Khi thủ đô không còn đáng sống

Khi thủ đô không còn đáng sống
TP - Thế là Indonesia phải dời đô. Chi phí cho tiến trình 10 năm này lên tới 33 tỷ USD. Nghe có vẻ to, nhưng chỉ cần 5 năm thoát khỏi thủ đô cũ là “hòa vốn”, thậm chí có lãi(!). Số là nạn tắc đường ở thành phố này kinh khủng đến mức mỗi năm gây thiệt hại cho đất nước hơn 7 tỷ USD.

Không khí Jakarta cũng ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến thành phố này không thể chứa nổi cả chục triệu người là nó đang chìm, nhanh hơn cả Venice của Ý. Jakarta mỗi năm chìm cỡ 18cm, tới 2050, ước tính 95% diện tích nằm dưới mực nước biển. Thành phố chìm do Trái Đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng; do mật độ xây dựng dày đặc; và còn do nạn khai thác nước ngầm vô tội vạ làm nền đất Jakarta (vốn là vùng đầm lầy) đã yếu càng thêm yếu.

Đây có thể là một ví dụ điển hình cho hiệu ứng cánh bướm mà nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đưa ra năm 1972 trong bài thuyết trình tựa đề: Liệu con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas? Tất nhiên cũng có thể là không, vì biết đâu một con khác lại triệt tiêu động năng kia cũng bằng cách đập cánh. Điều này thì chắc hơn: Nếu mỗi người Jakarta uống thêm một ngụm nước hằng ngày, thành phố của họ sẽ chìm nhanh hơn(!). Suy cho cùng, nhân loại chỉ có một Trái Đất, một nguồn nước để sống! Các tài nguyên khác cũng thế thôi, đều có hạn trước sự vô độ của con người.

Trước đây, ai ở cơ quan làm việc muộn thường được tuyên dương, nhưng bây giờ dễ sẽ bị phòng hành chính nhìn với con mắt khác: Tốn điện nước cơ quan! Nói chung có những nguồn điện bạn có thể dùng chùa, như tại các trung tâm thương mại chẳng hạn. Bạn cũng thích những tòa nhà chọc trời trang trí đèn nhấp nháy xanh đỏ theo chủ đề (chẳng hạn quốc kỳ nhân dịp đội tuyển bóng đá thắng). Rồi lễ Tết, thành phố cũng cần treo đèn nhấp nháy tí. Rồi thì khói bụi do các nhà máy nhiệt điện thải ra, tất cả cùng hưởng...

Nhắc đến điện, xăng là nỗi đau đầu cho xã hội vì nó động tới túi tiền của từng nhà. Trong những nguyên nhân khiến Paris lâm vào khủng hoảng bạo động kéo dài có giá xăng tăng. Phản đối và đổ lỗi hình như cũng là bản năng của con người. Nhưng đôi khi cũng chẳng biết bắt ai chịu trách nhiệm và khắc phục khủng hoảng. Chẳng hạn, giá nước sinh hoạt tại Sa Pa có lên tới 600.000 đồng/khối thì dân chúng vẫn phải cắn răng mua. Trong khi họ không phải thủ phạm của quá trình đô thị hóa vô tội vạ.

Thế đấy, có những loại bướm quá to đập cánh một cú, gây nên di chứng không thể khắc phục. Và đã có lúc người ta kêu gọi dân Sa Pa ngừng trồng lúa để dành nước cho du lịch. Nhưng hy vọng gì vào du khách? Khi vùng đất hết tiềm năng, họ sẽ phủi tay, đi nơi khác thôi. Một thủ đô to đẹp còn có ngày hết hạn sử dụng cơ mà…

MỚI - NÓNG