Xét xử vụ sai phạm đất đai ở Đồng Tâm: Cựu cán bộ địa chính xã lĩnh án cao nhất

Từ trái sang, các bị cáo Sơn, Trường, Triển.
Từ trái sang, các bị cáo Sơn, Trường, Triển.
TP - Ngày 9/8, sau 2 ngày xét xử, TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm với 14 bị cáo trong vụ án sai phạm đất đai xảy ra tại xã Đồng Tâm. Bị xác định “đầu vụ”, cựu cán bộ địa chính xã Nguyễn Xuân Trường lĩnh án cao nhất, 6 năm 6 tháng tù giam.

Kêu oan không chủ mưu

Nói sau cùng trước khi Tòa nghị án, cựu cán bộ địa chính Nguyễn Xuân Trường khẳng định mình chỉ có vai trò tham mưu, không chủ mưu gây án. Bị cáo Trường cùng Lê Đình Thuần, Nguyễn Văn Sơn – đều nguyên Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Tiến Triển – nguyên Bí thư Đảng ủy xã được đại diện Viện KSND xác định “phạm tội nhiều lần”. Ông Trường thừa nhận hành vi của mình nhưng không đồng ý quan điểm của Viện KSND khi cho ông là bị cáo đầu vụ. Ông Trường nói: “Tôi chỉ có trách nhiệm tham mưu, không phải chủ mưu… Việc tôi làm được ghi trong nghị quyết của HĐND”. Vì vậy, bị cáo Trường mong được tòa xem xét lại và giảm nhẹ hình phạt.

Đến lượt mình, cựu bí thư xã Nguyễn Tiến Triển cho rằng mình giữ vai trò, chức trách của Bí thư chuyên làm công tác Đảng và đã sai khi tham gia vào quản lý đất đai- lĩnh vực của Chủ tịch và cán bộ địa chính. Ông Triển lấy lý do mình đóng góp nhiều trong chiến đấu, xây dựng quê hương; bản thân già yếu, nhiễm chất độc da cam… để xin tòa tuyên mình án treo.

Còn cựu Chủ tịch xã Lê Đình Thuần cho rằng mình trung thực, không cố ý ký vào biên bản khống để bán đất. Bị cáo này đã tiến hành khắc phục hậu quả nên mong HĐXX cho mình mức án nhẹ nhất. Tương tự, cựu Chủ tịch xã Nguyễn Văn Sơn cũng xin mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình. Ông Sơn cho rằng, mình phạm tội là do các yếu tố khách quan. Các bị cáo còn lại cũng đồng loạt xin hưởng khoan hồng vì có cống hiến nhiều cho địa phương, một số người đã khắc phục hậu quả.

Đề nghị xử lý dứt điểm sai phạm

Theo bản án được tuyên chiều 9/8 của TAND huyện Mỹ Đức, các bị cao có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, biết trước hậu quả nhưng vẫn cố ý làm và mong muốn hậu quả xảy ra. Hành vi của các bị cáo làm cho cơ quan Nhà nước suy yếu, giảm uy tín. Trừ bị cáo Trường, những người còn lại đã trả lại đất, thành khẩn khai báo nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt. HĐXX xác định bị cáo Trường giữ vai trò chính nên phải chịu hình phạt cao nhất, các bị cáo Triển, Sơn, Thuần có vai trò tích cực. Kết quả, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trường 6 năm 6 tháng tù; phạt  bị  cáo Thuần 42 tháng tù. Riêng bị cáo Sơn và Triển mỗi bị cáo bị tuyên 30 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh, 6 bị cáo khác nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm nhận từ 18 tháng tù treo tới 30 tháng tù giam.

Với nhóm bị cáo cựu cán bộ huyện Mỹ Đức, HĐXX nhận định các bị cáo Đinh Văn Dũng và Bạch Văn Đông – nguyên GĐ, Phó GĐ Văn phòng đăng ký đất đai giữ vai trò cao hơn Phạm Hữu Sách-nguyên Trưởng phòng TN&MT và Trần Trung Tấn - cán bộ dưới quyền Dũng. Bên cạnh đó, Tòa xác định 4 bị cáo này khi thực hiện nhiệm vụ đã chịu áp lực lớn,  trong khi cán bộ xã như Nguyễn Xuân Trường lại có hành vi tinh vi khi mỗi năm chỉ ghép một vài hồ sơ không đạt yêu cầu vào hàng trăm hồ sơ khác nên khó phát hiện. Trên cơ sở đó, HĐXX tuyên phạt Dũng và Đông mỗi bị cáo 30 tháng tù, Sách và Tấn mỗi bị cáo 24 tháng tù treo.

Về dân sự, do người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu nên tòa tách riêng trong một vụ án dân sự khác khi có diễn biến mới. Đồng thời, HĐXX đề nghị UBND huyện Mỹ Đức giải quyết dứt điểm các vấn đề đất đai còn tồn tại trên cơ sở các quy định của pháp luật nhưng cũng cần đảm bảo ổn định cho nhân dân.

Theo bản án được tuyên chiều 9/8 của TAND huyện Mỹ Đức, các bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, biết trước hậu quả nhưng vẫn cố ý làm và mong muốn hậu quả xảy ra. Hành vi của các bị cáo làm cho cơ quan Nhà nước suy yếu, giảm uy tín.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.