Xử phúc thẩm vụ hỏa hoạn kinh hoàng, 38 người tử thương

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa
TPO - Từ những đóm lửa hàn bất cẩn bùng phát thành thảm họa cháy với 38 công nhân chết và bị bỏng nặng. Đã hơn một năm trôi qua, thảm kịch đau thương vẫn hiện hiển ở vùng quê Tân Dân, Hải Phòng...

> Gián tiếp khiến 13 người chết, tòa tuyên 12 năm tù
> Đề nghị xử Nhiếp Thiếu Phong 11-12 năm tù giam

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa.

Thảm kịch đau thương...

Năm bị cáo đã gây ra vụ cháy xưởng may gia công mũi giày Thuận Phát (ở thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão, TP Hải Phòng) chiều 29-7-2011 làm 13 công nhân chết và 25 công nhân bị trọng thương vừa bị Hội đồng Xét xử Phúc thẩm Hình sự, Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên y án sơ thẩm vào ngày 28-1.

Theo đó, bị cáo Nhiếp Thiếu Phong (42 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị tuyên phạt 12 năm tù giam, bị cáo Bùi Thị Hiền (vợ của Nhiếp Thiếu Phong, 25 tuổi, ở xã Tân Dân) bị phạt 11 năm tù giam, bị cáo Lê Văn Bảy (27 tuổi, ở xã Tân Dân) bị phạt 10 năm tù giam, bị cáo Bùi Thị Sự (45 tuổi, ở xã Tân Dân) bị phạt 7 năm tù giam và bị cáo Nguyễn Văn Linh (28 tuổi, ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) bị phạt 3 năm 6 tháng tù giam về tội “vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy”.

Về phần bồi thường dân sự, Hội đồng Xét xử chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của hai gia đình bị hại và tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thêm cho mỗi gia đình 15,5 triệu đồng.

Trước đó, bản án sơ thẩm hình sự cũng đã yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cho các gia đình nạn nhân và nạn nhân vụ cháy kinh hoàng này tổng cộng hơn 4,4 tỉ đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 5-2011, Hiền và Phong thuê 150m2 đất của bà Sự để xây dựng nhà xưởng với giá 4,5 triệu đồng mỗi tháng.

Theo yêu cầu của vợ chồng Hiền, Sự thuê Bảy (là thợ hàn) làm thành xưởng hình ống với khung thép chịu lực và chỉ mở duy nhất một cửa ra phía trước đường mà không có cửa hậu hay lối thoát hiểm nào.

Đầu tháng 7 năm 2011, vợ chồng Hiền chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tuyển công nhân đến làm việc. Vụ cháy kinh hoàng xảy ra khi Hiền yêu cầu lắp cột thu lôi ở trên nóc nhà xưởng vì sợ gió bão, sét...

Chiều 29-7-2011, Sự gọi Bảy đến hàn thêm 4 cột thu lôi và Bảy rủ thêm Linh đến xưởng làm cùng. Trong lúc hàn, các tia lửa bắn xuống phía dưới có để nhiều vật liệu dễ cháy như vải, da...

Hiền hai lần nhắc các thợ hàn dừng tay. Tuy nhiên, hai thợ hàn này vẫn làm và lửa đã bén vào một số vật liệu. Ngay sau đó ít phút, ngọn lửa bao trùm cả xưởng.

Khi đó, các công nhân đang làm việc không có lối thoát chen nhau chạy ra ngoài cửa duy nhất dẫn đến thảm họa kinh hoàng tới 13 người chết cháy và 25 người bị bỏng nặng từ 24% đến 90%...

Cuộc trốn chạy bất thành

Nghe tin vợ báo xưởng may bị cháy, Nhiếp Thiếu Phong vội cháy đến xem xét tình hình. Khi biết xưởng không thể cứu được, Phong và Hiền vội bế con bắt taxi tìm đường trốn sang Trung Quốc. Đến Móng Cái (Quảng Ninh), vợ chồng Phong bị lực lượng công an Hải Phòng bắt gọn và di lí về Hải Phòng ngay đêm 29-7-2011.

Vợ chồng Hiền khai nhận, từ năm 2005 Nhiếp Thiếu Phong sang Việt Nam làm nhân viên kỹ thuật da giầy. Khi đó, Hiền đi làm công nhân và quen Phong. Sau đó, Phong lấy Hiền và hai vợ chồng tách ra làm ăn riêng từ cuối năm 2006.

Đầu năm 2007, vợ chồng Hiền thuê đất của Sự. Nhiếp Thiếu Phong đã tự thiết kế nhà xưởng có cửa thoát hiểm, mái cao... và đưa cho Sự bản vẽ để xây dựng. Xưởng may hoàn thành không thấy có cửa thoát hiểm nhưng do nhu cầu cấp thiết nên vợ chồng Hiền không đòi hỏi Sự làm thêm.

Tại tòa, Sự nói vợ chồng Hiền không đưa cho Sự bản thiết kế hay bản vẽ nào mà chỉ xây dựng theo yêu cầu trực tiếp của vợ chồng Hiền. Trong quá trình xây dựng xưởng, Sự chủ động để một cửa thoáng phía cuối xưởng cho thoáng mát, nhưng vợ chồng Hiền sợ mất cắp nên lại đề nghị bịt cửa vào bằng lưới sắt hoa.

Bẩy và Linh đã khai trong khi hàn thấy khói bốc ra từ trần nhà xưởng nhưng do không ý thức được hậu quả nghiêm trọng xảy ra và cũng không có ai yêu cầu dừng lại nên tiếp tục hàn. Đến khi cháy lớn xảy ra thì đã quá muộn. Lúc xảy ra cháy, Linh nhanh chân cứu được hai người phía ngoài xưởng thoát nạn...

Tại phiên tòa phúc thẩm, chủ xưởng may Nhiếp Thiếu Phong xin hội đồng xét xử xem xét lại mức án mà tòa án sơ thẩm đã tuyên. Bùi Thị Hiền cũng xin được giảm nhẹ hình phạt hình sự bởi trong vụ án này Hiền vừa là thủ phạm nhưng cũng là nạn nhân khi có tới hai người em, trong đó có một em gái chuẩn bị tốt nghiệp ĐH Hải Phòng cũng bị thiệt mạng. Tuy nhiên, đề nghị của vợ chồng xưởng may đã không được hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

Theo Viết
MỚI - NÓNG