Xử Dương Chí Dũng: LS bảo 'vô tội', Tòa ngắt lời bào chữa

Xử Dương Chí Dũng: LS bảo 'vô tội', Tòa ngắt lời bào chữa
TPO - Sang ngày xét xử thứ ba vụ án Dương Chí Dũng, hầu hết các luật sư đều cho rằng thân chủ mình 'vô tội', và quay sang “truy” các kiểm sát viên về những cáo buộc thiếu căn cứ…

Trong phần tranh luận sáng nay (14/12), các luật sư liên tục cho rằng, những cáo buộc từ phía cơ quan công tố là thiếu cơ sở, đồng thời khẳng định nhiều bị cáo vô tội. Không khí phiên tranh tụng khá “nóng”, buộc HĐXX nhiều lần phải dừng lời luật sư để nhắc nhở.

Luật sư nói “án oan”!

Bảo vệ vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Khang, một luật sư lên tiếng, Viện KSND Tối cao quy kết bị cáo này phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là thiếu cơ sở. Theo phân tích của luật sư, ở tội danh này, chủ thể đặc biệt là một yêu cầu bắt buộc, đó phải là người có chức vụ, quyền hạn.

“Trong khi đó, ông Khang không có chức vụ, quyền hạn gì trong việc chào mời hay thương thuyết việc mua bán ụ nổi 83M” – vị luật sư lên tiếng. Luật sư cũng đề nghị HĐXX cũng xem xét, có nhiều văn bản, tài liệu liên quan đến vụ án, song không có trong hồ sơ truy tố.

Cũng bào chữa theo hướng “vô tội” cho các bị cáo, luật sư Ngô Ngọc Thủy nói thêm, trên thực tế cũng như hồ sơ vụ án, không có bất cứ tài liệu nào chứng minh số tiền 1,666 USD được chuyển về cho Vinalines. “Điều này có nghĩa bị cáo Dương Chí Dũng không chiếm đoạt số tiền do mình quản lý. Bởi đây là khoản mà Cty AP - Singapore gửi về Cty Phú Hà” – luật sư Thủy phân tích. Cũng theo luật sư, việc nói ông Dũng nhận 10 tỷ “lại quả” là dựa vào lời khai của ông Trần Hải Sơn (cựu Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines). Và đây là lời khai một chiều, thiếu cơ sở.

Cũng hướng bào chữa tương tự, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) khẳng định, ông Sơn khai đã giao cho ông Phúc 10 tỷ “lại quả” là thiếu căn cứ. Các các yếu tố, như lịch trình bay, danh sách điện thoại… thể hiện hướng di chuyển, ngày giờ, cũng như những giao dịch giữa ông Sơn và ông Phúc chưa được làm rõ.

Luật sư Phạm Thúy Kiều
Luật sư Phạm Thúy Kiều. Ảnh: Ảnh chụp qua màn hình TV

Căng thẳng…

Phần tranh tụng bắt đầu căng thẳng khi nhiều luật sư tỏ ra bức xúc với sự điều khiển của HĐXX, khi bài phát biểu của họ đã liên tục bị “cắt” “tạm dừng”, “giải thích”… vì lý do: “nội dung rùng lặp”, “không có gì mới”, hay “cái này đã có trong hồ sơ, HĐXX biết rồi”.

Đơn cử như trường hợp của luật sư Phạm Thúy Kiều (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam). Luật sư Kiều khẳng định, việc ông Khang tham gia vào Đoàn khảo sát mua ụ nổi là hoàn toàn hợp pháp. “Bị cáo Khang được cấp trên cử đi tham gia đoàn công tác khảo sát, như vậy, ông Khang đã không sai khi thực hiện công việc trên” – bà Kiều nhấn mạnh.

Cũng theo nữ luật sư, trong đoàn công tác kể trên, ông Khang chỉ là thành viên “mọi việc đi đâu, làm gì, như nào… đều do ông Chiều (cựu Phó Tổng GĐ Vinalines) quyết định” . Nói đến đây, ngay lập tức, luật sư Kiều bị thành viên HDXX nhắc nhở: “Đề nghị luật sư phát biểu đúng trọng tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng bào bào chữa của mình. Nếu chưa chuẩn bị được, luật sư có thể tạm dừng, nhường lời cho luật sư khác”.

Không chịu kém cạnh, nữ luật sư phản pháo: “Những gì tôi nói hoàn toàn trên cơ sở bản luận tội của vị kiểm sát viên. Và từ hôm qua đến nay, chưa luật sư đồng nghiệp nào nhắc tới”. Nghe xong, một thẩm phán lại lên tiếng: “Từ nãy đến giờ, chả hiểu luật sư nói gì”. Bức xúc, luật sư Kiều lớn tiếng: “Là do HĐXX không bám sát nội dung kết luận của Viện kiểm sát. Đề nghị nghe tôi nói hết.”

Luật sư Nguyễn Thị Phúc
Luật sư Trần Hồng Phúc. Ảnh chụp qua màn hình TV

Luật sư “quay” kiểm sát viên

Trong phần bào chữa cho 3 bị cáo cựu cán bộ Hải Quan tỉnh Khánh Hòa (Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng), luật sư Trần Hồng Phúc tập trung “quay” các kiểm sát viên về những thiếu sót trong quá trình luận tội.

Theo luật sư Phúc: “Rất đáng tiếc khi các kiểm sát viên không đưa diễn biến trong quá trình thẩm vấn. Nhiều bị cáo đồng loạt thay đổi lời khai do trước đó họ cho rằng bị bức cung, nhưng các kiểm sát viên vẫn giữ nguyên như cáo trạng”.

Cũng theo luật sư, khi thấy Viện kiểm sát đề nghị các bị cáo mức án từ 6 đến 8 năm tù, thì “tôi vô cùng sửng sốt”, bởi luật sư này cho rằng, các cựu cán bộ hải quan đã làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình, đồng nghĩa với việc không có tội.

“Phải chăng ở đây chưa có việc tìm hiểu các văn bản liên quan đến ngành hải quan” – luật sư Phúc hướng về các công tố viên. Đồng thời, nữ luật sư trích dẫn hàng loạt các văn bản, công ước, nghị định, thông tư… liên quan tới hoạt động hải quan và khẳng định “các kiểm sát viên khi luận tội đã không căn cứ vào kết luận giám định”.

Trong phần cuối của bài bào chữa, luật sư Phúc quay sang hướng giải thích khái niệm “ụ nổi” thông qua hệ thống văn bản đang có trong tay và bào chữa cho bị cáo không phải liên đới bồi hoàn hơn 366 tỷ đồng thiệt hại trong vụ án. Tuy nhiên, luật sư này đã bị thành viên HĐXX ngắt lời: “Nếu luật sư đã bào chữa theo hướng vô tội thì cần gì phải nói đến phần bồi thường dân sự nữa”.

Xem thêm:

>Dương Chí Dũng được em trai đưa đi trốn như thế nào?
>Anh em ông Dương Chí Dũng: Từ đỉnh cao xuống vực sâu
> Xét xử vụ Dương Chí Dũng: Hầu hết bị cáo chưa thành khẩn

Theo Viết
MỚI - NÓNG