Xử lý vi phạm tố tụng

Xử lý vi phạm tố tụng
TP - Dù được xây dựng một cách khoa học, chặt chẽ, song nếu việc thực hiện không đúng quy định, hành vi vi phạm không bị xử lý, hiệu quả thực tế của Bộ luật TTHS sẽ bị hạn chế rất nhiều.

>>Kỳ 5: Đưa bồi thường oan sai vào luật

Chuyện thường ngày…

Xử lý vi phạm tố tụng ảnh 1

Vụ án New Century được một số tờ báo ví là “đầu khủng long, đuôi thạch sùng”. Ảnh: C.M

Ông Hà Ngọc Thăng ở TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) bị thiếu tá công an Đinh Văn Tịnh và một số người gây thương tích giữa đường phố đông người. Kết quả giám định, ông Thăng bị tổn hại 25 phần trăm sức khỏe. Sau thời gian xác minh kéo dài vượt quá mọi thời hiệu, Công an TP Buôn Ma Thuột không khởi tố vụ án. Rốt cuộc, Viện KSND TP Buôn Ma Thuột ra quyết định khởi tố và yêu cầu cơ quan này điều tra.

Thanh niên Giáp Văn Trong bị triệu tập đến trụ sở Công an Huyện Tân Yên (Bắc Giang), rồi bị “câu lưu” nhiều ngày. Hậu quả Trong chết tại phòng làm việc của cán bộ điều tra. Cái chết của Trong được kết luận “tự sát”. Dấu hiệu của hành vi “bắt giữ người trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng” là rất rõ. Vụ án được Cục Điều tra Hình sự, Viện KSNDTC, khởi tố nhưng sau đó lại được đình chỉ.

Ông Trần Văn Thoát bị Công an Huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) khởi tố về hành vi “hủy hoại tài sản”. Ra tòa, ông Thoát kêu oan, tố cáo bị bức cung, nhục hình. Tại tòa, CQĐT chiếu băng hình cảnh một buổi hỏi cung ông Thoát, cho thấy bị cáo không hề bị nhục hình.

Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho ông Thoát căn cứ chính băng hình ấy để chứng minh cán bộ điều tra sau khi ghi biên bản hỏi cung đã bắt bị can ký mà không cho bị can được đọc lại!

Trên đây là ba trong rất nhiều vụ án có vi phạm tố tụng mà Tiền Phong từng đăng bài phản ánh. Có thể nói, số vụ án hình sự hồ sơ có vi phạm tố tụng ở các cấp độ khác nhau hiện đang chiếm một tỷ lệ lớn, thực trạng này dễ nhận thấy qua phần trình bày quan điểm của luật sư tại các phiên tòa.

Tại nhiều phiên tòa, các luật sư ra sức chứng minh hoạt động tố tụng có nhiều vi phạm. Trong phần đối đáp, công tố viên thường chỉ kết luận ngắn gọn “tuy có vi phạm, song không làm ảnh hưởng bản chất vụ án”. Bản án được tuyên thường không nhắc gì đến các vi phạm tố tụng luật sư đã nêu ra trước toà.

Một cán bộ giảng dạy trường đào tạo các chức danh tư pháp nhận xét, những vi phạm tố tụng làm ảnh hưởng tính khách quan của các chứng cứ, gây thiệt thòi quyền lợi của bị can, bị cáo. Nếu không xử lý hoặc xử lý xuê xoa, sẽ không nâng cao được trình độ cán bộ tố tụng, không hạn chế được việc làm oan cho người vô tội.

Đẩy mạnh công khai, dân chủ

Nhìn lại những vụ án oan, có thể thấy do cả nể hoặc ngại trách nhiệm (liên quan đến chính mình), một số kiểm sát viên không phát hiện, xử lý, lại bao che cho sai phạm của cán bộ điều tra. Việc xử lý trong trường hợp này rất khó, bởi sai phạm mang tính tập thể, hơn nữa cơ quan có cán bộ sai phạm lại là cơ quan có chức năng xử lý sai phạm.

Nhiều người cho rằng, để tăng cường xử lý vi phạm tố tụng, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với hồ sơ vụ án khi được đưa ra xét xử công khai. Tại tòa, nếu các luật sư chứng minh được hồ sơ có những vi phạm tố tụng ở mức nghiêm trọng, bồi thẩm đoàn cần tuyên “bị cáo không phạm tội”.

Nếu quy định này được áp dụng, điều tra viên, kiểm sát viên sẽ phải thực hiện các quy định tố tụng nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn. Các luật sư sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để giúp cho chính các cơ quan điều tra, truy tố tránh được những kẽ hở mà họ không còn cơ hội khắc phục khi vụ án được đưa ra xét xử.

Thời gian qua, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo đã được các đại biểu quốc hội chuyển đến lãnh đạo các cơ quan tư pháp, yêu cầu giải quyết, trả lời. Cũng từ đơn thư dân, nhiều vụ án được các cơ quan của Quốc hội tham gia rà soát lại, góp phần phát hiện, khắc phục sai phạm.

Để tăng cường dân chủ, giảm oan sai trong hoạt động tố tụng, nhiều ý kiến đề nghị Đảng và Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp đối với các cơ quan tư pháp.

Trong vụ án liên quan đến vũ trường New Century, bị can Nguyễn Đại Dương có đơn tố cáo hàng loạt vi phạm tố tụng của CQĐT (C17 Bộ Công an), từ việc “bắt người phạm tội quả tang”, khám xét hiện trường, thu giữ vật chứng, đến việc giám định các vật chứng…

Đơn của Dương nêu: trong công văn đề nghị Viện KSNDTC phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Dương đề ngày 7/5/2007, CQĐT công bố kết quả xét nghiệm nước tiểu những người bị tạm giữ tại vũ trường New Century rạng sáng 28/4/2007 là “68/241 người”. Theo bị can Dương, nhiều ngày sau khi công văn này được ký, C17 Bộ Công an mới nhận được kết luận của cơ quan giám định, vậy con số “68/241 người” dương tính ma túy từ đâu mà ra cần được làm rõ.

Nhận được lá đơn của bị can Dương, lãnh đạo báo Tiền Phong đã có công văn kính chuyển tới Viện KSNDTC, đến nay, Tiền Phong chưa nhận được hồi âm.

MỚI - NÓNG