Xét xử vụ TrustBank: Xuất hiện văn bản của nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng

Bị cáo Hoàng Văn Toàn tại tòa.Ảnh: Tân Châu.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn tại tòa.Ảnh: Tân Châu.
TP - Hôm qua (2/5), TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) cùng 6 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây thiệt hại 470 tỷ đồng. Diễn biến bất ngờ tại tòa khi một bị cáo trưng ra văn bản của nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký phê duyệt “biến” sân vận động Chi Lăng thành khu phức hợp.

Các cán bộ NHNN “chuyền bóng” qua lại

Trong phần xét hỏi, trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc TrustBank) cho rằng, khi ký quyết định cho hai công ty của ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) là Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay 650 tỷ đồng, tôi có trình lên Tổ giám sát của ngân hàng Nhà nước (NHNN) và được Tổ giám sát đồng ý. Ngoài ra, hồ sơ họp Hội đồng tín dụng (HĐTD) cũng được TrustBank thông qua Tổ giám sát vào ngày 28/12/2012. Nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank Hoàng Văn Toàn cũng xác nhận lời khai của ông Nam là đúng. Các bị cáo còn lại cũng được HĐXX cho gọi xét hỏi về nội dung này. Trả lời tại toà các bị cáo cũng khẳng định rằng, TrutsBank đang trong tình trạng bị giám sát đặc biệt nên khi cho vay trên 5 tỷ đồng phải có chữ ký của Tổ giám sát NHNN.

Ngay sau khi các bị cáo khai có trình và có bút phê của Tổ giám sát NHNN, chủ tọa cho gọi ông Hà Tấn Phước (nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng Tổ giám sát NHNN tại TrustBank) tham gia xét hỏi. Trả lời HĐXX, ông Phước thừa nhận có bút phê vào trong khoản vay 650 tỷ đồng đồng thời thừa nhận chữ viết trong hồ sơ mà thư ký phiên tòa vừa đưa đúng là chữ ký của mình . Theo bút phê (được chủ tọa công bố công khai tại tòa), nội dung ghi: “Ngân hàng Đại Tín muốn cho vay thì phải đẩy dư nợ xuống bằng với dư nợ cuối ngày 31/12/2011”. Tuy nhiên ông Phước bất ngờ nói rằng Tổ giám sát không đồng ý để TrustBank cho vay. Nghe đến đây, chủ tọa gọi cả 7 bị cáo lên yêu cầu giải thích rằng các bị cáo hiểu thế nào về bút phê của ông Phước. 7 bị cáo đều nói rằng đó là “bút phê đồng ý cho vay”.

“Ông Phước có nghe 7 bị cáo đồng nói rằng bút phê đó hẳn nhiên là đồng ý để TrustBank cho vay hay không?” - Chủ tọa, thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt hỏi ông Phước. Trả lời HĐXX, lần này ông Phước… “chuyền bóng” sang cho NHNN: “Thưa Tòa, tại phiên tòa có đại diện NHNN, vì vậy nên để NHNN giải thích” - Ông Phước nói với HĐXX. Ngay lập tức, tòa cho gọi đại diện NHNN tham gia xét hỏi. Trả lời HĐXX, vị đại diện NHNN bất ngờ… “trả bóng” về cho ông Phước: “Thưa tòa, tại TrustBank thì có Tổ giám sát, vậy nên anh Phước sẽ giải thích” - Đại diện NHNN tại tòa nói. Nghe đến đây, chủ tọa “than”: Anh Phước vừa nói NHNN sẽ giải thích, tòa mới mời anh lên, anh thì nói anh Phước giải thích”. Do không tìm được câu trả lời thỏa đáng chủ tọa tạm gác nội dung này, chuyển sang xét hỏi nội dung khác. Tuy nhiên “chốt” lại thì chủ tọa cũng lập lại lời 7 bị cáo. “Nếu Tổ giám sát không đồng ý thì phê là không đồng ý, đằng này bút phê của ông Phước thì chỉ có giới làm ngân hàng mới hiểu, còn ra tòa thì ông Phước và các bị cáo lại có cách hiểu khác nhau”.

Giám định trên cơ sở tài sản hình thành trong tương lai

Trả lời HĐXX, cả 7 bị cáo đều cho rằng mình bị quy kết oan. Các bị cáo trình bày rằng, việc sử dụng Chứng thư thẩm định của công ty DATC làm tài sản đảm bảo cho vay là đúng quy định. Chủ tọa nói rằng, trên thực tế theo Công ty thẩm định giá miền Nam khu đất thuộc SVĐ Chi Lăng chỉ 178 tỷ đồng, các bị cáo vin vào Chứng thư của Công ty DATC với giá 913 tỷ đồng là nhằm hợp thức hóa việc vay tiền. Các bị cáo nói rằng, Công ty DATC là doanh nghiệp của Bộ Tài chính, giám định trên hai cơ sở tình hình thực tế và giá trị hình thành trong tương lai.

Chủ tọa yêu cầu các bị cáo giải thích giá trị hình thành trong tương lai là gì, khi mà dự án chưa hề có sự phê duyệt, cấp phép của chính quyền địa phương. Nghe đến đây, một bị cáo trình bày rằng, vào thời điểm đó, bị cáo đọc báo thấy rằng TP Đà Nẵng đã ưng thuận SVĐ Chi Lăng làm khu phức hợp. Chủ tọa ngắt lời bị cáo: Bị cáo có tài liệu gì không? - trả lời HĐXX, bị cáo lấy luôn văn bản ra trình bày. Theo nội dung văn bản này, ông Trần Văn Minh (thời điểm này là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, hiện ông Minh bị bắt tạm giam để điều tra trong một vụ án khác), đã ký quy hoạch chủ trương biến SVĐ Chi Lăng thành khu phức hợp. Chủ tọa sau đó yêu cầu nộp tài liệu này cho HĐXX…

Theo cáo trạng, ông Phạm Công Danh lập 2 Cty với mục đích vay để mua lại lô đất hơn 5.000 m2tại khu vực SVĐ Chi Lăng (Đà Nẵng) thuộc một công ty khác cũng của ông Danh. Ông Danh mang lô đất SVĐ làm tài sản đảm bảo và được TrustBank cho vay, dẫn đến TrustBank thiệt hại 470 tỷ đồng này. Ông Hoàng Văn Toàn và các thuộc cấp bị cáo buộc phê duyệt rồi cấp tín dụng cho 2 Cty của ông Danh mà không thực hiện đúng quy định như hồ sơ vay vốn, không có báo cáo tài chính, không đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, rủi ro… Trên thực tế, 2 Cty của ông Danh không hoạt động kinh doanh, hồ sơ vay vốn đều lập khống…

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.