Cần đầu tư tốt hơn cho Phạm Thị Bình

Cần đầu tư tốt hơn cho Phạm Thị Bình
TP - VĐV người Quảng Ngãi vừa gây bất ngờ khi về nhất ở nội dung marathon nữ, diễn ra vào sáng qua tại sân thi đấu điền kinh, khu liên hợp thể thao Wunna Theikdi.

> 'Nữ hoàng chân đất' dùng tiền thưởng nuôi em
> Đi chân đất đoạt vàng SEA Games

Cô gái chân đất đăng quang tại SEA Games 27 ở đường chạy marathon. ảnh: VSI
Cô gái chân đất đăng quang tại SEA Games 27 ở đường chạy marathon. ảnh: VSI.

SEA Games 26 ở Indonesia, Phạm Thị Bình từng giành HCĐ ở nội dung này với thời gian 2:48’43. Trong cuộc đua hôm qua, cô đã rút ngắn thành tích trên xuống 2:46’03, vượt qua VĐV nước chủ nhà Myanmar (2:49’03) để giành HCV. Trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy cho biết, BHL và lãnh đội môn điền kinh đều rất bất ngờ vì điều này.

“Tại SEA Games 26 Phạm Thị Bình chỉ đoạt HCĐ nên qua SEA Games lần này, chúng tôi chỉ hy vọng em có thể giành HCB đã là rất đáng mừng rồi. Tuy nhiên Bình còn làm được nhiều hơn thế. Đây thực sự là điều rất đáng mừng”-ông Thủy cho biết.

Điều khác lạ của VĐV người Quảng Ngãi với các đối thủ khác là khi thi đấu, cô thường đi chân trần. “Chân em mỏng, mồ hôi lại ra nhiều nên nếu đi giày sẽ cảm thấy rất khó chịu, ảnh hưởng tới việc thi đấu”-Phạm Thị Bình giải thích.

Theo ông Dương Đức Thủy, do việc đi chân đất là thói quen của Phạm Thị Bình nên việc thay đổi sẽ cần tốn thời gian. Nhưng để cải thiện thành tích, ông Thủy cho rằng cô cần dần có sự điều chỉnh. “Dưới góc độ chuyên môn tôi vẫn muốn Bình đi giầy vì sẽ thích ứng với các địa hình thi đấu khác nhau. Trên thế giới cũng hiếm có VĐV nào đi chân đất thi đấu”- ông Thủy nói.

Nữ VĐV quê Quảng Ngãi này cũng chính là người về nhất nội dung bán marathon tại giải việt dã báo Tiền Phong được tổ chức hồi tháng 3/2013 tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang).

Ông Dương Đức Thủy hôm qua đồng thời nêu ý kiến, trong tương lai Phạm Thị Bình cần được quan tâm đầu tư tốt hơn. “Thực ra ở SEA Games 26, thành tích của Bình không cách chuẩn Olympic là mấy nên em cũng đã được đưa vào danh sách đầu tư. Tuy nhiên cự li của Bình đòi hỏi VĐV phải rất nỗ lực và ý chí cao do tính chất khốc liệt. Các cự li dài của Bình hay cự li trung bình của Trương Thanh Hằng, VĐV đều rất cô độc khi tập luyện. Để tìm được “quân xanh” có cùng hoặc hơn đẳng cấp để VĐV cải thiện thành tích lại càng khó. Thế nên Bình cần được đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng hơn”-ông Thuỷ cho biết.

Theo ông Thủy, đối thủ thua Bình ở cuộc đua hôm qua, VĐV nước chủ nhà Myanmar đã 34 tuổi nhưng vẫn thi đấu tốt. Phạm Thị Bình vì vậy nếu được quan tâm đầu tư thì còn có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG