Xóa bỏ hộ khẩu: Quyết định hợp lòng dân

Người dân TPHCM làm thủ tục hành chính.
Người dân TPHCM làm thủ tục hành chính.
TP - Đó là ý kiến của một số chuyên gia và người dân ở TPHCM khi biết tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký nghị quyết bãi bỏ hộ khẩu nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tháo dỡ căn nhà cũ để xây mới, gia đình anh Nguyễn Văn Toàn (27 tuổi, ngụ phường Phước Long B, quận 9) phải thuê nhà ở tạm. Anh Toàn kể: Tôi thuê căn nhà nhỏ trong phường nhưng khác tổ dân phố và cũng tìm đến nơi đăng ký tạm trú để khai báo nhưng chưa được vì họ đóng cửa. Nghĩ mình là dân địa phương, công việc cơ quan lại bận rộn nên tôi chưa đăng ký.

 Thường trú, tạm trú đều… khổ

Ông Nguyễn Văn T. (ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) cho biết tháng 8/2017, ông có đến công an phường làm thủ tục gia hạn sổ tạm trú vì sổ cũ hết hạn. Tại công an phường, ông T. được người có trách nhiệm trả lời là sổ tạm trú đã hết nên chưa thể cấp cho người dân.

“Tôi đang cần sổ tạm trú mới để kịp cho con nhập học vì nhà trường không chấp nhận sổ tạm trú hết hạn nên tôi phải quay lại công an phường để làm giấy xác nhận tạm trú vì sổ tạm trú mới vẫn chưa có”, ông T. bức xúc.

Theo một số công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), dù đã được công ty tuyển dụng nhưng vì chậm được cấp sổ tạm trú mới nên hồ sơ tuyển dụng vẫn chưa hoàn tất, gây rất nhiều thiệt thòi về quyền lợi, đặc biệt là công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề hết sổ tạm trú, trao đổi với Tiền Phong, đại diện Công an quận Bình Tân xác nhận công an quận đã hết sổ tạm trú từ tháng 7/2017 và đã hai lần báo cáo với Công an TPHCM (tháng 7 và tháng 9/2017). Để giải quyết nhu cầu của người dân, công an quận đã chỉ đạo các phường vẫn tiếp tục giải quyết hồ sơ đăng ký tạm trú theo quy định, ra thông báo đã giải quyết đăng ký tạm trú trong đó ghi rõ nội dung: “Do hết sổ tạm trú nên khi có sổ tạm trú trở lại công an phường sẽ tiến hành cấp sổ tạm trú theo quy định và thời gian tạm trú được tính kể từ ngày tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký tạm trú”.

Bởi vậy, khi hay tin sắp tới nhà nước sẽ bỏ hộ khẩu, cả anh Toàn và ông T. đều cho rằng đó là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân vì hộ khẩu đang tạo ra những rào cản vô hình, gây phiền hà không đáng có trong đời sống người dân.

Xóa bỏ hộ khẩu: Quyết định hợp lòng dân ảnh 1 Sổ hộ khẩu luôn hiện diện trong nhiều thủ tục hành chính của công dân. Trong ảnh: Người dân tại Hà Nội làm thẻ căn cước. Ảnh: Như Ý.

Băn khoăn

 Theo một số chuyên gia, các quy định về hộ khẩu hạn chế quyền cơ bản của công dân như tìm cơ hội việc làm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, hạn chế chuyển nhượng mua bán nhà đất, đặc biệt là tạo ra sự phân biệt đối xử, gây bất bình đẳng trong xã hội như học sinh không có hộ khẩu phải học hệ B, người không có hộ khẩu không được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước của thành phố, không được hưởng định mức điện, nước… tạo ra nạn nhũng nhiễu, tiêu cực. 

Tuy nhiên, việc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cũng gây nhiều băn khoăn. Đại diện UBND quận Phú Nhuận lo lắng: Bỏ hộ khẩu, CMND thì những giấy tờ liên quan như giấy đăng ký kết hôn, đăng ký kinh doanh, các loại giấy tờ nhà đất... sẽ sửa lại như thế nào, chẳng hạn như chia đất đai sau khi ly hôn hoặc thừa kế chẳng hạn.

“Bỏ hộ khẩu, CMND sẽ kéo theo nhiều giấy tờ khác liên quan. Rườm rà quá không tốt nhưng giản lược quá cũng chưa hẳn là tốt. Làm thủ tục đổi qua, đổi lại có khi còn phiền hà hơn”, ông nói.

Lãnh đạo công an một số phường thuộc quận 9 (TPHCM) đánh giá việc bãi bỏ hộ khẩu là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình phù hợp và hướng dẫn cụ thể. Để làm được việc này, cần phải có hệ thống dữ liệu quốc gia, lưu trữ tất cả thông tin, tàng thư cần  thiết của mọi công dân để quản lý các địa phương có thể truy xuất khi cần.

Để có mã số, mọi công dân phải có thẻ căn cước song vừa qua, số lượng người đăng ký cấp căn cước công dân chưa nhiều. Khi bỏ hộ khẩu, gánh nặng về quản lý công dân tập trung chủ yếu tại cấp cơ sở, công an phường xã, thị trấn. Trong khi đó, công an các phường, xã, thị trấn… hiện chưa được trang bị máy quét. TPHCM hiện có gần 5 triệu người nhập cư, tình hình an ninh trật tự ở một số nơi còn diễn biến phức tạp…

Một số chuyên gia về công nghệ thông tin cho rằng hệ thống dữ liệu quốc gia không chỉ phục vụ riêng ngành công an mà còn chia sẻ với nhiều ngành khác liên quan như tài chính - ngân hàng, hàng không,… một khi không còn hộ khẩu, CMND. Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin cần phải đặt ra và tìm các giải pháp phù hợp, nhất là hiện nay rất nhiều đơn vị trong nước còn xem nhẹ an toàn thông tin.

 

Một số chuyên gia cũng chỉ ra có quá nhiều dịch vụ công hiện nay đang liên quan đến hộ khẩu nên một khi rào cản này được dỡ bỏ thì liệu có thay đổi tương ứng hay không. Đơn cử như định mức điện, nước, chuyện học hành đúng tuyến của học sinh mầm non, tiểu học phải dựa vào hộ khẩu, liệu ngành điện, cấp nước, ngành giáo dục có bỏ hay lại đẻ ra một loại giấy tờ khác, gây phiền hà cho người dân khi phải hiệu chỉnh lại cho phù hợp. 

“Nửa đêm, công an khu vực đến kiểm tra. Tôi đã trình ra sổ hộ khẩu nhưng họ vẫn lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ chứng minh nhân dân (CMND) của những người trong nhà với lý do chưa đăng ký lưu trú dù hộ khẩu thường trú của gia đình tôi cũng ở trên địa bàn phường này. May mà có người quen can thiệp nên tôi không bị phạt”, anh Toàn nhớ lại.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.