôi không trích "phần trăm" cho anh Sơn thì tôi không được ký hợp đồng".

Bổ sung lời khai trên, bị cáo Vũ Đình Thuần khẳng định: "Trước khi thông qua các bản hợp đồng, các thành viên của Đề án 112 đều biết các hoạt động mở thầu, trúng thầu và được công bố công khai".

Rốt cuộc, bị cáo Sơn thừa nhận quy trình đấu thầu của Ban đề án 112 có những vi phạm pháp luật. Bản thân Sơn từng hứa "ưu tiên" cho Cty của Nguyễn Thuý Hà, khi nhận được khoản tiền "bôi trơn" 360 triệu đồng.

Bị cáo Sơn cho rằng, số tiền trên được chi vào hoạt động tham quan, hội họp cho các thành viên của Đề án và đối tác. Nhưng trên thực tế, hoạt động tham quan không tổ chức được, Sơn đã đưa cho Trưởng ban 200 triệu, còn lại chia đôi giữa Sơn và một người nữa.

HĐXX thẩm vấn bị cáo Hoàng Đăng Bảo, nguyên chuyên viên Vụ Cải cách hành chính, Văn phòng Chính phủ. Vị chủ tọa yêu cầu bị cáo Bảo giải thích: "Vì sao các hợp đồng không mang qua cho Trưởng ban mà lại đến nhà gặp Sơn?". Bảo cho rằng, mọi hợp đồng sẽ không được thông qua nếu Sơn không ký. Lời khai này cũng được bị cáo Vũ Đình Thuần thừa nhận.

Xét xử vụ "Đề án 112": Công thức ăn chia 3 - 2 - 1 ảnh 2
Bị cáo Vũ Đình Thuần

Chiến thuật 3 - 2 - 1

Đó chính là công thức ăn chia được áp dụng với bộ ba Vũ Đình Thuần - Lương Cao Sơn - Hoàng Đăng Bảo, được HĐXX làm rõ trong phiên thẩm vấn.

Giải thích số tiền 570 triệu đồng nhận từ Nhà xuất bản Tư pháp, bị cáo Bảo khai, sau khi nhận "phần trăm bôi trơn" gồm 570 triệu, Bảo cho vào quỹ cơ quan 20%, số còn lại, Bảo tự giác chia thành sáu phần (chiến thuật đội hình này được Lương Cao Sơn đưa ra), trong đó ba phần là của Vũ Đình Thuần, hai phần của Lương Cao Sơn, Bảo nhận phần còn lại.

Trong phần thẩm vấn đối với bị cáo Vũ Đình Thuần, bị cáo này cho rằng, trong hầu hết các bản hợp đồng, ông Thuần đều không nhận trực tiếp các khoản "lại quả" từ các Cty, mà chỉ biết lấy qua tay Lương Cao Sơn.

HĐXX đã làm rõ, bị cáo Thuần đã nhận từ Cty Toàn Cầu 75 triệu đồng (do Sơn đưa). Ngoài ra, ông Thuần cũng khai, đã nhận 200 triệu đồng từ tay Sơn, nhưng không biết từ Cty nào.

Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý Ban đề án 112, ông Thuần thừa nhận đã có những sai sót về mặt thủ tục trong quá trình mở thầu, đấu thầu.

Cũng trong chiều qua, HĐXX đã thẩm vấn thêm một số bị cáo khác, liên quan đến các hoạt động xuất bản, in ấn tài liệu, trong đó có bị cáo Nguyễn Đức Giao - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp. Bị cáo Giao giải thích việc chuyển tiền "bôi trơn" cho Ban đề án 112 (trực tiếp Hoàng Đăng Bảo nhận) rằng: "Do sốt ruột, muốn thêm đối tác cho Nhà xuất bản, nên đã không gửi tiền qua tài khoản cho Ban đề án 112 mà chuyển cầm tay", và với quan niệm của ông Giao, đó là những sai phạm về thủ tục tài chính. 

Chuyện gần 4 năm trước…

Đi tiên phong trong cuộc chiến chống sai phạm, tiêu cực tại Ban điều hành đề án 112, báo Tiền Phong các số 68, 69 và 75 ra các ngày 5, 6 và 12-4-2006 đã đăng loạt bài điều tra, phanh phui các vi phạm của Ban điều hành đề án 112 và sự lãng phí ghê gớm thông qua việc đầu tư hạ tầng, trung tâm tích hợp dữ liệu (phần cứng) và xây dựng, cài đặt ba phần mềm dùng chung chưa hoàn thiện, vấn đề chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đề án... 

Trong thời gian đó, Tiền Phong đã chịu rất nhiều sức ép mà cụ thể nhất là Văn phòng UBND TPHCM có văn bản yêu cầu báo đính chính chi tiết không sai và không có liên quan đến địa phương. Và, không chỉ gởi qua đường công văn, đơn vị này còn nhiều lần phát tán qua e-mail đến tất cả các báo, đài, sở ban - ngành và quận - huyện.

Giấy không thể gói được lửa. Từ những thông tin trên Tiền Phong, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Ngày 19/4/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định ngừng triển khai đề án 112. Năm tháng sau, ông Vũ Đình Thuần và bảy đối tượng khác bị CQĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam. 

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.