Xử lý tội phạm bỗng dưng... tâm thần

Xử lý tội phạm bỗng dưng... tâm thần
TP - Chuyện tội phạm bỗng dưng xuất trình giấy chứng nhận tâm thần từng xảy ra tại các cơ quan tố tụng. Nhân vụ mua bán bệnh án tâm thần tại BV Tâm thần Hải Dương, Tiền Phong trao đổi với một số chuyên gia pháp luật về xử lý tội phạm dạng này.

> Vụ mua, bán bệnh án tâm thần: Rõ ràng có sai phạm
> Muốn 'tâm thần xịn', chi tám triệu đồng?
> Bệnh án tâm thần, mua là có
> Những 'sát thủ' bỗng dưng… tâm thần
> Ra tòa mới... tâm thần

Trả hồ sơ, trưng cầu giám định

Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, cho biết, việc một bị cáo ra tòa bỗng dưng xuất trình giấy chứng nhận tâm thần đã từng xảy ra.

“Khi bị cáo xuất trình bệnh án tâm thần, tòa phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nhưng cũng có những trường hợp nghi ngờ kết quả giám định có vấn đề, tòa vẫn có thể yêu cầu giám định lại” – ông Chính nói.

Ông Chính cũng cho biết, một là tòa ra quyết định trưng cầu giám định, hai là trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung.

Ông Chính ví dụ, trong quá trình điều tra, bị cáo khai báo bình thường, nhưng khi ra tòa bỗng xuất trình giấy chứng nhận tâm thần thì tòa không thể xử được, buộc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Về các cơ quan có thẩm quyền giám định pháp y tâm thần, ông Chính cho hay hiện nay có 3 cơ quan gồm cơ quan giám định pháp y T.Ư, cơ quan giám định thuộc Bộ Quốc phòng và cơ quan giám định pháp y địa phương.

“Nếu các kết quả giám định pháp y vênh nhau, kết quả của cơ quan T.Ư sẽ được lấy làm căn cứ” – Phó Chánh tòa Hình sự - TAND Hà Nội Nguyễn Quốc Thành bổ sung.

Bị cáo giả điên, không thoát

Ngoài những trường hợp trên, ông Nguyễn Hữu Chính còn cho biết, có nhiều trường hợp bị cáo giả điên tại tòa, song bị tòa làm rõ, bác bỏ.

Đơn cử như bị cáo Đặng Trần Hoài, kẻ sát hại cháu bé 4 tuổi, hãm hiếp cháu 8 tuổi ở Sơn Tây, vừa bị TANDTC xử phúc thẩm sáng 17-1, tuyên y án tử hình.

Ở phiên sơ thẩm, nhận thấy không thoát án tử, Hoài đã diễn kịch trước vành móng ngựa, lặp đi lặp lại câu “không nhớ”, “cháu đau đầu quá”.

Lúc sau, Hoài bỗng tỉnh táo, khai: “Khoảng năm 2000, bị cáo bị viên ngói rơi vào đầu, thường xuyên bị rối loạn thần kinh, mất trí”.

“Tuy nhiên, xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án cùng những diễn biến tại tòa, HĐXX khẳng định Hoài không bị tổn thương thần kinh, do đó vẫn xét xử bình thường” – ông Chính nói.

Song, những vụ việc như trên không nhiều. “Nếu bị cáo có đầy đủ hồ sơ hợp lệ chứng minh mình tâm thần và cơ quan xét xử không phát hiện ra dấu hiệu bất thường nào khác, thì về nguyên tắc phải tôn trọng kết luận của cơ quan pháp y” – thẩm phán Nguyễn Quốc Thành nói.

Cơ quan giám định cũng có thể sai

Cũng có trường hợp, tòa án bác kết luận của cơ quan pháp y T.Ư, vì phát hiện thiếu sót trong thủ tục giám định. Thẩm phán Nguyễn Quốc Thành nêu câu chuyện siêu lừa Lê Đăng Lưu (49 tuổi, quê Hà Tĩnh) bỗng dưng tâm thần.

1.Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2.Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vụ án do Bộ Công an điều tra, kết luận Lưu cùng đồng phạm lừa đảo hàng trăm người có nhu cầu XKLĐ sang Hàn Quốc, chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, Lưu được thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại. Khi vụ án được chuyển TAND Hà Nội đưa ra xét xử, Lưu vắng mặt không đến theo giấy triệu tập.

Đến ngày 24-9-2011, toà nhận được bản kiến nghị của luật sư bào chữa cho Lưu, nói bị cáo đang nằm điều trị tại BV tâm thần T.Ư 1.

TAND TP Hà Nội ra quyết định trưng cầu Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư giám định tâm thần đối với bị cáo Lưu.

Ngày 16-11-2011, cơ quan này kết luận: Bị cáo Lê Đăng Lưu bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần.

Bị cáo bị bệnh từ khoảng năm 2004. Trước, trong khi phạm tội, bị cáo hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện tại, bị cáo mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

“Với kết luận như trên, tòa phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Lê Đăng Lưu” – thẩm phán Thành nói. Tuy nhiên, nghi ngờ kết luận trên có vấn đề, TAND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan tố tụng liên quan và lãnh đạo Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư.

Theo ông Thành, tại buổi làm việc, đại diện cơ quan giám định đã thừa nhận có sai sót trong việc thu nhận tài liệu chứng minh bệnh lý của Lưu.

Bởi vụ án đang do TAND Hà Nội thụ lý, nhưng cơ quan giám định tâm thần lại sử dụng hồ sơ do người nhà bị cáo đi lấy từ cơ quan y tế địa phương (Hà Tĩnh).

Điều đáng tiếc là sau đó, lợi dụng việc được tại ngoại chữa bệnh, Lê Đăng Lưu đã bỏ trốn, đang bị truy nã. Hai đồng phạm của Lưu sau đó lĩnh tù chung thân và 12 năm tù.

“Nếu tội phạm có thể mua được giấy chứng nhận tâm thần thì đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm” – Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Đức Bình nói.

Thấy dấu hiệu bất minh, luật sư có thể đề nghị giám định lại

“Ở giai đoạn nào của quá trình xét xử, luật sư đều có quyền đưa ra những kiến nghị, đề xuất hoặc khiếu nại tới HĐXX khi nhận thấy những dấu hiệu bất minh. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 58 Bộ luật TTHS.

Theo đó, khi phát hiện bị cáo có dấu hiệu tâm thần, luật sư sẽ đưa ra những căn cứ của mình để đề nghị HĐXX hoãn tòa, trưng cầu giám định nếu bị cáo chưa có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.

Ngược lại, khi xét xử, nhận thấy bị cáo hoàn toàn tỉnh táo, nhưng hồ sơ vụ án lại thể hiện bị cáo có Giấy chứng nhận tâm thần, luật sư có quyền khiếu nại tài liệu trên.

Bộ luật TTHS cũng quy định rất cụ thể về nghĩa vụ của luật sư: phải sử dụng mọi quy định của pháp luật nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ án, cũng như những tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Chính vì thế, khi nhận thấy dấu hiệu bất minh, liên quan những quyết định của cơ quan giám định, hoặc cơ quan tố tụng, luật sư có quyền đề nghị ngay tại phiên sơ thẩm, hoặc chờ kết thúc phiên sơ thẩm, khiếu nại, đề nghị trưng cầu giám định tại phiên phúc thẩm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.